Số trẻ em mắc bệnh tới khám tại các bệnh viện trên địa bàn Thành phố
 tăng mạnh trong mấy ngày gần đây

Bệnh viện Nhi đồng 1 mỗi ngày tiếp nhận khoảng gần 5.000 bệnh nhi đến khám. Các bệnh nhi nhập viện tại đây phần lớn là bệnh viêm đường hô hấp. Bác sĩ Phạm Văn Hoàng, Trưởng Khoa khám bệnh - Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, dưới tác động của nắng nóng và tia cực tím, sức đề kháng của trẻ em giảm; trẻ dễ thiếu nước dẫn đến rối loạn điện giải do bài tiết mồ hôi nhiều hơn, đặc biệt trẻ dễ mắc các bệnh lý hô hấp, như viêm phổi. Ngoài ra, do nắng nóng khiến thực phẩm dễ ôi thiu, vi trùng phát triển nhanh gây bệnh đường ruột như tiêu chảy cấp, đi tiêu ra đàm máu.

Tại Bệnh viện Nhi đồng 2 TP. Hồ Chí Minh, số bệnh nhân nhi đến khám và nhập viện những ngày qua cũng tăng lên đáng kể, trong đó có bệnh về đường tiêu hóa như tiêu chảy, nôn ói tăng nhiều, từ 10-15% so với tháng trước. Cùng với đó, có hàng ngàn trường hợp điều trị ngoại trú do liên quan đến các bệnh khác như viêm họng, viêm phế quản do nhiễm siêu vi…

Theo bác sĩ Đặng Thị Kim Huyên, Trưởng Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi đồng 2, trẻ năng động, ham chơi, chạy ra ngoài nắng nóng nhiều nên dễ bị bệnh. Trong khi đó, có nhiều trẻ rơi vào tình trạng sốc nhiệt do thay đổi nhiệt độ đột ngột, chạy từ ngoài trời vào thẳng phòng máy lạnh, xuống hồ bơi ngay hoặc tắm ngay khi vừa mới đi ra ngoài về nhà, tắm nhiều lần trong ngày, ngâm mình lâu trong bể bơi… Thời tiết nóng bức, khi mặc quần áo chật, bí bức cũng dễ đổ mồ hôi nhiều, da nhạy cảm nên gây nhiều trẻ bị nổi mẩn ngứa, gãi và trở nên viêm da…

Nắng nóng không chỉ khiến trẻ nhỏ dễ mắc bệnh mà số ca người lớn nhập viện những ngày này cũng tăng đặc biệt là số ca đột qụy.

Các bác sĩ khuyến cáo người già và trẻ em nên tránh ra đường vào những khung giờ từ 10 giờ sáng đến 15 giờ chiều vì đây là thời điểm nắng gắt, tia tử ngoại cao. Đối với trẻ em, nên sử dụng máy lạnh ở mức độ vừa phải, dùng quạt ở mức thấp, không nên để cố định và quạt trực tiếp vào người. Lưu ý việc thay đổi nhiệt độ đột ngột từ môi trường nóng vào lạnh và ngược lại. Theo các bác sĩ, nắng nóng dễ mất nước nên phụ huynh cần cho trẻ uống nhiều nước, nên cho trẻ uống nước ép từ các loại trái cây tươi và đặc biệt không nên cho trẻ uống nước lạnh, nước có đá.

Theo bản tin cảnh báo nắng nóng trên khu vực Nam bộ của Đài Khi tượng Thủy văn khu vực Nam bộ ngày 27/3, từ ngày 28/3 nắng nóng có xu hướng gia tăng và mở rộng trên khu vực các tỉnh miền Đông và một số tỉnh miền Tây Nam bộ. Nhiệt độ cao nhất dao động khoảng từ 35 - 37 độ C. Từ 30/3 nắng nóng thu hẹp trên khu vực. Riêng tại TP. Hồ Chí Minh, từ ngày 27 đến 29/3, nhiệt độ cao nhất từ 35 - 37 độ C, độ ẩm 25 - 40% ./.

Tin, ảnh: VL