Giáo sư, Tiến sĩ Võ Văn Sen, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại hội thảo.

 Hội thảo thu hút hơn 50 nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các chuyên gia thảo luận, trao đổi, đánh giá những vấn đề về lịch sử Thành phố từ thời cổ, trung, cận đại và hiện đại để đi đến thống nhất công trình "Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh".

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Võ Văn Sen, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ nhiệm đề tài, kết quả của quá trình nghiên cứu công trình này dự kiến cho ra mắt một bộ sách mang tính “thông sử” của Thành phố gồm 6 tập với phiên bản tiếng Việt và tiếng Anh. Trong đó, tập 1 có chủ đề “Vùng đất Sài Gòn trước thế kỷ XVII”; tập 2 có chủ đề “Sài Gòn thời tạo dựng (thế kỷ XVII - 1859)”; tập 3 có chủ đề “Sài Gòn trong đấu tranh giành độc lập dân tộc (1859 - 1945)”; tập 4 có chủ đề “Sài Gòn trong đấu tranh giải phóng dân tộc thống nhất đất nước (1945 - 1975)”; tập 5 có chủ đề “Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng và phát triển (1975 - 2015)” và tập 6 với chủ đề “Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh".

Bộ sách này là dựng lại có hệ thống và chân thực quá trình hình thành, xây dựng và phát triển của vùng đất, con người Thành phố Hồ Chí Minh qua các thời kỳ lịch sử. Đúc kết các đặc điểm nổi bật của Thành phố trong từng giai đoạn lịch sử, khẳng định những thành tựu đạt được, chỉ rõ những hạn chế, tồn tại trong hoạt động quản lý nhà nước của bộ máy chính quyền các thời kỳ và các hoạt động của các tầng lớp dân cư, tổ chức chính trị, quần chúng, trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phan Xuân Biên, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam khẳng định, công trình bộ sách này không chỉ nhằm nâng cao nhận thức chính trị cho cán bộ, công chức và nhân dân mà còn phục vụ công tác giáo dục truyền thống, nghiên cứu, giảng dạy, học tập, tìm hiểu về lịch sử thành phố; hướng tới mục tiêu phát triển bền vững trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Tại hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đặng Văn Thắng, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất cần làm sáng tỏ  hơn nữa về thời kỳ văn hóa Óc Eo, thời kỳ Phù Nam ở tập 1 của bộ sách Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh. Trong đó, nhấn mạnh về việc đã hình thành hình thành đô thị cổ chưa? Tính chất của đô thị, đời sống kinh tế - văn hóa - xã hội của hai thời kỳ này có gì khác biệt; những dấu ấn thương mại trên biển của cư dân cổ Óc Eo và Phù Nam trong vùng Đông Nam Á.

Chủ biên tập 2, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thuận cũng chia sẻ nhiều vấn đề về cuộc hôn nhân giữa Quốc vương Chân Lạp Chey Cheta II với Công nữ Ngọc Vạn (năm 1620); từ cuộc hôn nhân này đã tạo điều kiện cho Nguyễn Phúc Nguyên thành lập hai trạm thu thuế đầu tiên trên đất Sài Gòn và đồn dinh ở Mô Xoài vào năm 1623. Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Thuận, quá trình đô thị hóa ở Sài Gòn thế kỷ XVII, nhất là từ thế kỷ XVIII đã thu hút ngày càng đông lưu dân Việt đến khai phá vùng đất này và lan tỏa dần xuống phía Nam.

Tại hội thảo, các đại biểu trao đổi, thảo luận và thống nhất nhận định về các nhân vật lịch sử gắn với vùng đất Sài Gòn liên quan đến lịch sử khai phá, tạo dựng vùng đất; cuộc chiến giữa chúa Nguyễn với Tây Sơn; thái độ chống giặc của quan quân triều đình ở Gia Định trước cuộc xâm lược của thực dân Pháp vào năm 1859 và 1861. Nhận định về phong trào chấn hưng Phật giáo, hoạt động của các tôn giáo Cao Đài, Hòa Hảo, vai trò của người Hoa trong lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định thời kỳ 1859-1945; về Đảng Lập hiến Đông Dương, Thanh niên Cao vọng (Hội kín Nguyễn An Ninh), Đảng Thanh niên, Đông Dương Lao động Đảng trong phong trào đấu tranh đòi tự do dân chủ và quyền lợi kinh tế ở Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định 1919 - 1929.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phan Xuân Biên, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam phát biểu tại Hội thảo.

Các đại biểu đã thảo luận tìm giải đáp để khẳng định về danh xưng “Hòn ngọc Viễn Đông”; Sài Gòn mở đầu kháng chiến ở Nam bộ; các vấn đề Nam kỳ và Bảo Đại với Chính phủ quốc gia Việt Nam ở Sài Gòn (1946 - 1950); mối quan hệ giữa nội thành (Thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn) với ngoại thành (tỉnh Gia Định) trên các lĩnh vực, hệ thống chính trị kinh tế, văn hóa - xã hội giai đoạn 1945 – 1954; đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn và tỉnh Gia Định thực hiện tập kết chuyển quân và việc bố trí lực lượng ở lại sau Hiệp định Genève. Các đại biểu cũng làm rõ bài học lịch sử về phong trào đô thị Sài Gòn trước, trong và sau tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968; lực lượng chính trị thứ 3 ở Sài Gòn trước, trong và sau Hiệp định Paris; các chiến dịch cải tạo tư sản sau năm 1975 ở Thành phố Hồ Chí Minh và miền Nam; những vấn đề về công cuộc cải tạo các thành phần kinh tế tư nhân, nhất là tư sản thương nghiệp ở thành phố Hồ Chí Minh từ năm 1978…

Theo Hội Khoa học Lịch sử Thành phố, công trình “Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh” được triển khai thực hiện từ tháng 4/2015 đến nay đã hoàn thành giai đoạn biên soạn và giám định kết quả nghiên cứu bước đầu sau 2 lần tổ chức hội thảo và 6 lần thẩm định khoa học kết quả nghiên cứu dự thảo. Bộ bản thảo công trình “Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh” có tổng cộng 2.300 trang (giấy A4, chưa kể phụ lục và ảnh minh họa), được ban chủ nhiệm đề tài, các nhà biên soạn, chủ biên nghiên cứu từ các nguồn tài liệu, thư tịch, văn kiện trong các cơ quan lưu trữ quốc gia của Đảng, Nhà nước, tại cơ quan lưu trữ, thư viện Thành phố; tài liệu khảo cổ, bảo tàng; tham khảo và chọn lọc nguồn tư liệu từ hồi ký, phỏng vấn nhân chứng các thời kỳ lịch sử, tài liệu văn bản của các địa phương.../.

PV/TTXVN