Theo đó, TP.Hồ Chí Minh đã đưa ra 3 tình huống như sau: tình huống 1, khi bệnh dịch tả lợn châu Phi chưa xảy ra tại các hộ chăn nuôi trên địa bàn Thành phố nhưng xảy ra bệnh tại các tỉnh phía Bắc hoặc khu vực các tỉnh miền Trung (các tỉnh không cung cấp nguồn lợn, sản phẩm thịt lợn cho thị trường Thành phố này); tình huống 2, khi bệnh dịch tả lợn châu Phi chưa xảy ra tại các hộ chăn nuôi trên địa bàn Thành phố nhưng xảy ra bệnh tại các tỉnh có cung cấp nguồn thịt lợn cho thị trường Thành phố; và tình huống 3, khi xảy ra bệnh dịch tả lợn châu Phi tại các hộ chăn nuôi trên địa bàn Thành phố.

Ủy ban nhân dân TP.Hồ Chí Minh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân các quận huyện và các Sở ngành, hội đoàn thể thành phố khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó với từng tình huống cụ thể, theo đó, khi tình huống 1 xảy ra, Thành phố huy động các Hội, đoàn thể cùng phối hợp trong công tác vận động, tuyên truyền người dân tăng cường các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi theo hướng dẫn của cơ quan thú y; áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi, thường xuyên tiêu độc, khử trùng chuồng trại; không vận chuyển, mua bán, giết mổ, tiêu thụ lợn và sản phẩm thịt lợn không rõ nguồn gốc, không qua kiểm dịch của cơ quan thú y.

Đoàn kiểm tra liên ngành phòng, chống dịch bệnh động vật Thành phố (do Cục Quản lý thị trường chủ trì) tăng cường tần suất hoạt động kiểm tra, giám sát tình hình vận chuyển, kinh doanh lợn và thịt lợn trên các tuyến đường chính ra, vào địa bàn Thành phố. Đồng thời, vận động các chủ phương tiện vận chuyển hành khách không vận chuyển lợn sống và các sản phẩm có nguồn gốc từ lợn không có nguồn gốc trên các phương tiện vận tải hành khách. Phối hợp với lực lượng Cảnh sát giao thông kiểm tra các phương tiện vận tải hành khách, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển trái phép lợn sống và sản phẩm thịt lợn, phủ tạng và sản phẩm có nguồn gốc thịt lợn không rõ nguồn gốc, không qua kiểm dịch.

Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật các quận, huyện khẩn trương xây dựng kế hoạch tăng cường lực lượng kiểm tra, chốt chặn tại các tuyến đường giao thông khu vực giáp ranh với các tỉnh. Xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển lợn sống và sản phẩm thịt lợn không rõ nguồn gốc, không qua kiểm dịch. Tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý dứt điểm các hộ kinh doanh giết mổ lợn trái phép trên địa bàn. Đồng thời tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình dịch tễ, hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện các biện pháp an toàn sinh học tại các cơ sở chăn nuôi. Kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển lợn sống, thịt lợn, phủ tạng và các sản phẩm nguồn gốc thịt lợn ra vào Thành phố tại các Trạm kiểm dịch động vật đầu mối giao thông.

Tổ chức tiêu độc khử trùng tại các cơ sở chăn nuôi, cơ sở giết mổ, các Trạm Kiểm dịch động vật đầu mối giao thông; phối hợp với Ban Quản lý an toàn thực phẩm Thành phố tổ chức tiêu độc khử trùng tại các chợ đầu mối kinh doanh thịt lợn. Tổ chức lấy mẫu xét nghiệm giám sát tình hình lưu hành vi rút dịch tả lợn châu Phi tại các cơ sở, hộ chăn nuôi, cơ sở giết mổ, nguồn lợn và sản phẩm có nguồn gốc từ lợn từ các tỉnh vào thành phố tiêu thụ. Giám sát chặt chẽ quy trình giết mổ lợn và thực hiện chương trình phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y các địa phương trong việc đảm bảo nguồn lợn và sản phẩm thịt lợn an toàn phục vụ nhu cầu của thành phố, tiếp tục hỗ trợ các tỉnh giám sát, chẩn đoán bệnh, nhằm chủ động phòng dịch từ xa.

Chăn nuôi lợn theo mô hình trang trại ở TP.Hồ Chí Minh (Ảnh: K.V)

Ban Quản lý các chợ chủ động kiểm tra, phát hiện, phối hợp với các ngành chức năng xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh thịt lợn, phủ tạng, các sản phẩm có nguồn gốc thịt lợn không rõ nguồn gốc, tuyên truyền vận động người dân kinh doanh sản phẩm thịt lợn đã qua kiểm dịch đúng quy định. Tăng cường kiểm tra nguồn thịt lợn tại các chợ đầu mối, chợ truyền thống. Chủ động phối hợp với các đoàn kiểm tra liên ngành thành phố và quận, huyện kiểm tra nguồn gốc sản phẩm thịt lợn có nguồn gốc từ các tỉnh đưa vào Thành phố tiêu thụ; sản phẩm thịt lợn đông lạnh tại các kho bảo quản, xử lý nghiêm các trường hợp các cơ sở sản xuất, chế biến sử dụng nguồn thịt lợn không rõ nguồn gốc, không qua kiểm dịch. Tổ chức và kiểm tra việc thực hiện cam kết các nhà hàng, quán ăn không sử dụng thịt lợn, phủ tạng lợn sản phẩm có nguồn gốc thịt lợn không rõ nguồn gốc để chế biến thực phẩm.

Khi tình huống 2 xảy ra, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp của địa phương có bệnh dịch tả lợn châu Phi xuất hiện hoặc nằm trong vùng bị dịch uy hiếp quyết định thành lập Ban Chỉ đạo các cấp theo Quyết định số 16/2016/QĐ-TTg ngày 29 tháng 4 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ để chỉ đạo, điều hành các hoạt động tại địa phương. Áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh như tình huống 1. Trong trường hợp phát hiện trường hợp giết mổ gia súc trái phép và vận chuyển lợn sống, phủ tạng và sản phẩm có nguồn gốc thịt lợn không qua kiểm dịch, không rõ nguồn gốc, áp dụng biện pháp tiêu hủy đối với toàn bộ tang vật được phát hiện. Tổ chức rà soát, dự phòng sẵn các phương án tiêu hủy, chỗ chôn lợn sống, sản phẩm thịt lợn nếu phát hiện dương tính hoặc nghi nhiễm bệnh Dịch tả lợn châu Phi, đặc biệt trong các trường hợp phải tiêu hủy số lượng lớn hàng trăm, hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn con lợn; bao gồm cả hóa chất, dụng cụ và phương tiện vận chuyển từ nơi phát hiện lợn dương tính đến nơi tiêu hủy, nơi chôn hủy.

Các hộ chăn nuôi trên địa bàn Thành phố phải khai báo với Ủy ban nhân dân các phường, xã và Trạm Chăn nuôi và Thú y các quận, huyện khi có nhu cầu xuất bán, nhập đàn lợn mới để chăn nuôi. Hướng dẫn và giám sát các trại chăn nuôi áp dụng tiêu độc khử trùng như tình huống 1. Nghiêm cấm tất cả các trường hợp khách tham quan vào các cơ sở chăn nuôi tập trung, cơ sở chăn nuôi lợn giống. Tăng cường lấy mẫu giám sát các trường hợp lợn bệnh, lợn chết không rõ nguyên nhân, có triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Tăng cường lấy mẫu giám sát vi rút dịch tả lợn châu Phi trên đàn lợn từ các tỉnh nhập vào thành phố tại các cơ sở giết mổ, nguồn thịt heo từ các tỉnh nhập vào thành phố tại các Trạm kiểm dịch động vật đầu mối giao thông, các chợ đầu mối Bình Điền và Hóc Môn. Thực hiện tổng tiêu độc khử trùng tại các chợ đầu mối, chợ truyền thống. Tăng cường kiểm tra tại các chợ đầu mối; khi phát hiện các trường hợp sản phẩm thịt lợn nhập chợ có dấu hiệu, bệnh tích nghi ngờ phải phối hợp với ngành thú y để lấy mẫu giám sát. Kiểm tra thường xuyên nguồn thịt lợn nhập vào các chợ truyền thống, xử lý tiêu hủy các trường hợp không chứng minh được nguồn gốc, không qua kiểm dịch, có dấu hiệu dịch bệnh.

Làm việc với các địa phương trong khu vực có cung cấp nguồn lợn sống, sản phẩm thịt lợn để xác định những nguồn lợn an toàn cho phép vận chuyển vào thành phố giết mổ tiêu thụ. Thống nhất biện pháp kiểm soát đối với nguồn lợn an toàn dịch bệnh hoặc sản phẩm thịt lợn từ các tỉnh được phép kiểm dịch nhập vào thành phố tiêu thụ, không cho nguồn bệnh xâm nhập vào địa bàn thành phố.

Khi tình huống 3 xảy ra trên địa bàn, kiên quyết  không điều trị lợn bệnh, lợn nghi mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi. Trường hợp có 1 ổ dịch là cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ, gia trại không có dãy chuồng riêng biệt: Đối với các địa phương lần đầu tiên phát hiện lợn bị bệnh dịch tả lợn châu Phi buộc phải tiêu hủy toàn đàn trong vòng 24 giờ kể từ khi có kết quả xét nghiệm khẳng định dương tính với bệnh dịch. Việc tiêu hủy cũng được áp dụng đối với các đàn lợn xung quanh, liền kề với đàn lợn dương tính nhưng chưa được lấy mẫu xét nghiệm.

Trong vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp, trong vòng 48 giờ việc tiêu hủy có thể được áp dụng với đàn lợn bị bệnh có triệu chứng lâm sàng của dịch tả lợn châu Phi mà không nhất thiết phải chờ cho đến khi có kết quả xét nghiệm để nhằm ngăn chặn dịch bệnh phát tán, lây lan diện rộng. Đối với chăn nuôi trang trại số lượng lớn có nhiều dãy chuồng riêng biệt thì tiêu hủy toàn bộ lợn trong trang trại; các dãy chuồng còn lại áp dụng các biện pháp an toàn sinh học và lấy mẫu giám sát định kỳ. Nếu có nguy cơ lây nhiễm cao thì tiêu hủy toàn trang trại.

Việc hỗ trợ tài chính cho người chăn nuôi có lợn buộc phải tiêu hủy theo quy định tại Nghị định 02/2017/NĐ-CP ngày 9/1/2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.

Đối với biện pháp khoanh vùng ổ dịch: ổ dịch là trại chăn nuôi lợn hoặc hộ gia đình chăn nuôi lợn trong một đơn vị cấp xã nơi phát hiện có mẫu dương tính với vi rút dịch tả lợn châu Phi.

Vùng dịch là xã, phường, thị trấn nơi có ổ dịch: thực hiện việc tổng vệ sinh, khử trùng tiêu độc liên tục 1 lần/ngày trong vòng 1 tuần đầu tiên; 3 lần/tuần trong 2-3 tuần tiếp theo; đồng thời theo dõi lâm sàng và lấy mẫu xét nghiệm bất kỳ con lợn nào có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh để xác định vi rút dịch tả lợn châu Phi.

Đối với vùng bị dịch uy hiếp: trong phạm vi 3km xung quanh ổ dịch, thực hiện việc tổng vệ sinh, khử trùng tiêu độc liên tục 1 lần/ngày trong vòng 1 tuần đầu tiên; 3 lần/tuần trong 2-3 tuần tiếp theo; đồng thời theo dõi lâm sàng và lấy mẫu xét nghiệm bất kỳ con lợn nào có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh để xác định vi rút dịch tả lợn châu Phi.

Tại vùng đệm: trong phạm vi 10km xung quanh ổ dịch, thực hiện việc tổng vệ sinh, khử trùng tiêu độc với tần suất 1 lần/tuần liên tục trong vòng 1 tháng kể từ khi có ổ dịch; đồng thời thực hiện việc theo dõi lâm sàng và lấy mẫu xét nghiệm bất kỳ con lợn nào có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh để xác định vi rút dịch tả lợn châu Phi.

Các cơ quan chức năng hướng dẫn và giám sát các cơ sở chăn nuôi tập trung, cơ sở chăn nuôi lợn giống  thực hiện các biện pháp an toàn sinh học, thực hành chăn nuôi tốt. Định kỳ tổ chức vệ sinh, khử trùng, tiêu độc tại các khu vực chăn nuôi, các chợ, điểm buôn bán, giết mổ lợn và các sản phẩm của lợn bằng vôi bột hoặc hóa chất; hằng ngày thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc sau mỗi buổi họp chợ, mỗi ca giết mổ lợn.

Sau 30 ngày kể từ khi tiêu hủy lợn bệnh và đã thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo quy định, cơ sở từng bước nuôi tái đàn với số lượng khoảng 10% tổng số lợn có thể nuôi tại cơ sở. Sau khi nuôi tái đàn được 30 ngày, thực hiện việc lấy mẫu xét nghiệm, nếu tất cả các mẫu xét nghiệm đều âm tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi, khi đó mới nuôi tái đàn với số lượng có thể lên đến 100% tổng đàn.

Về biện pháp kiểm soát vận chuyển lợn và sản phẩm thịt lợn, TP.Hồ Chí Minh nghiêm cấm vận chuyển lợn và các sản phẩm lợn ra vào vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp. Cơ sở chăn nuôi trong vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp đã được cấp “Giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh động vật” đối với các bệnh khác, có thể được phép vận chuyển ra ngoài dưới sự giám sát của cơ quan có thẩm quyền của địa phương sau khi đã lấy mẫu xét nghiệm âm tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi. Căn cứ tình hình thực tế, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thành phố tham mưu đề xuất điều chỉnh, xác định vùng bị dịch uy hiếp phù hợp để áp dụng giải pháp dừng vận chuyển.

Không vận chuyển lợn con, lợn giống ra, vào vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp để nuôi tái đàn khi chưa có hướng dẫn của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y. Đối với lợn trưởng thành hoặc trong trường hợp chủ cơ sở nuôi lợn có nhu cầu giết mổ lợn thì được phép giết mổ lợn dưới sự giám sát của cán bộ thú y với điều kiện kết quả xét nghiệm âm tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi. Thịt lợn và sản phẩm thịt lợn chỉ được phép tiêu thụ trong phạm vi vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp, vùng đệm...

Được biết, TP.Hồ Chí Minh là địa phương có sức tiêu thụ thực phẩm lớn nhất cả nước, có đến 80% thực phẩm được nhập từ các tỉnh, thành phố khác. Tổng đàn lợn của thành phố khoảng 300 nghìn con, nuôi tại 4.374 hộ; trong đó có 278 hộ nuôi lợn vận dụng thu gom thức ăn thừa tại các nhà hàng quán ăn, với tổng đàn 22.740 con tập trung tại các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi và Quận 12. Bình quân mỗi ngày tiêu thụ trên 10 ngàn con lợn, đây là nguy cơ mầm bệnh dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào Thành phố này là rất cao./. 

K.V