Một công trình giải tỏa ùn tắc giao thông trên địa bàn quận Tân Bình- TP.Hồ Chí Minh (Ảnh: K.V)

Theo đó, từ năm 2016 đến nay, TP.Hồ Chí Minh đã làm mới và đưa vào sử dụng 97,6km/272km đường bộ, xây dựng mới 32/76 cây cầu; tỷ lệ đất dành cho giao thông đạt 8,85/12,2%; mật độ đường giao thông đạt 2,03/2,2 km/km2; khối lượng vận tải hành khách công cộng đô thị đạt 9,5/15% nhu cầu đi lại.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai Chương trình giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông giai đoạn 2016 - 2020 còn một số giải pháp chưa được triển khai đồng bộ, kịp thời nên hiệu quả đem lại chưa cao, đặc biệt là chưa xây dựng được cơ chế đột phá trong công tác giải phóng mặt bằng cũng như cơ chế huy động nguồn lực, chưa phát huy hết vai trò của Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước Thành phố để huy động tối đa nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông, làm ảnh hưởng đến việc hoàn thành các chỉ tiêu đề ra đầu nhiệm kỳ.

Theo ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.Hồ Chí Minh, Chương trình giảm ùn tắc giao thông và giảm tai nạn giao thông giai đoạn 2016- 2020 là một trong 7 chương trình đột phá theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.Hồ Chí Minh lần thứ X. Trong đó, phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông của Thành phố, kể cả đường bộ, đường thủy, đường hàng không; ưu tiên phát triển các đường vành đai, đường xuyên tâm, các tuyến đường sắt đô thị là mục tiêu trọng điểm.

Nguồn lực đầu tư cho Chương trình này là 284.000 tỷ đồng. TP.Hồ Chí Minh phấn đấu đến năm 2020 sẽ đưa vào sử dụng 272km đường bộ. Thành phố đang phải tính toán cân đối nguồn lực, phân bổ vốn cho những công trình cấp bách; xác định danh mục và nguồn vốn cho những công trình cấp bách phải triển khai như 4 cầu yếu trên đường Lê Văn Lương, huyện Nhà Bè; riêng tai nạn giao thông chưa kéo giảm xuống 5% nên từ nay đến cuối nhiệm kỳ phải triển khai quyết liệt các giải pháp mới đạt được các chỉ tiêu của chương trình.

Mục tiêu của Chương trình giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông giai đoạn 2016 - 2020 được thông qua tại Đại hội Đảng bộ TP.Hồ Chí Minh lần thứ X đã nêu lên những nhiệm vụ cụ thể, đó là TP.Hồ Chí Minh tiếp tục rà soát, điều chỉnh các quy hoạch tổng thể giao thông vận tải thành phố Hồ Chí Minh gắn với Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; tổ chức lập và thực hiện các quy hoạch chi tiết: các nút giao thông trọng điểm, các trục giao thông chính đô thị; hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông tĩnh; mạng lưới đường thủy và cảng, bến khu vực thành phố Hồ Chí Minh; mạng lưới vận tải hành khách công cộng đa phương thức, liên thông trong nội đô và kết nối với các đô thị vệ tinh, các công trình đầu mối vận tải đối ngoại trọng yếu (bến cảng, nhà ga, sân bay, bến xe ô tô liên tỉnh, cảng nội địa - ICD).

Đồng thời xây dựng, đề xuất và hoàn thiện các cơ chế, chính sách về bảo đảm trật tự an toàn giao thông; các cơ chế, chính sách đột phá, đặc thù trong việc huy động tối đa các nguồn lực trong và ngoài nước, khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng, khai thác cơ sở hạ tầng giao thông và vận tải trên địa bàn thành phố; phát huy tốt vai trò của Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước TP. Hồ Chí Minh, tạo đột phá trong huy động vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đô thị; xây dựng các cơ chế chỉ định thầu, chỉ định nhà đầu tư, cơ chế vừa thiết kế, vừa thi công, cơ chế thực hiện công tác giải phóng mặt bằng... để thực hiện nhanh các dự án cấp bách kéo giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông; xây dựng và hoàn thiện các chính sách về công tác quản lý hoạt động vận tải.

Ngoài ra, Thành phố đánh giá tình hình và củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy các đơn vị với chức năng, nhiệm vụ phù hợp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực giao thông đô thị, quản lý đồng bộ và thống nhất đầu mối, khắc phục tình trạng “cắt khúc”, xây dựng cơ chế phối hợp hiệu quả giữa các cấp, các ngành chức năng liên quan, đáp ứng tốt yêu cầu quản lý đô thị thành phố văn minh, hiện đại; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn của các sở, ngành, quận, huyện, các lực lượng thực thi công vụ trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, chống ùn tắc giao thông.

Song song với đó là nâng cao năng lực quản lý và khai thác hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông vận tải hiện hữu; tiếp tục rà soát, tổ chức lại giao thông khoa học, hợp lý tại các khu vực có nguy cơ xảy ra ùn tắc giao thông; kiểm tra, phát hiện và xử lý nhanh các sự cố, bảo trì tốt kết cấu hạ tầng giao thông đô thị, hệ thống giao thông nông thôn, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn. Đẩy mạnh xã hội hóa công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông.

Tổ chức đánh giá tác động giao thông khi triển khai quy hoạch các dự án đầu tư xây dựng công trình có quy mô lớn, tập trung đông người, không để phát sinh ùn tắc giao thông trong nội đô và dọc các tuyến đường trục chính ra, vào thành phố; đánh giá tác động của giao thông đối với các cơ sở tập trung đông người hiện hữu khu vực nội đô có nguy cơ gây ùn tắc giao thông để điều chỉnh phương án tổ chức giao thông kết nối hoặc xem xét, điều chỉnh chức năng hoạt động của các cơ sở này cho phù hợp...v.v../.

K.V