Tiết mục chào cờ của giáo viên Trường THCS Lương Định Của trước giờ Đại hội Chi bộ. (Ảnh minh họa: CM)

Nhằm tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác dân vận, quy chế dân chủ, Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh luôn quan tâm chấn chỉnh lề lối làm việc, nâng cao ý thức trách nhiệm trong thi hành nhiệm vụ, công vụ của công chức viên chức.

Từ đó, đa số công chức viên chức chấp hành nghiêm túc kỷ luật, kỷ cương, nội quy, quy chế của cơ quan; có thái độ lịch sự, niềm nở, nhã nhặn trong thi hành nhiệm vụ, công vụ; có ý thức, trách nhiệm trong giải quyết công việc của tổ chức, công dân, chú trọng hơn công tác dân vận, quy chế dân chủ.

Đặc biệt, trong năm học 2023-2024, Sở Giáo dục và Đào tạo ban hành Quyết định số 2733/QĐ-SGDĐT ngày 05/9/2023 về phê duyệt Kế hoạch thanh tra năm học 2023-2024 trong đó có cuộc thanh tra về việc thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở, công khai trong lĩnh vực giáo dục, đảm bảo chế độ chính sách cho người lao động.

Nhằm quan tâm đời sống công chức, viên chức, người lao động, Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp Công đoàn Giáo dục Thành phố tích cực và chủ động cùng tham gia xây dựng các chế độ, chính sách liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của nhà giáo và lao động trong ngành. Công đoàn giáo dục các cấp, trực tiếp là công đoàn cơ sở kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách theo qui định của pháp luật; thực hiện tốt vai trò đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của cán bộ, nhà giáo và người lao động; đẩy mạnh chương trình học bổng Nguyễn Đức Cảnh để thiết thực chăm lo cho con nhà giáo, người lao động trong ngành; thực hiện công văn vận động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố về đóng góp Quỹ “Hướng về biên giới, biển, đảo tổ quốc” Sở Giáo dục và Đào tạp phối hợp với Công đoàn Ngành Giáo dục Thành phố tham gia và đóng góp 200 triệu đồng; thực hiện Thư ngỏ của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố về vận động ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo”  Thành phố đã ủng hộ 300.000.000 đồng - tháng 10 năm 2023.

Mặt khác, Công đoàn Giáo dục Thành phố phối hợp với chuyên môn đồng cấp kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, tham gia tổ chức Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, Hội nghị người lao động. Chỉ đạo công đoàn cơ sở tranh thủ sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, quy chế chi tiêu nội bộ, nâng cao chất lượng thỏa ước lao động tập thể với những điều khoản có lợi cho người lao động; tăng cường công tác nắm bắt dư luận xã hội, chú trọng chất lượng tổ chức đối thoại giữa thủ trưởng, người sử dụng lao động và nhà giáo, người lao động nhằm giải quyết tốt các vướng mắc, cũng như tâm tư nguyện vọng của nhà giáo và người lao động.

Chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng tham gia kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật lao động; đề xuất xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật lao động, Luật Công đoàn; tham gia phản biện xã hội và thực hiện quyền tham gia, giám sát của tổ chức công đoàn theo quy định pháp luật đối với những chủ trương, chính sách, pháp luật liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động.


Công đoàn Giáo dục Thành phố phối hợp với chuyên môn đồng cấp kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở. Ảnh minh họa: CM

Trong thời gian tới, để làm tốt hơn quy chế dân chủ cơ sở, Đảng ủy Sở Giáo dục và Đào tạo cần nắm vững các quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, nhận thức đúng đắn, vận dụng sáng tạo, phù hợp với thực tiễn và đặc thù của ngành giáo dục. Thực hiện quy chế dân chủ gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành giáo dục; gắn với xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, các phong trào thi đua, các cuộc vận động.

Cùng với đó, người đứng đầu phải xác định rõ việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thực sự tâm huyết trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện; có sự vào cuộc đồng bộ, phối hợp chặt chẽ trong cả hệ thống chính trị trong triển khai thực hiện. Người đứng đầu nhà trường cần tăng cường công tác tổ chức gặp gỡ, đối thoại giữa lãnh đạo nhà trường và cha mẹ học sinh, học sinh, giáo viên để kịp thời nắm bắt thông tin, tâm tư, nguyện vọng và các vướng mắc phát sinh, kịp thời giải quyết thấu đáo với mục tiêu tốt nhất cho học sinh, giáo viên. Xây dựng quy chế đối thoại và tổ chức đối thoại cho từng đối tượng theo từng thời điểm. Thông qua hoạt động đối thoại giúp hiệu trưởng phân tích, đánh giá bầu không khí tâm lý của nhà trường.

Song song đó, thực hiện dân chủ phải được cụ thể hóa, xây dựng thành các quy chế, quy định, quy trình công khai, dân chủ, minh bạch trong các lĩnh vực hoạt độngcủa mỗi cơ sở giáo dục, đảm bảo quyền va lợi ích của cá nhân và tập thể, góp phần nâng cao uy tín của ngành. Xây dựng, phát triển các hình thức thực hành dân chủ phù hợp, nâng cao chất lượng dân chủ đại diện, mở rộng dân chủ trực tiếp. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của các cơ sở giáo dục; đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính, cải cách chế độ công vụ, công chức; xử lý nghiêm đối với các vụ việc tham nhũng, tiêu cực; tăng cường tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhà giáo, phụ huynh, học sinh.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong toàn ngành, tổ chức lồng ghép vào chương trình giảng dạy; chú trọng tuyên truyền các chính sách, pháp luật liên quan trực tiếp đến đời sống của người dân, đến thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, quyền và nghĩa vụ của công dân.

Cuối cùng, phải phát huy dân chủ phải luôn gắn với tăng cường kỷ luật, kỷ cương; kiên quyết đấu tranh, xử lý những trường hợp lợi dụng dân chủ, nhân quyền để chống phá Đảng, Nhà nước, gây mất ổn định về an ninh trật tự và những hành vi vi phạm dân chủ, quyền làm chủ của nhân dân./.