Nuôi tôm nước lợ ở Cần Giờ, TP.Hồ Chí Minh. (Ảnh: K.V)

Có được kết quả trên là do trong năm qua, TP.Hồ Chí Minh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm thu hút, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư, đóng góp hỗ trợ cho nông thôn Thành phố. Quy mô vốn đầu tư, vốn vay qua các năm tăng dần.

Về hỗ trợ kết nối tiêu thụ nông sản, đến nay đã có 10 địa điểm tổ chức chợ phiên nông sản an toàn, tăng thêm 7 địa điểm; số kỳ tổ chức chợ phiên trong năm đạt 206 kỳ, tăng 151% so cùng kỳ, ngành chức năng đã tổ chức 300 kỳ chợ phiên, bình quân mỗi phiên có 19 đơn vị tham gia với 21 gian hàng. Tổng doanh thu từ hoạt động bán tại chợ phiên và thông qua 200 thỏa thuận, đơn đặt hàng tiêu thụ sản phẩm an toàn giữa các đơn vị tham gia chợ phiên và khách hàng đạt 30,6 tỷ đồng/tháng.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.Hồ Chí Minh đã tham mưu Uỷ ban nhân dân Thành phố ban hành danh mục nhóm sản phẩm chủ lực ngành nông nghiệp, gồm 3 nhóm sản phẩm chủ lực, đó là nhóm sản phẩm cây trồng chủ lực là rau và hoa, cây cảnh; nhóm sản phẩm chăn nuôi chủ lực là bò sữa và lợn; nhóm sản phẩm thủy sản chủ lực là tôm nước lợ, cá cảnh xác định là nhóm sản phẩm có tiềm năng.

Năm 2019, ngành nông nghiệp TP.Hồ Chí Minh sẽ tập trung chuyển đổi mạnh đất trồng lúa, mía hiệu quả thấp sang phát triển 6 loại cây trồng, vật nuôi chủ lực ngành nông nghiệp của Thành phố theo hướng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học.

Thực hiện mạnh mẽ cơ cấu lại và đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp; tập trung nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học để sản xuất giống cây, giống con chất lượng và năng suất cao, từng bước hình thành trung tâm giống cây, giống con của khu vực; phát triển khoa học công nghệ, nông nghiệp công nghệ cao gắn với đào tạo nguồn nhân lực để tận dụng tốt cơ hội của cuộc cách mạng 4.0; phát triển sản xuất kết hợp du lịch sinh thái, nâng cao chất lượng tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đào tạo nghề cho khu vực nông thôn; hình thành các cơ sở giết mổ chuyên nghiệp hiện đại, bảo vệ môi trường.

Cùng với đó, TP.Hồ Chí Minh tích cực đẩy mạnh các hoạt động tổ chức sản xuất, sơ chế, chế biến, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường; tiếp tục tạo thuận lợi hơn nữa cho phát triển doanh nghiệp, nâng cao khả năng hội nhập Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương; xây dựng chương trình hỗ trợ, phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực; phát huy vai trò trung tâm của hợp tác xã giúp sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định, bền vững, thúc đẩy xây dựng nông thôn mới, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn./.

K.V