|
|
|
Chiều 21/7, tại Trung tâm Báo chí đã diễn ra buổi họp báo trực tuyến cung cấp thông tin, tuyên truyền về tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Chủ trì tại điểm cầu Thành ủy có Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Phan Văn Mãi; chủ trì tại điểm cầu Trung tâm Báo chí TP có Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành uỷ Lê Văn Minh, Phó Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông Từ Lương.
Phát biểu kết luận tại buổi họp báo, đồng chí Phan Văn Mãi nhận định: Thời gian qua, số ca dương tính hàng ngày được phát hiện vẫn tăng rất cao, dịch có thể chưa đạt đỉnh và sẽ còn diễn biến phức tạp trong vài ngày tới. Do vậy, trong ba tình huống mà Thành phố đề ra cách đây một tuần, dù đã nỗ lực rất nhiều nhưng Thành phố đang đối diện với tình huống thứ hai. Đó là phải tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 và có biện pháp tăng cường, siết chặt hơn nữa ở một số địa bàn. Thành phố đang chuẩn bị cho tình huống này.Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng đề nghị đẩy mạnh công tác tuyên truyền thực hiện triệt để Chỉ thị 16 để trong 1 tuần - 10 ngày tới để chặn nguồn lây lan, đạt đỉnh dịch trong thời gian này.
Song song việc triệt để giãn cách, Thành phố sẽ tập trung cao cho việc phân loại, phân tầng quản lý chăm sóc điều trị F0.
Bên cạnh đó, Thành phố sẽ tăng cường cung ứng hàng hóa thiết yếu, nhất là cho khu phong tỏa, nhóm gia đình khó khăn.
Về đảm bảo sản xuất an toàn, TP Hồ Chí Minh đã đề ra tiêu chí sản xuất an toàn gồm "3 tại chỗ", "1 cung đường 2 điểm đến". Tuy nhiên, quá trình thực hiện có nhiều vướng mắc phát sinh. Do đó, Thành phố đã làm việc lại các đơn vị liên quan điều chỉnh phương án để có biện pháp an toàn nhất.
Trong lĩnh vực cung ứng hàng hóa, mở lại các chợ, đồng chí Phan Văn Mãi khẳng định không phải “mở lại chợ truyền thống”, mà là “mở lại chợ an toàn”. Các tiêu chí đặt ra là người vận chuyển hàng từ bên ngoài về, người trung chuyển, bốc vác..., từng khâu không tiếp xúc với nhau. Thành phố đã có quy trình, đang cố gắng điều chỉnh để khởi động lại các “chợ an toàn”.
Đồng chí Phan Văn Mãi cũng cho biết đây trong ngày 22/7, Thành ủy TP Hồ Chí Minh sẽ có định hướng mới cho giai đoạn Chỉ thị 16 nâng cao, tăng cường để các cấp triển khai, với mong muốn những ngày còn lại thực hiện Chỉ thị 16 chung với các tỉnh sẽ kiểm soát được tình hình dịch trên địa bàn Thành phố.
Báo cáo về tình hình dịch bệnh trên địa bàn, bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố cho biết, hiện Thành phố có 35 bệnh viện điều trị COVID-19. Bên cạnh đó, hiện đang xây dựng thêm nhiều bệnh viện dã chiến và chuyển bệnh viện không chuyên thành bệnh viện điều trị COVID-19 với tổng cộng hơn 59.000 giường, hoàn toàn đảm bảo việc thu dung điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 hiện nay.
Liên quan đến việc cách ly F1 tại nhà, bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng cho biết, Bộ Y tế đã hướng dẫn, TP Hồ Chí Minh đang triển khai thí điểm ở một số quận huyện, được người dân quan tâm ủng hộ. Hiện HCDC đã có hướng dẫn cho các quận huyện.
Lý giải vì sao TP Hồ Chí Minh áp dụng cách ly F1 tại nhà, giảm thời gian điều trị F0, bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng cho biết, theo kinh nghiệm từ các quốc gia khi số ca dương tính ở một quốc gia tăng lên nhanh sẽ tạo áp lực rất lớn cho ngành y tế. Vì vậy, nhiệm vụ hàng đầu là kiềm chế sự lây lan để giảm áp lực cho ngành y tế, bởi nếu vượt qua sức chịu đựng của ngành y tế thì tình hình sẽ rất căng thẳng.
Trong những ngày qua, Thành phố cũng đã ghi nhận một số tín hiệu đáng mừng về dịch bệnh. Cụ thể, những ngày gần đây, Thành phố không phát sinh ổ dịch mới. Bên cạnh đó, kể từ khi áp dụng chính sách “3 tại chỗ”, số ca nhiễm trong khu chế xuất, khu công nghiệp đã giảm mạnh.
Đối với công tác điều trị cũng có nhiều tiến triển tích cực. Dựa trên cơ sở kết quả điều trị, dự kiến số bệnh nhân xuất viện thời gian tới sẽ khoảng 1.000 người/ngày.
Về việc đảm bảo cung cấp lương thực, thực phẩm cho người dân, đồng chí Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết, trong 2 ngày qua, lượng hàng vận chuyển và cung ứng về Thành phố tăng lên khoảng 5% mỗi ngày. Sức mua trên thị trường giảm, giá trị các đơn hàng mua sắm giảm, không còn tình trạng xếp hàng kéo dài như trước. Điều này cho thấy, tình trạng cung ứng hàng hoá trên địa bàn Thành phố tương đối ổn định.
Các vấn đề khó khăn liên quan đến vận chuyển hàng hoá từ các tỉnh, thành về TP Hồ Chí Minh đã được giải quyết. Sở không nhận được phản ánh từ đơn vị phân phối, vận chuyển, nhà cung cấp.
Cũng theo đồng chí Nguyễn Nguyên Phương, trên địa bàn Thành phố, số chợ truyền thống tạm ngưng hoạt động tiếp tục tăng, ngày 20-7 còn 33 chợ hoạt động, đến ngày 21-7 còn 32 chợ. Có 1 siêu thị tạm ngưng hoạt động, tổng là 9/106 siêu thị tạm ngừng hoạt động. Cửa hàng tiện lợi có 9 cửa hàng tạm ngưng hoạt động, 4 cửa hàng được mở lại, đưa tổng số cửa hàng tiện lợi tạm ngưng hoạt động đến nay là 120/2.895 cửa hàng tiện lợi.
Liên quan đến chủ trương mở lại các điểm bán thực phẩm tươi sống thiết yếu nhưng phải đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch tại các chợ, ông Nguyễn Nguyên Phương cho rằng, ngành công thương đã có phương án, hướng dẫn cụ thể; nhưng do tình hình hiện nay khả năng lây lan vẫn còn cao, nên tùy địa phương theo dõi quyết định chính thức về hoạt động của các chợ truyền thống, với nguyên tắc nếu duy trì phải đảm bảo được an toàn phòng chống dịch./..