Giảm ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông là vấn đề cấp thiết của thành phố, cho nên nhiều năm qua, cơ cấu vốn đầu tư công dành cho các công trình thuộc lĩnh vực này luôn được thành phố ưu tiên với tỷ lệ hơn 40%. Năm 2017, tỷ lệ này lên đến 45%. Theo Nghị quyết của HĐND thành phố Hồ Chí Minh, kế hoạch đầu tư công từ nguồn vốn ngân sách nhà nước của thành phố năm 2017 là 25.146 tỷ đồng, tính ra, vốn ngân sách thành phố dành cho các công trình giao thông cấp thiết trong năm tương đương hơn 11 nghìn tỷ đồng.

Dù nguồn vốn dành cho các công trình giao thông được ưu tiên hơn các lĩnh vực khác như giảm ngập nước, giảm ô nhiễm môi trường, nhưng theo Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh, con số nêu trên cũng mới chỉ đáp ứng được 40% nhu cầu.

Mới đây, TP Hồ Chí Minh đã khởi công hai dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách nhằm giải quyết ùn tắc giao thông các tuyến đường ra, vào sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất với tổng mức đầu tư gần 750 tỷ đồng. Đây là hai trong số sáu dự án mà thành phố sẽ triển khai trong năm 2017 với tổng vốn đầu tư gần 1.400 tỷ đồng để giảm ùn tắc tại khu vực sân bay. Đó là dự án cầu vượt bằng thép tại nút giao thông Trường Sơn - đường nối Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - vành đai ngoài (quận Tân Bình) với kinh phí 242 tỷ đồng và cầu vượt tại vòng xoay nút giao thông Nguyễn Thái Sơn - Nguyễn Kiệm (quận Gò Vấp - quận Phú Nhuận) với kinh phí 504 tỷ đồng. Lãnh đạo UBND thành phố đã đề nghị đơn vị thi công cố gắng rút ngắn ít nhất một phần ba thời gian thi công, hoàn thành xây dựng công trình trong sáu tháng để đưa vào sử dụng trong năm 2017.

Trong năm 2017, ngân sách thành phố cũng dành 5.000 tỷ đồng triển khai 15 dự án giao thông quan trọng tại khu vực cảng Cát Lái như: Xây dựng nút giao thông Mỹ Thủy; nâng cấp, hoàn thiện đường Vành đai phía Đông (đoạn từ Vòng xoay Mỹ Thủy đến cầu Rạch Chiếc); đường kết nối từ cảng Cát Lái đến đường Vành đai 2... Cùng với đó, còn có ba dự án giao thông thủy và 11 dự án xây dựng các công trình cấp bách khác.

Thống kê của Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh cho thấy, trong tổng số 80 dự án giao thông thực hiện trong năm 2017, có 50 dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách thành phố với tổng số vốn 8.417 tỷ đồng...

Ngay những ngày đầu năm 2017, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong đã yêu cầu các đơn vị được giao nhiệm vụ phải bảo đảm tiến độ thực hiện các công trình trọng điểm của thành phố, nhất là các công trình giảm ùn tắc giao thông và giảm ngập nước. Cùng với việc cam kết sẽ đẩy nhanh tiến độ giải ngân cho các dự án mà thành phố đã bố trí kế hoạch vốn năm 2017, đồng chí Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh: Đến ngày 30-7, nếu cơ quan chủ quản hoặc chủ đầu tư có kết quả giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2017 dưới 50% phải tổ chức kiểm điểm, xác định trách nhiệm của người đứng đầu và các cơ quan, đơn vị liên quan.

Giám đốc Sở Tài chính TP Hồ Chí Minh Phan Thị Thắng cho biết, năm nay, thành phố đã duyệt dự toán chi đầu tư các công trình thực hiện năm 2017 cho các đơn vị từ rất sớm, ngay đầu tháng 1-2017. Việc này giúp các đơn vị chủ động trong thực hiện đầu tư cũng như giải ngân nguồn vốn từ ngân sách thành phố.

Tính toán sơ bộ, các dự án theo bảy chương trình đột phá được thành phố lên kế hoạch thực hiện cho giai đoạn 5 năm 2016-2020 là khoảng 364.180 tỷ đồng, nhưng khả năng ngân sách cân đối được chỉ khoảng 150 nghìn tỷ đồng. “Dù khó khăn đến đâu, thành phố vẫn cố gắng xoay xở bằng nhiều nguồn khác nhau để không ảnh hưởng đến các dự án đã lên kế hoạch triển khai, nhất là các dự án thuộc bảy chương trình đột phá của thành phố”, Giám đốc Sở Tài chính TP Hồ Chí Minh Phan Thị Thắng nhấn mạnh.

Lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh cho biết thêm, thành phố vẫn được phép bố trí thêm vốn theo khả năng cân đối ngân sách, huy động đến đâu cân đối vốn cho các dự án đến đó. Quan trọng là phải xác định các dự án trọng tâm, trọng điểm để sắp xếp thứ tự ưu tiên và thực hiện theo tiến độ. Trong tình hình eo hẹp về nguồn vốn đầu tư công từ ngân sách thành phố hiện nay, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan của thành phố rà soát lại danh mục các dự án đầu tư công để tham mưu UBND thành phố xem xét có phương án chuyển đổi sang hình thức hợp tác công-tư (PPP). Đây cũng là hình thức đầu tư hiệu quả mà thời gian qua có nhiều dự án, trong đó có các dự án dân sinh trọng điểm như dự án giải quyết ngập do triều cường khu vực TP Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) do Công ty cổ phần xây dựng Trung Nam đầu tư theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao), với tổng vốn đầu tư gần 10 nghìn tỷ đồng đã triển khai thực hiện…

Quý Hiền