Chống mãi không hết ngập…

Sau khi điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP.Hồ Chí Minh đến năm 2020 được phê duyệt (năm 1998), năm 2001 Thành phố đã lập quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước đến năm 2020 (Quyết định 752/QĐ-TTg) giải quyết ngập do mưa, xử lý nước thải cho khu vực trung tâm bằng việc nâng cấp, cải tạo hệ thống thoát nước và xây dựng hệ thống thu gom nước thải. Từ năm 2008, Thành phố cũng đã lập quy hoạch thủy lợi chống ngập úng (Quyết định 1547/QĐ-TTg) nhằm giải quyết ngập do triều cường và điều tiết lũ thượng nguồn trên cơ sở thực hiện xây dựng tuyến đê bao khép kín từ Bến Súc đến sông Kinh Lộ bao bọc quanh địa phận tỉnh Long An với 13 cống kiểm soát triều lớn và nạo vét, cải tạo các kênh trục điều tiết lũ, đồng thời nghiên cứu xây dựng các hồ điều tiết nước.

Triều cường gây ngập khiến cho việc đi lại của người dân gặp rất nhiều khó khăn
 (Ảnh: NS)

Thực hiện theo các quy hoạch, đến nay Thành phố đã triển khai cơ bản hoàn thành một số dự án lớn về thoát nước và vệ sinh môi trường như dự án vệ sinh môi trường thành phố- lưu vực Nhiêu Lộc- Thị Nghè, cải thiện môi trường nước Thành phố- lưu vực Tàu Hủ-Bến Nghé-Kênh Đôi-Kênh Tẻ, cải tạo hệ thống thoát nước rạch Hàng Bàng, nâng cấp đô thị thành phố- lưu vực Tân Hóa-Lò Gốm… với tổng mức đầu tư hơn 1 tỷ USD. Việc thực hiện các dự án bước đầu đã đem lại hiệu quả rõ rệt. Số lượng các điểm ngập đã giảm dần tại khu vực trung tâm. Như vậy, bằng việc nâng cấp hệ thống thoát nước mưa và lắp đặt các van ngăn triều cục bộ tại các cửa xả đã giảm số điểm ngập thường xuyên. Tuy nhiên số điểm ngập lại bắt đầu tăng, nguyên nhân chủ yếu gây ra ngập là do thiếu đầu tư đồng bộ cho hệ thống thoát nước đô thị để đáp ứng mức độ đô thị hóa gia tăng không ngừng. Các hoạt động chống ngập của thành phố mới chỉ tạm thời cải thiện được tình hình ngập lụt khu vực trung tâm, còn lại 8 trong số 12 lưu vực bao gồm cả vùng nội thành đã phát triển và ngoại thành (khu vực phát triển đô thị mới) đều chưa có quy hoạch chi tiết hệ thống thoát nước.

Trong bối cảnh đó, các tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng đã được nghi nhận rõ ràng tại TP.Hồ Chí Minh. Mực nước cao nhất đo tại trạm Phú An trên sông Sài Gòn dâng lên khoảng 28cm so với cách đây 10 năm. Đợt ngập 6/11 mới đây do triều cường tại TP.Hồ Chí Minh đã đạt mức lịch sử 1m68. Số lượng các trận mưa hàng năm có vũ lượng trên 50mm liên tục tăng lên trong những năm gần đây. Trong khi đó, theo kịch bản 2012 của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết nếu mực nước biển dâng thêm 100cm thì TP.Hồ Chí Minh sẽ có khoảng 20% diện tích đất bị ngập và 7% dân số bị ảnh hưởng trực tiếp.

Nguyên nhân và giải pháp

Tốc độ đô thị hóa trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh diễn ra nhanh chóng
cũng là một trong những nguyên nhân gây ngập úng (Ảnh: NS)

Có thể thấy, tình trạng ngập úng tại TP.Hồ Chí Minh do nhiều yếu tố, đó là do ảnh hưởng của thủy triều, do lũ lụt…, tuy nhiên có thể thấy sự đô thị hóa mạnh mẽ đang diễn ra trên địa bàn Thành phố cũng là một nguyên nhân gây ngập úng nghiêm trọng… Quá trình đô thị hóa tự phát hoặc đô thị hóa dưới những chính sách sai lầm về vị trí phát triển và cách thức phát triển đã gián tiếp gây nên ngập lụt. Điển hình là sự phát triển mạnh mẽ về phía Nam thành phố trên nền đất yếu và thấp hay sự phát triển tự phát hai bên bờ sông Sài Gòn về phía thượng lưu đã khiến cho hàng ngàn ha diện tích chứa nước bị biến mất. Việc đô thị hóa tại vùng ven đô, vốn trước kia sử dụng cho mục đích nông nghiệp, là nguyên nhân dẫn tới ngập lụt theo hai cách: trước hết, diện tích hồ, ao và kênh, rạch bị san lấp tăng lên khiến cho khả năng chứa nước tại chỗ của khu vực này giảm xuống, sau đó, tỷ lệ diện tích bề mặt tự nhiên giảm xuống trong khi diện tích đất bị bê tông hóa tăng lên khiến cho lượng nước chảy bề mặt gia tăng vì không thấm được vào lòng đất. Quá trình đô thị hóa trong vòng 15 năm trở lại đây tại TP.Hồ Chí Minh đã dẫn tới sự biến mất của 47 con kênh với tổng diện tích là 16,4 ha, san lấp 7,4 ha hồ Bình Tiên, một trong số những hồ chứa quan trọng nhất của khu vực. Chỉ trong vòng 8 năm 2002-2009, khả năng chứa nước của hệ thống hồ, ao và vùng ngập nước trong thành phố giảm gần 10 lần.

Theo PGS.TS.KTS Lưu Đức Cường, Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn quốc gia (Bộ Xây dựng), việc chuyển đổi diện tích bề mặt tự nhiên vốn có khả năng thấm trung bình 50% lượng nước mưa thành bề mặt đô thị vốn chỉ thấm được bình quân 15% lượng nước mưa tất yếu làm gia tăng đáng kể lượng nước chảy trên bề mặt gây ra ngập lụt. Việc gia tăng diện tích bề mặt bị bê tông hóa không chỉ làm gia tăng lượng nước mưa chảy trên bề mặt vì không thể thấm xuống lòng đất, làm giảm lượng nước ngầm và gây lún cho đô thị, mà còn tạo ra hiệu ứng đảo nhiệt. Sự thay đổi về nhiệt độ bề mặt, và do đó nhiệt độ không khí, làm gia tăng cả về số lượng và quy mô những cơn mưa nhiệt đới trong khu vực.

Việc mất diện tích bề mặt tự nhiên không chỉ diễn ra đối với đất nông nghiệp ở vùng ven mà đồng thời xảy ra đối với diện tích công viên cây xanh trong nội đô.Theo thống kê năm 1998, diện tích công viên của thành phố khoảng 1.000 ha. Đến nay toàn bộ diện tích công viên, vườn hoa và cây xanh dải phân cách trên địa bàn thành phố chỉ còn khoảng 535 ha, giảm gần 50% so với năm 1998. Trong khi khu vực ngoại thành thay đổi sử dụng đất mạnh mẽ và bê tông hóa thì tại khu nội thành, hệ thống tiêu thoát nước cũ kỹ, hư hỏng, không hoặc chưa được duy tu, bảo dưỡng, nạo vét thường xuyên hoặc chưa hoàn chỉnh…Hệ thống thoát nước tự nhiên kênh, rạch, ao hồ bị san lấp thu hẹp dòng chảy như rạch Ông Kích, rạch Bà Lài, rạch Cụt, Bình Tiên, Đầm Sen, ao Sen… Nhiều kênh rạch khác đang ở trong tình trạng báo động đỏ như rạch Lăng, rạch Bình Lợi, rạch Văn Thánh… cho nên khi có mưa cũng đã gây nên ngập úng nhiều khu vực của thành phố. Ngoài ra, ngập úng ở TP.Hồ Chí Minh đang diễn ra nghiêm trọng là còn do Thành phố này đang bị lún bề mặt; việc quản lý đô thị chưa tốt, cùng với đó là người dân thường có những hành vi như xả rác bừa bãi ra đường dẫn đến bít đường ống tiêu thoát nước làm cho tình trạng tiêu thoát nước khó khăn….

Trước thực trạng này, Thành phố đã đưa ra các giải pháp trước mắt và lâu dài, đó là tăng cường kiểm soát phát triển đô thị hợp lý, trong đó, khu vực khuyến khích đô thị hóa là những khu vực có địa hình cao như khu vực đô thị trung tâm hiện hữu và hướng Bắc, Tây Bắc gắn với Củ Chi, Hóc Môn, dọc quốc lộ 22- trục xuyên Á nối với tỉnh Tây Ninh và Campuchia. Đây là hướng phát triển kém hấp dẫn hơn các hướng khác, vì vậy cần có sự đầu tư đáng kể về mọi mặt nhằm khuyến khích phát triển. Khu vực đô thị hóa có kiểm soát là những khu vực địa hình thấp như hướng Đông Bắc gắn với huyện Dĩ An tỉnh Bình Dương và TP Biên Hòa tỉnh Đồng Nai, gồm các quận 2, quận 9 và Huyện Thủ Đức; hướng Tây Nam dọc quốc lộ 1 trên địa bàn quận Bình Tân và huyện Bình Chánh và hướng Nam, Đông Nam tiến ra biển gắn với khu Nhà Bè, Bình Chánh, Cần giờ TP.Hồ Chí Minh, Nhơn Trạch-Long Thành tỉnh Đồng Nai.

Thành phố cũng sẽ thay đổi cách sử dụng đất phục vụ quản lý nhà nước. Các khu chức năng trong đô thị cần có hệ thống lưu trữ hoặc thu nước mưa tại các khu vực trũng thấp. TP.Hồ Chí Minh vốn có diện tích trữ nước rất ít. Vậy khi có cơ hội cần mở rộng không gian trữ nước trong quá trình tái phát triển đô thị.Tại các khu vực chịu ngập lụt thường xuyên sẽ không thích hợp cho phát triển, chức năng sử dụng đất của các khu vực này nên được chuyển đổi thành các khu vực dự trữ phát triển đô thị và vùng bảo tồn môi trường. Ví dụ như có đề xuất cho rằng cần di dời ga Hòa Hưng và xí nghiệp toa xe ra ngoại thành, tận dụng trên 10ha đất để làm hồ thu, chứa nước nhiều ngăn và điều tiết ra cầu Bình Lợi bằng hệ thống cống rút nước tiết diện lớn được xây dựng dưới đường sắt hiện hữu mỗi khi triều hạ hoặc qua nhà máy xử lý nước thải. Khai thác quỹ đất bên trên để tạo nguồn vốn trong hoàn cảnh bế tắc tài chính chống ngập thành phố. Việc làm vừa không tốn kinh phí đền bù giải tỏa, vừa tận dụng khai thác triệt để hệ thống cống đã đầu tư xây dựng nhưng kém hiệu quả, vừa thu nước chống ngập được các khu vực quận 3, 5,6,10,11, Phú Nhuận, Gò Vấp, Bình Thạnh và quận Thủ Đức.

Ngoài ra, TP.Hồ Chí Minh cũng tập trung cho việc quản lý xây dựng công trình; quản lý kiến trúc trong điều kiện dân số thành phố tăng nhanh theo cấp số nhân trong khi mực nước biển đang dâng lên. Với chiến lược phát triển thành phố tiến về phía biển để thích ứng với biến đổi khí hậu, giải pháp phù hợp cho những khu đô thị mới là hướng ra phía sông, biển.Cùng với đó là việc quản lý hạ tầng kỹ thuật với các giải pháp đê bao nên có quy mô nhỏ, đê mềm, bao tiểu vùng với cao trình đê thấp đáp ứng những mức triều nhỏ, kết hợp với bơm tiêu động lực để chủ động tiêu thoát trong thời kỳ đỉnh triều lịch sử. Tùy theo điều kiện tự nhiên, đặc thù địa lý và cơ sở hạ tầng hiện hữu, các tiểu vùng cần được liên kết bảo vệ ở nhiều cấp, đê bao vòng ngoài, để bảo vệ cho cả vùng khi gặp triều lớn hay triều kết hợp với lũ…/.

NS