Đó là nội dung được Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh tại lễ khai mạc Khóa đào tạo nâng cao chất lượng chăm sóc, quản lý sức khoẻ nhân dân và các bệnh mạn tính tại y tế xã, phường theo nguyên lý y học gia đình, được tổ chức ngày 16/7 tại TP. Hồ Chí Minh. Khóa đào tạo do Trung tâm Phát triển năng lực quản lý khám, chữa bệnh (Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế) tổ chức.

Tham dự khoá đào tạo có lãnh đạo các Vụ, Cục của Bộ Y tế cùng hơn 60 học viên là cán bộ y tế các trạm y tế xã trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.

Phát biểu chỉ đạo, Bộ trưởng Bộ Y tế đã chỉ ra các giải pháp cụ thể, đó là: nâng cao chất lượng chuyên môn; đổi mới phương thức hoạt động; đầu tư nhân lực, trang thiết bị, cơ sở vật chất (nhà cửa phòng ốc, bàn ghế, giường chiếu, bảng biểu); ứng dụng công nghệ thông tin; cơ chế tài chính đặc thù và công tác truyền thông. 

Trong tương lai, việc kiểm soát, điều trị, phòng chống các bệnh mạn tính không lây nhiễm như đái tháo đường, bệnh tim mạch, huyết áp, các bệnh hô hấp mạn tính… sẽ do các trạm y tế phường, xã phụ trách.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, các trạm y tế xã, phường cần chú trọng phát triển y học cổ truyền và lấy đó là thế mạnh của riêng mình. Với những hướng đi đúng và cách thực hiện quyết liệt, Bộ trưởng Bộ Y tế hy vọng, người dân sẽ ngày càng tin tưởng vào hệ thống y tế cơ sở và đến khám, chữa bệnh, tầm soát bệnh, theo dõi bệnh tại các trạm y tế phường, xã nhiều hơn. 

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại lễ khai mạc khóa đào tạo.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh cho biết, Bộ Y tế quyết tâm cao, tập trung nhiều nguồn lực, chỉ đạo về tăng cường y tế cơ sở, trong đó nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, trạm y tế xã hoạt động theo nguyên lý y học gia đình là nhiệm vụ trọng tâm.

Bộ Y tế đã chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn khám, chữa bệnh tại trạm y tế xã, tập trung vào cấp cứu, khám chữa bệnh thông thường; chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em; quản lý bệnh mạn tính, trong đó tập trung vào phát hiện sớm đối tượng có nguy cơ, người mắc bệnh, điều trị duy trì, xử trí cấp cứu ban đầu, phát hiện sớm biến chứng để chuyển tuyến; Thực hiện khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền; Tư vấn, truyền thông về dự phòng, nâng cao sức khỏe phòng, chống bệnh tật; Quản lý hồ sơ sức khỏe cá nhân; Ứng dụng công nghệ thông tin tại các trạm y tế xã; Tăng cường kiểm soát nhiễm khuẩn, xử lý chất thải…

PGS.TS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh cho biết, Thành phố phấn đấu đến năm 2020 mỗi trạm y tế phải có tối thiểu 2 bác sỹ, đặc biệt ở những trạm y tế trọng điểm có thể lên đến 4-5 bác sỹ. Theo kế hoạch, Thành phố sẽ tiếp tục xây dựng các trạm y tế hoạt động theo nguyên lý y học gia đình, đầu tư trang thiết bị, cải tạo nâng cấp cơ sở vật chất, xã hội hóa…tiến tới thực hiện quản lý sức khỏe toàn dân theo định hướng của Bộ Y tế. 

TP. Hồ Chí Minh cũng là địa phương đầu tiên trong cả nước xây dựng được một số mô hình phòng khám vệ tinh của bệnh viện quận, huyện tại các trạm y tế phường, xã. Đây chính là những cánh tay nối dài của các bệnh viện tuyến trên nhằm giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên cũng như tạo niềm tin của người dân đối với các trạm y tế xã, phường. 

Được biết, Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh là hai địa phương đầu tiên triển khai các khóa đào tạo nâng cao này.

Việt Nam phấn đấu đến năm 2025 có trên 90% dân số được quản lý sức khoẻ; 95% trạm y tế xã, phường, thị trấn thực hiện dự phòng, quản lý, điều trị một số bệnh không lây nhiễm; trên 95% dân số được quản lý sức khoẻ; 100% trạm y tế xã, phường, thị trấn thực hiện dự phòng, quản lý, điều trị một số bệnh không lây nhiễm đến năm 2030.  

VL