Chiến dịch bảo vệ trẻ em “Cái ôm ấm áp” chính thức được triển khai tại Việt Nam

Chiến dịch này được thực hiện bởi Tổ chức ChildFund Việt Nam và ChildFund Hàn Quốc với sự tài trợ của Công ty TNHH Bảo Hiểm Hanwha Life. “Một vòng tay ấm áp xoa dịu mọi tổn thương” –Thông điệp ý nghĩa của Chiến dịch bảo vệ trẻ em “Cái ôm ấm áp”

Chiến dịch được tổ chức nhằm mục đích nâng cao nhận thức của cộng đồng về vấn đề bạo hành trẻ em và quyền trẻ em, đồng thời thúc đẩy cộng đồng, bao gồm chính các em, có thể kịp thời tìm kiếm sự hỗ trợ bằng cách gọi đến Đường dây trợ giúp trẻ em quốc gia 111.

Chiến dịch “Cái ôm ấm áp” với thông điệp “Một vòng tay ấm áp xoa dịu mọi tổn thương” chính là lời nhắn nhủ tới người lớn hãy giáo dục và nuôi dưỡng trẻ em bằng tình yêu thương. Những sẻ chia dù là nhỏ bé, những hành động yêu thương dù là giản đơn cũng có thể giúp trẻ em cảm thấy được chở che và chữa lành nơi tâm hồn. Ngoài ra, nhằm nâng cao trách nhiệm và bảo vệ trẻ em kịp thời, dự án này cũng khuyến khích mọi người gọi đến đường dây nóng 111 để trình báo và nhận tư vấn miễn phí về các vấn đề bạo lực trẻ em.

Ông Hwang Jun Hwan - Tổng Giám đốc Hanwha Life Việt Nam chia sẻ: “Hanwha Life Việt Nam luôn hướng tới khách hàng và cộng đồng. Hanwha Life Việt Nam rất vui khi đồng hành với trọng trách bảo vệ cá nhân và gia đình của gần một triệu khách hàng Việt trong suốt hơn 13 năm qua, thông qua những giải pháp tài chính toàn diện và các hoạt động hướng đến cộng đồng. Dự án 'Cái ôm ấm áp' đóng vai trò mang tinh thần đó của chúng tôi trở thành hành động rõ nét hơn. Chúng tôi kỳ vọng dự án sẽ mang lại những đổi thay tích cực trong vấn đề bạo hành trẻ em đang gây nhiều nhức nhối, từ đó góp phần bảo vệ hạnh phúc và sự phát triển của các mầm non tương lai.”

Với ý nghĩa của mình, dự án “Cái ôm ấm áp” sẽ được triển khai trên nhiều nền tảng, nhằm đưa thông tin, thông điệp đến với mọi người dân Việt Nam. Hãy cùng chung tay hành động và xây dựng một cộng đồng với tình yêu thương và một tương lai tươi sáng hơn cho mọi trẻ em trên “mảnh đất hình chữ S”.              

Theo Bộ Công An và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong năm 2021, có gần 2.000 vụ bạo hành trẻ em được ghi nhận, đặc biệt có tới 72,84% trẻ em Việt Nam đã từng bị bạo lực về thể chất từ chính những người thân trong gia đình (tăng 5,3% so với năm 2020). Tình trạng này cũng chịu ảnh hưởng của giai đoạn dịch Covid-19, khi trường học đóng cửa và các biện pháp hạn chế đi lại đã làm tăng thời gian trẻ em phải ở nhà (theo UNICEF, 2020). Cũng theo đánh giá của UNICEF, đây mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Trong năm 2021, hơn 507.800 cuộc gọi tới Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 được ghi nhận và riêng trong quý 1/2022, Tổng đài đã tiếp nhận 202.098 cuộc gọi đến; tư vấn 10.603 ca, tăng 3.333 ca tương ứng với 45,8% so với cùng kỳ năm 2021.

Nỗi đau và tổn thương tâm lý của trẻ có thể hình thành từ những lời quát mắng, những hành động bạo lực xuất phát từ những cảm xúc tiêu cực của người lớn. Những tổn thương về thể xác và tinh thần từ tuổi thơ sẽ không chỉ dừng lại là nỗi đau của một đứa trẻ mà có thể tạo nên vòng lặp tiêu cực trong tương lai. Tuy nhiên, nhận thức chung của mọi người về việc trình báo còn chưa rõ ràng và chưa có quy chế cụ thể; ngoài ra, các em cũng chưa nhận thức được việc cần trình báo một cách kịp thời để nhận được sự tư vấn miễn phí và sự bảo vệ cần thiết./..

PV