|
Các em học sinh nhận phần thưởng cuối năm trước đợt dịch COVID-19. (Ảnh minh họa: Chi Mai) |
Từ ngày 22/11 đến ngày 28/11 Sở Y tế TP Hồ Chí Minh sẽ tổ chức tiêm mũi 2 vaccine cho tất cả trẻ em từ 12 đến 17 tuổi đang sinh sống và học tập trên địa bàn TP đã được tiêm mũi 1 đủ thời gian, kể cả trẻ đã được tiêm mũi 1 ở các tỉnh, TP khác. Bên cạnh đó, TP tiếp tục tiêm mũi 1 cho những trẻ từ 12 đến 17 tuổi sinh sống hoặc học tập trên địa bàn TP chưa đủ điều kiện được tiêm vaccine trong đợt 1.
Về yêu cầu thông tin tiêm vaccine phải có đầy đủ thông tin về mã định danh của học sinh, Sở GD-ĐT TP đề nghị Công an TP Hồ Chí Minh phối hợp với công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và chỉ đạo công an các quận, huyện, TP Thủ Đức phối hợp các cơ sở giáo dục trên địa bàn trong việc cấp mã định danh cho tất cả học sinh đang theo học tại các cơ sở giáo dục, nhằm phục vụ kịp thời cho công tác tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho học sinh TP.
Đối tượng đề nghị cấp mã định danh bao gồm tất cả học sinh có hộ khẩu thường trú tại TP và học sinh có hộ khẩu thường trú tại các tỉnh, thành phố khác thuộc đối tượng tiêm vaccine tại TP
Mới đây, trong buổi làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP về kế hoạch năm học 2021-2022, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết có thể thí điểm tổ chức dạy trực tiếp cho học sinh (HS) lớp 9, 12 vào giữa tháng 12 khi đã chuẩn bị đủ các điều kiện cần thiết.
Việc tập huấn cho cán bộ, giáo viên công tác phòng chống dịch sẽ diễn ra vào đầu tháng 12, họp phụ huynh khối 9 và 12 trước ngày 5/12. HS trở lại học trực tiếp từ ngày 10/12, đầu tiên là khối 9 và 12, tiếp đó mở dần các khối khác.
Cùng với đó, ngành GD-ĐT trên cơ sở đánh giá kinh nghiệm triển khai dạy học trực tiếp ở xã Thạnh An (huyện Cần Giờ) và kết quả thảo luận tại buổi làm việc để hoàn thiện kế hoạch dạy học trực tiếp trong tuần sau. Trong đó, bổ sung những hướng dẫn, yêu cầu cụ thể, kế hoạch chi tiết cho từng cấp học để tổ chức giảng dạy trực tiếp an toàn. Sau khi thống nhất cần phối hợp chặt chẽ giữa ngành giáo dục và ngành y tế, giữa sở GD-ĐT và các quận, huyện để triển khai. Ngành GD-ĐT có thể duyệt mẫu kế hoạch của một trường nào đó để các quận, huyện cùng tham khảo.
Cần phối hợp với các quận, huyện lên kế hoạch thực hiện, giám sát để bảo đảm an toàn. Sau khi thí điểm, từ 2 tuần hoặc 1 tháng cần đánh giá lại kết quả rồi đề xuất tiếp. Nếu làm tốt, có thể thực hiện kế hoạch mở cửa trường từ học kỳ II.
Ngành GD-ĐT phải chuẩn bị sẵn sàng về cơ sở vật chất, các trường học phải được hoàn trả và sửa sang, phải phủ vắc-xin cho giáo viên và HS từ 12-18 tuổi. Đặc biệt, phải có quy trình xử lý các tình huống xảy ra theo kịch bản. Từng trường, từng địa phương phải nắm chắc, phối hợp đồng bộ để xử lý bình tĩnh, hiệu quả./.