Toàn cảnh buổi làm việc. 

Đoàn công tác Bộ Nội vụ làm việc với UBND TP Hồ Chí Minh về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025; công tác cải cách hành chính nhà nước tại TP Hồ Chí Minh năm 2024. Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà và Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi vừa có buổi đồng chủ trì làm việc.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết buổi làm việc là để nghe UBND TP Hồ Chí Minh báo cáo tình hình, tiến độ triển khai sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 và đến 2030; kết quả công tác cải cách hành chính nhà nước tại TP Hồ Chí Minh năm 2023 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 và những năm tới; nội dung dự thảo Nghị định thí điểm phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực cho chính quyền TP Hồ Chí Minh.

Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi đánh giá, buổi làm việc hôm nay rất quan trọng vì giúp cho TP Hồ Chí Minh tiếp tục hoàn thiện Đề án sắp xếp đơn vị hành chính theo đặc thù của TP cũng như thúc đẩy công tác cải cách hành chính của TP trong thời gian tới. Đây là những nội dung rất thiết thực có đóng góp quan trọng và trực tiếp cho phát triển kinh tế - xã hội của TP.

Chủ tịch UBND TP cũng đề nghị các đại biểu góp ý để thống nhất các nội dung còn có ý kiến khác nhau trong dự thảo Nghị định thí điểm phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực cho chính quyền TP Hồ Chí Minh để TP hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ.

 

Thay mặt lãnh đạo TP báo cáo tại buổi làm việc, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Hồng Thắm cho biết thực hiện chỉ đạo của Trung ương và Thành ủy TP Hồ Chí Minh, UBND TP Hồ Chí Minh đã ban hành Kế hoạch thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.

TP Hồ Chí Minh hiện có 22 đơn vị hành chính cấp huyện (16 quận, 1 thành phố, 5 huyện) và 312 đơn vị hành chính cấp xã (249 phường, 5 thị trấn và 58 xã).

Theo Phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 của TP Hồ Chí Minh, giai đoạn 2023-2025, số lượng đơn vị hành chính cấp huyện thuộc diện bắt buộc sắp xếp: Không. Số lượng đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện bắt buộc sắp xếp: 126 đơn vị hành chính, trong đó có 6 đơn vị hành chính cấp xã đã thực hiện sắp xếp trong giai đoạn 2019-2021, do đó, giai đoạn 2023-2025, trên địa bàn TP có 120 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện sắp xếp.

Giai đoạn 2026-2030, số lượng đơn vị hành chính cấp huyện thuộc diện bắt buộc sắp xếp: 1 đơn vị hành chính (huyện Nhà Bè). Số lượng đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện bắt buộc sắp xếp: 9 đơn vị hành chính.

Tổng giai đoạn 2023-2030, số lượng đơn vị hành chính cấp huyện thuộc diện bắt buộc sắp xếp: 1 đơn vị hành chính (huyện Nhà Bè). Tuy nhiên, do có yếu tố đặc thù nên không thực hiện sắp xếp huyện Nhà Bè. Số lượng đơn vị hành chính cấp huyện thuộc diện khuyến khích sắp xếp: 1 (huyện Nhà Bè thuộc giai đoạn 2026-2030). Số lượng đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện bắt buộc sắp xếp: 129 đơn vị hành chính. Số lượng đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện bắt buộc sắp xếp nhưng có yếu tố đặc thù nên không thực hiện sắp xếp: 52 đơn vị hành chính. Số lượng đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện khuyến khích sắp xếp: 11 đơn vị hành chính bao gồm: 2 phường của quận Gò Vấp và 9 đơn vị hành chính diện sắp xếp giai đoạn 2026-2030.

Tổng số đơn vị hành chính cấp xã thực hiện sắp xếp giai đoạn 2023-2030 của TP là: 80 Phường liên quan thuộc địa bàn 10 quận. Số lượng đơn vị hành chính dự kiến giảm sau khi thực hiện sắp xếp: đơn vị hành chính cấp huyện: giảm 0 đơn vị; đơn vị hành chính cấp xã: giảm 39 đơn vị (39 phường).

TP Hồ Chí Minh xây dựng 38 phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn 10 quận có liên quan, trong đó: có 6 phương án sáp nhập nguyên trạng 3 phường thành 1 phường; 23 phương án sáp nhập nguyên trạng 2 phường thành 1 phường và 9 phương án điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính để thành lập phường mới.

Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Hồng Thắm báo cáo Phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 của TP Hồ Chí Minh và công tác cải cách hành chính tại TP Hồ Chí Minh năm 2024.

Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Hồng Thắm cho biết, đa số các ĐVHC cấp huyện, cấp xã trên địa bàn TP có diện tích tự nhiên rất nhỏ, nhưng quy mô dân số rất lớn, vượt nhiều so với quy định và có xu hướng tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. Vì vậy, nếu nhập 2 ĐVHC hoặc nhập 3 đơn vị hành chính cấp xã thành 1 đơn vị hành chính mới cũng không đạt tiêu chuẩn diện tích tự nhiên theo quy định tại Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính.

Bên cạnh đó, TP đang tiến hành sắp xếp lại khu phố, ấp mới theo quy định Trung ương, đã sắp xếp lại 27.377 tổ chức, gồm 2008 khu phố và 25.369 tổ dân phố, tổ nhân dân thành 4.861 khu phố và ấp mới theo quy định của Trung ương, giảm 22.516 tổ chức; số lượng người tham gia các tổ chức này từ 64.293 người dự kiến còn 24.305 người, giảm 39.988 người sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hệ thống chính trị ở dưới cấp xã; đồng thời ảnh hưởng đến tiến độ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của TP, do các cơ quan dành nhiều thời gian vào công tác sắp xếp; đồng thời ảnh hưởng rất lớn đến người dân, tổ chức và doanh nghiệp do phải điều chỉnh  hàng loạt giấy tờ có liên quan.

Một khó khăn nữa là theo khoản 3, Điều 22, Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 về kinh phí thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; để đảm bảo tiến độ cho quy trình thực hiện xây dựng Đề án, UBND TP sẽ trình HĐND TP ban hành Nghị quyết về các mức chi cụ thể thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã vào kỳ họp chuyên đề của HĐND TP trong tháng 5/2024, vì vậy sẽ ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng Đề án và thời hạn trình Chính phủ theo quy định.

Song song đó, việc xây dựng Đề án phải tiến hành đấu thầu kể từ ngày Quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu xây dựng Đề án khoảng thời gian từ 30 đến 35 ngày; thi công xây dựng Đề án khoảng thời gian 90 ngày. Tổng thời gian dự kiến là 120 ngày. Vì vậy, sẽ ảnh hưởng thời hạn gửi Bộ Nội vụ hồ sơ Đề án vào ngày 30/6/2024.

Từ những khó khăn, vướng mắc nêu trên, TPHCM kiến nghị Bộ Nội vụ xem xét và chấp thuận cho TPHCM tiến hành rà soát xây dựng Phương án tổng thể cho cả 2 giai đoạn 2023-2025 và 2026-2030 và triển khai, thực hiện sắp xếp chung 1 lần trong giai đoạn hiện nay.

TP cũng kiến nghị Bộ Nội vụ thẩm định Phương án tổng thể tiến đến xây dựng Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 trên địa bàn TP theo quan điểm chỉ đạo tại Kết luận số 48-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030.

TP đã phê duyệt Kế hoạch CCHC tại các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thành phố Thủ Đức; tổ chức điểm cầu trực tuyến tham gia 5 phiên họp Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ và có những văn bản chỉ đạo cụ thể theo kết luận của Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ.

TP đã tổ chức Hội thi sáng tạo CCHC TP lần 1 năm 2023 thu hút các mô hình, giải pháp của tập thể và cá nhân tham gia; phê duyệt danh sách cán bộ, công chức, viên chức làm đầu mối thực hiện nhiệm vụ làm công tác CCHC trên địa bàn TP.

TP đã ban hành Quyết định phê duyệt Đề án xác định Chỉ số CCHC của sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thành phố Thủ Đức trên địa bàn TP Hồ Chí Minh thay thế Quyết định số 4000/QĐ-UBND của UBND TP; tổ chức các lớp bồi dưỡng CCHC; ban hành Kế hoạch về thí điểm áp dụng công cụ cải tiến năng suất chất lượng 5S trong các cơ quan nhà nước; hoàn thành phê duyệt và triển khai các đề án trọng tâm thực hiện công tác CCHC theo các quyết định của UBND TP; thực hiện tốt công tác tuyên truyền CCHC; tăng cường kiểm tra CCHC và kiểm tra công vụ tại công sở;…

Trong thời gian tới, TP tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị định 73 của Chính phủ về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động sáng tạo dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung trong việc chủ động thực hiện CCHC; đánh giá thực hiện Quy chế phối hợp giữa sở ban ngành, UBND quận, huyện, thành phố Thủ Đức trong công tác tham mưu và triển khai thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước.

TP sẽ phát huy tối đa hiệu quả quá trình Chuyển đổi số để có giải pháp cụ thể thực hiện tốt chủ đề năm 2024 “Quyết tâm thực hiện hiệu quả chuyển đổi số và Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội”…

Tại buổi làm việc, TP kiến nghị đồng bộ việc kết nối, tích hợp, liên thông, chia sẽ thông tin dữ liệu giữa Cổng dịch vụ công của bộ, ngành với Hệ thống giải quyết thông tin TTHC của Thành phố; kiến nghị bộ, ngành Trung ương theo phạm vi chức năng quản lý thực hiện công bố đầy đủ, kịp thời, đúng quy định các TTHC làm cơ sở cho địa phương thực hiện công bố danh mục TTHC./..

 

PV