Một điểm bán hoa quả sạch ở TP.Hồ Chí Minh (Ảnh: K.V)

Bắt đầu từ tháng 8 năm 2016, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thành phố giao Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp tổ chức chợ phiên nông sản an toàn hàng tuần và phiên chợ nông sản an toàn đầu tiên được tổ chức tại khuôn viên nhà hàng Đông Hồ, Quận 10. Đến nay, sau gần 2 năm triển khai, Thành phố đã mở rộng tổ chức thêm 4 địa điểm tổ chức chợ phiên nông sản an toàn tại Công viên Lê Văn Tám, Quận 1; Công viên Lê Thị Riêng, Quận 10; Nhà văn hóa thể thao, quận Tân Bình; khuôn viên Ban điều hành khu phố 6, đường số 19, phường Bình Trị Đông B, Quận Bình Tân và công viên Bình Phú, Quận 6.

Chỉ trong 4 tháng đầu năm 2018, ngành chức năng TP.Hồ Chí Minh đã tổ chức 24 kỳ chợ phiên, có 450 đơn vị, với 534 gian hàng (bình quân mỗi kỳ chợ phiên có 18 đơn vị, 22 gian hàng, doanh thu trên 200 triệu đồng). Theo đó, từ tháng 8 năm 2016 đến nay đã tổ chức được 120 kỳ chợ phiên, có 2.330 lượt đơn vị tham gia với 2.800 gian hàng. Qua các kỳ chợ phiên các đơn vị đã kết nối tiêu thụ nông sản đạt 84 hợp đồng, đơn đặt hàng với giá trị khoảng 8,6 tỷ đồng/tháng.

Các sản phẩm bày bán tại chợ phiên, được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Ban Quản lý An toàn thực phẩm Thành phố kiểm tra từ khâu sản xuất, vận chuyển, lưu thông, phân phối đến khu vực buôn bán tại chợ phiên đảm bảo đạt các tiêu chí về an toàn thực phẩm, VietGAP, GlobalGAP. 

Cũng từ năm 2013 đến nay, Thành phố đã cấp 183 giấy chứng nhận cho 90 trang trại, cơ sở sản xuất, sơ chế tham gia chuỗi thuộc địa bàn thành phố và các tỉnh, với tổng sản lượng 102.000 tấn/năm. Dự kiến trong thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục mở rộng chợ phiên nông sản an toàn tại các địa điểm quận 2 và quận 7.

Liên quan đến việc cung cấp thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng, Ủy ban nhân dân TP.Hồ Chí Minh đã chính thức phê duyệt dự án mô hình thí điểm 2 chợ bảo đảm an toàn thực phẩm đầu tiên tại quận 1 và huyện Hóc Môn.

Khi chính thức trở thành chợ đảm bảo an toàn thực phẩm, các loại thực phẩm bán tại chợ sẽ đều phải đảm bảo đáp ứng được 4 nhóm tiêu chí, đó là nguồn thực phẩm kinh doanh tại chợ; điều kiện người trực tiếp kinh doanh; cơ sở vật chất - kỹ thuật; hoạt động thanh - kiểm tra với các quy định khá chặt chẽ. Nếu các tiêu chí này đạt thì người tiêu dùng có thể yên tâm mua thực phẩm tại chợ. Những vi phạm nếu bị cơ quan chức năng phát hiện thì sẽ bị xử lý nghiêm. Việc quản lý tại chợ Bến Thành sẽ được giao cho ban quản lý chợ và phòng y tế quận 1. Hai đơn vị này sẽ phối hợp thường xuyên để kiểm tra, xử lý vi phạm.

Chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn cũng sẽ là nơi cung cấp lượng thịt lợn lớn nhất cho Thành phố với thị phần luôn chiếm từ 50% đến 55%, có cơ sở vật chất kỹ thuật đáp ứng tương đối nhu cầu kinh doanh thực phẩm, có khu nhà lồng chuyên kinh doanh thịt heo. Tại đây, Ban chỉ đạo An toàn thực phẩm Thành phố sẽ cử một đội cán bộ xuống trực tiếp giám sát, kiểm tra việc thực hiện. Theo tiêu chí của Thành phố, tất cả các mặt hàng bán trong chợ đều phải đảm bảo các tiêu chuẩn vệ sinh – an toàn, được quy định chặt chẽ từ bàn đặt thực phẩm, các dụng cụ đều phải đảm bảo vệ sinh theo tiêu chuẩn, đối với những loại thực phẩm trong diện quy định của Thành phố đều đảm bảo có thể truy xuất nguồn gốc…

Được biết, mặt hàng đầu tiên thực hiện thí điểm ở cả 2 chợ là thịt lợn. Nhưng ngoài mặt hàng chủ lực này, lực lượng chức năng cũng hướng dẫn tiểu thương mở sổ ghi chép nguồn gốc nhập, xuất các mặt hàng khác như rau, củ, quả... Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Chỉ đạo An toàn thực phẩm TP.Hồ Chí Minh tin tưởng việc thí điểm mô hình chợ đảm bảo an toàn thực phẩm của Thành phố sẽ thành công và kịp tổ chức đại trà tại tất cả các chợ trên địa bàn vào năm 2020./.

K.V