Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: Tá Lâm

Chiều 9/10, UBND TP Hồ Chí Minh đã công bố Kiến trúc chính quyền điện tử nhằm định hướng triển khai một cách thống nhất và đồng bộ ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước của TP.

Theo Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh, kiến trúc chính quyền điện tử TP là một kế hoạch tổng thể giúp định hướng triển khai một cách thống nhất và đồng bộ ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước của TP, đáp ứng các mục tiêu chiến lược của TP phát triển thành đô thị thông minh.

Theo đó, kiến trúc chính quyền điện tử của TP tuân thủ khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam; đồng thời bám sát Đề án xây dựng TP trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025 do UBND TP ban hành.

Ngoài ra, kiến trúc chính quyền điện tử TP được xây dựng dựa trên các công nghệ mới của cách mạng công nghiệp 4.0 như Internet vạn vật (IoT), cơ sở dữ liệu lớn (big data), trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ chuỗi khối (blockchain), công nghệ trợ lý ảo, robot thông minh…

Theo Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh, kiến trúc chính quyền điện tử chủ yếu được xây dựng cho các sở, ban, ngành, quận, huyện, phường, xã tại TP để các đơn vị tham chiếu, tuân thủ khi xây dựng kế hoạch và triển khai các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin một cách đồng bộ, thống nhất.

Kiến trúc này sẽ giúp đảm bảo các kế hoạch đầu tư về công nghệ thông tin và truyền thông của các cơ quan chính quyền thuộc TP đạt được thành quả đúng theo mục tiêu đề ra, đáp ứng nhu cầu thực tế của người dân, doanh nghiệp, đồng thời tránh lãng phí, trùng lắp và tiết kiệm ngân sách.

Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh cho biết, từ năm 2010, TP Hồ Chí Minh đã tập trung xây dựng Chính quyền điện tử liên thông trên cơ sở triển khai hệ thống “một cửa điện tử”, “một cửa liên thông” với nhiều dịch vụ công trực tuyến. Bắt đầu từ năm 2018, mục tiêu là chuyển qua Chính quyền điện tử di động và triển khai dịch vụ công mức độ 4 trên kênh điện thoại thông minh, với độ tương tác cao hơn.

Đến năm 2020, cơ bản hoàn tất triển khai hệ thống quản lý văn bản, điều hành điện tử và hệ thống một cửa điện tử liên thông; hình thành kho dữ liệu dùng chung về người dân, doanh nghiệp, bản đồ số. Từ năm 2020 - 2025, TP Hồ Chí Minh tiến đến xây dựng Chính quyền điện tử thông minh trên cơ sở công nghệ big data, dữ liệu mở, AI, điện toán đám mây (cloud) và tận dụng kênh mạng xã hội để cung cấp các dịch vụ công thông minh cho người dân và doanh nghiệp.

Sau năm 2025 là giai đoạn Chính quyền điện tử cá nhân hóa, khi các dịch vụ công được thực hiện tự động bởi các tương tác giữa máy và máy.

Phát biểu tại lễ công bố, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến cho rằng, không gian mạng đang diễn ra nhanh chóng nên việc xây dựng chính quyền điện tử là vấn đề cần thiết, nhất là với TP Hồ Chí Minh - một đô thị đặc biệt, khối lượng hồ sơ xử lý hàng năm lên tới 14 triệu hồ sơ.

Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến yêu cầu các sở ngành, quận huyện đẩy nhanh, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào quản lý công tác tại đơn vị trên cơ sở Kiến trúc Chính quyền điện tử TP Hồ Chí Minh vừa được công bố. Không chỉ những nơi có hạ tầng công nghệ tốt, hiện đại mà chính các huyện ngoại thành, vùng sâu vùng xa càng phải ứng dụng công nghệ để cung cấp các tiện ích giúp người dân tương tác với chính quyền mà không đi lại quá nhiều…

Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến yêu cầu Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh nhanh chóng ban hành các quy định, tổ chức công khai khung kiến trúc trên nhiều kênh để người đứng đầu cơ quan nhà nước, cán bộ công chức, người dân nắm bắt và thực hiện, để doanh nghiệp cung cấp các giải pháp công nghệ phù hợp. Đồng thời, nắm bắt và kịp thời phổ biến, nhân rộng các mô hình, giải pháp áp dụng hay, hiệu quả ở các địa phương …/.

Phạm Cường