Chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị là một trong 7 chương trình
 đột phá giai đoạn từ nay đến 2020 của TP.Hồ Chí Minh (Ảnh:K.V)


Chính vì vậy, việc kết nối nhà đầu tư với ngân hàng, tổ chức tín dụng tham gia các dự án thực hiện 7 chương trình đột phá của Thành phố là rất cần thiết, đây cũng là một trong các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tăng cường hợp tác kết nối giữa doanh nghiệp với ngân hàng trên địa bàn trong thời gian tới.

Theo đó, 8 dự án kết nối ngân hàng với số vốn vay 26.000 tỷ đồng theo hình thức đối tác công tư (PPP) giữa các nhà đầu tư và các ngân hàng cũng đã được ký kết trong thời gian qua. Việc ký kết này sẽ mở ra hướng đi mới, khắc phục khó khăn về nguồn vốn để TP.Hồ Chí Minh giải quyết những thách thức nghiêm trọng về các vấn đề như ô nhiễm, kẹt xe, nhập cư, biến đổi khí hậu.., đây không chỉ là trở ngại mà còn là rào cản tác động trực tiếp đến khả năng tăng trưởng và khả năng cạnh tranh của Thành phố.

Lãnh đạo Thành phố cho biết, hiện nay nhu cầu đầu tư 7 chương trình đột phá của thành phố từ nay đến năm 2020 là rất lớn, trong đó lĩnh vực giao thông, môi trường, chống ngập chiếm tỉ lệ khoảng 60%.

Đến nay, Thành phố đã có 647 dự án tham gia chương trình kích cầu đầu tư với số vốn huy động 41.000 tỷ đồng, ngoài ra, chương trình kết nối ngân hàng doanh nghiệp đã kết nối cho 36.000 doanh nghiệp với tổng số vốn vay là 680.000 tỷ đồng.

Thành phố cũng đã đẩy mạnh huy động nguồn vốn khu vực tư nhân và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài thông qua xã hội hóa đầu tư, PPP, và các mô hình đầu tư theo quy định của pháp luật nhằm tối ưu hóa và khai thác hết tiềm năng nguồn lực trong xã hội để tham gia đồng hành cùng Thành phố.

Ông Phạm Phú Quốc, Tổng giám đốc Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước TP.Hồ Chí Minh cho biết, nếu vận dụng và triển khai thực hiện tốt, các dự án theo hình thức PPP nhiều khả năng có thể rút ngắn tiến độ thực hiện dựa vào việc rút ngắn các quy trình chọn lựa đơn vị cung cấp dịch vụ, vừa đảm bảo chất lượng sản phẩm hoàn thành, vừa hạn chế và chia sẻ được các rủi ro trong quá trình thực hiện.

Để có nguồn lực tài chính quy mô đủ lớn tài trợ cho các dự án PPP cũng như các dự án trọng điểm khác của thành phố, Tổng Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước TP.Hồ Chí Minh được Thành phố giao chủ trì xây dựng đề án huy động các nguồn lực trong dân cũng như nguồn kiều hối từ nước ngoài.

Triển khai nhiệm vụ này, Tổng Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước TP.Hồ Chí Minh đang nghiên cứu việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp, trái phiếu công trình… theo cơ chế doanh nghiệp tự vay tự trả, từ đó giảm áp lực nợ công cho ngân sách Thành phố.

Được biết, 7 chương trình đột phá giai đoạn từ nay đến 2020 của TP.Hồ Chí Minh là: Chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Chương trình cải cách hành chính; Chương trình nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh của kinh tế TP; Chương trình giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông; Chương trình giảm ngập nước, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; Chương trình giảm ô nhiễm môi trường; Chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị./.

K.V