Ngày 10/8, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP Hồ Chí Minh tổ chức họp báo cung cấp thông tin về tình hình dịch COVID-19 và các vấn đề dư luận quan tâm. Đồng chí Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh chủ trì họp báo.
Phát biểu tại cuộc họp báo, đồng chí Phan Nguyễn Như Khuê ghi nhận và đánh giá cao hoạt động của báo chí trong thời gian qua luôn đồng hành cùng công tác phòng chống dịch của Thành phố. Đồng chí bày tỏ sự trân trọng và cảm ơn đội ngũ phóng viên, nhà báo luôn nỗ lực, xông pha tuyến đầu để kịp thời phản ánh thông tin.
Đồng chí cũng mong trong thời gian tới, báo chí cần tăng cường tuyên truyền hơn nữa để người dân hiểu và ủng hộ các biện pháp phòng chống dịch của Thành phố.
“Ban đầu chúng ta có những lúng túng trong tổ chức thực hiện, nhưng với tinh thần vừa làm vừa cầu thị, tiếp thu để hoàn thiện, bổ sung và sửa chữa những cái sai, dần dần các biện pháp đang có hiệu quả nhất định”, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy nhấn mạnh.
Bên cạnh nỗ lực tối đa của cả hệ thống chính trị và người dân Thành phố, những thông tin giả, sai lệch, xuyên tạc, xấu độc vẫn còn xuất hiện. Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Phan Nguyễn Như Khuê đề nghị các phóng viên báo chí cũng phải “nhập cuộc” đầy trách nhiệm, cẩn trọng và có tiếng nói, thái độ đúng kịp thời để tránh gây hoang mang cho dư luận.
Đồng thời, đề nghị các sở, ngành tiếp thu các phản ánh của báo chí, người dân, khẩn trương rà soát, tăng cường kiểm tra, kiểm soát, chấn chỉnh và xử lý kịp thời nếu có sai sót và vi phạm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Đồng chí cho biết, trong tuần này, TP Hồ Chí Minh tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị 12 của Thành ủy TP Hồ Chí Minh, và Công văn số 2468 của UBND Thành phố. Thành phố tiếp tục quyết tâm không để xảy ra tình trạng “ngoài chặt trong lỏng” làm lãng phí những cố gắng chung.
Hiện nay, Thành phố cũng tăng cường đầu tư trang thiết bị, vật tư y tế cho công tác điều trị để tập trung hạn chế các ca F0 tăng nặng và giảm tỷ lệ tử vong. Theo đó, các ban, ngành, đơn vị, lực lượng cần “nhập cuộc” với tâm thế vì sức khỏe và sự an toàn của Nhân dân trên hết.
Đối với việc hỗ trợ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn trong dịch COVID-19, đồng chí Phan Nguyễn Như Khuê yêu cầu Sở LĐTB-XH Thành phố đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ, hỗ trợ kịp thời giúp người dân vượt qua khó khăn.
Tại cuộc họp, Giám đốc Sở LĐTB-XH TP Hồ Chí Minh Lê Minh Tấn cho biết, thực hiện gói hỗ trợ lần 2 của Thành phố, TP Hồ Chí Minh đã hỗ trợ 365.300 lao động tự do với kinh phí 576 tỷ đồng. Thành phố cũng hỗ trợ hơn 52.000 lao động ở doanh nghiệp hoãn việc, nghỉ việc không hưởng lương (trong tổng số 56.000 người, chiếm 92%); hơn 5.800 hộ kinh doanh phải dừng hoạt động (100%), hơn 15.000 hộ (trong tổng 16.500 hộ) thương nhân ở chợ truyền thống.
TP Hồ Chí Minh cũng đã thực hiện giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp đối với gần 101.400 đơn vị, doanh nghiệp với quy mô hơn 2,3 triệu lao động. Số tiền được giảm mức đóng là hơn 1.061 tỷ đồng, giúp doanh nghiệp hỗ trợ người lao động phòng chống dịch. Cùng với đó, 102 doanh nghiệp đủ điều kiện cũng được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất với số tiền 218 tỷ đồng cho 22.300 công nhân…
Đồng chí Lê Minh Tấn cho biết, trước tình hình dịch diễn biến phức tạp, TP Hồ Chí Minh mở rộng đối tượng hỗ trợ, tiếp tục thực hiện gói lần 3 với kinh phí hơn 900 tỷ đồng.
Đồng chí Lê Minh Tấn cũng cho biết, về chính sách nếu có người không may tử vong do dịch COVID-19, từ nguồn ngân sách của Thành phố, TP Hồ Chí Minh sẽ hỗ trợ 17,4 triệu đồng cho một trường hợp không may qua đời do dịch COVID-19.
Về công tác tiêm chủng, tính từ ngày 08/3/2021 đến 12 giờ 00 ngày 09/8/2021, Thành phố đã tổ chức tiêm được 3.430.990 mũi tiêm trong tổng số 4.111.040 liều vắc xin đã được nhận. Tốc độ tiêm chủng tăng nhanh trong thời gian qua, trung bình mỗi ngày tiêm được hơn 200.000 mũi, có thể tiếp tục đẩy nhanh tốc độ tiêm 250.000-300.000 mũi/ngày. Dự kiến đến hết ngày 12/8/2021, Thành phố sẽ sử dụng hết số vắc xin được phân bổ.
Về công tác phòng, chống dịch bệnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hoài Nam cho biết, mỗi giai đoạn có chiến lược khác nhau để phù hợp tình hình. Hiện nay TP Hồ Chí Minh có số lượng ca tăng cao, việc tầm soát diện rộng trong cộng đồng chuyển sang tầm soát trọng tâm, trọng điểm và tập trung lực lượng cấp cứu, điều trị để hạn chế các F0 diễn tiến nặng, tử vong. Cùng với đó, để giảm tải áp lực cho hệ thống y tế, các F0 không triệu chứng, triệu chứng nhẹ được hướng dẫn điều trị tại nhà. Sở Y tế cũng đã có văn bản cập nhật hướng dẫn mới nhất để các lực lượng, địa phương triển khai cho người dân.
Đối với công tác cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân, theo Phó Giám đốc Sở Công Thương Thành phố Nguyễn Nguyên Phương, để đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân ở các khu vực cách ly, phong tỏa, Sở đã phối hợp với các địa phương tổ chức phát phiếu mua hàng tại các chợ, siêu thị… các địa phương cũng triển khai nhiều giải pháp thiết thực nhằm phân phối hàng hóa tận nơi, giúp người dân hạn chế ra khỏi nhà.
Bên cạnh đó, Sở cũng phối hợp các đơn vị tiếp tục tổ chức phiên chợ với 70 mặt hàng lương thực thực phẩm thiết yếu. Mô hình này đã hỗ trợ được 6.035 hộ dân tương đương với 24.140 nhân khẩu tại các khu phong tỏa. Người dân đã tiếp cận được 9.103 đơn hàng với tổng giá trị 2,7 tỷ đồng. Người dân trong các khu phong tỏa, khó tiếp cận hàng hóa có thể liên hệ với với tổng đài hỗ trợ khẩn cấp 0963870058 của “Phiên chợ nghĩa tình” để được hỗ trợ kịp thời./..