Tham dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Thị Quyết Tâm; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Trần Vĩnh Tuyến; đại diện các Bộ, ngành Trung ương và các sở, ngành, quận, huyện Thành phố.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Trần Vĩnh Tuyến cho biết, TP.Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt, một trung tâm kinh tế lớn của cả nước, nhưng Thành phố vẫn là một đô thị chưa hoàn chỉnh, phải đối phó với những thách thức như: kẹt xe, ngập nước, vấn đề vệ sinh môi trường, biến đổi khí hậu; đặc biệt Thành phố có hơn 20.000 hộ dân sống trên và ven kênh, rạch. Đây là nỗi day dứt, trăn trở của lãnh đạo Thành phố nhiều thời kỳ. Chính vì vậy, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ X, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã xây dựng 7 chương trình đột phá trong đó có chương trình đột phá về chỉnh trang và phát triển đô thị giai đoạn 2016 – 2020; vấn đề này đã được thực hiện nhất quán và xuyên suốt trong thời gian qua. Thành phố phấn đấu đến năm 2020, di dời và tổ chức lại cuộc sống cho 20.000 người dân đang sống trên và ven kênh, rạch.

Toàn cảnh Hội nghị.


Theo Phó Chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến, để hoàn thành những mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể trên thì đòi hỏi phải đưa ra được những giải pháp kịp thời, hợp lý, đáp ứng nguyện vọng của người dân và nhu cầu phát triển của Thành phố. “Có thể khẳng định chủ trương xã hội hóa để tiết giảm gánh nặng cho ngân sách là hoàn toàn đúng đắn, nhất là trong bối cảnh tình hình khó khăn của ngân sách như hiện nay. Do đó, lãnh đạo Thành phố chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị tham mưu tập trung nghiên cứu cơ chế, chính sách ưu đãi nhà đầu tư, đẩy mạnh thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư phát triển để thực hiện các dự án chỉnh trang đô thị theo phương thức đối tác công tư PPP”, Phó Chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến khẳng định.

Báo cáo tại hội nghị, Giám đốc Sở Xây dựng Thành phố Trần Trọng Tuấn cho biết qua hơn 20 năm triển khai, Thành phố có nhiều nỗ lực trong việc chỉnh trang đô thị, thực hiện di dời và tái định cư các hộ dân sống trên và ven kênh, gắn với nâng cấp cải tạo các khu dân cư hiện hữu dọc hai bên bờ kênh. Kết quả đã bồi thường, di dời khoảng 36.000 căn nhà trên và ven kênh. Các dự án điển hình như: dự án vệ sinh môi trường nước lưu vực kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè; cải thiện môi trường nước lưu vực kênh Bến Nghé - Tàu Hủ - Kênh Đôi - Kênh Tẻ; nâng cấp đô thị lưu vực Tân Hóa - Lò Gốm…góp phần rất lớn về việc cải tạo môi trường, chỉnh trang mỹ quan đô thị, giải quyết tình trạng ngập nước, cải thiện chất lượng sống cho hàng triệu người dân, đặc biệt là người nghèo, thu nhập thấp. Tuy nhiên, trên địa bàn Thành phố hiện nay còn khoảng hơn 20.000 căn nhà trên và ven kênh rạch cần phải tiếp tục được di dời trong thời gian tới, tập trung chủ yếu tại Quận 8 (6.015 căn), Quận Bình Thạnh (1.830 căn), Quận 7 (1.730 căn), Quận 4 (1.630 căn), Quận 5 ,6 (883 căn) và các quận khác…


Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân trao đổi với các đại biểu tại Hội nghị.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Sử Ngọc Anh cho hay, trong điều kiện nguồn vốn ngân sách còn hạn hẹp, việc tăng cường thu hút đầu tư các nguồn lực trong và ngoài nước được xem là giải pháp hữu hiệu, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững nền kinh tế Thành phố. Thông qua hội nghị, Thành phố mong muốn được lắng nghe, tiếp thu ý kiến góp ý của lãnh đạo các bộ, ngành, các chuyên gia, nhà khoa học làm cơ sở triển khai kêu gọi các nhà đầu tư, doanh nghiệp, các ngân hàng, tổ chức tín dụng trong và ngoài nước cùng đồng hành với chính quyền Thành phố trong việc triển khai, thực hiện các dự án cải tạo, di dời nhà ven và trên kênh, rạch, chỉnh trang đô thị của Thành phố.

Phát biểu tại Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân cho biết, vừa qua Thành phố đã tổ chức hội nghị kêu gọi đầu tư vào việc xử lý rác thải thành điện và cho kết quả tốt. Với tinh thần như vậy, trong lĩnh vực cải tạo, di dời nhà trên kênh rạch, chỉnh trang đô thị của Thành phố hi vọng cũng sẽ có khởi đầu tốt đẹp.

Trong 20 năm qua, đối với Thành phố, tính bình quân cứ 5,5 năm dân số tăng 1 triệu người. Đây thật sự là bài toán khó đối với công tác quản lý. Đồng chí Bí thư Thành ủy nhấn mạnh trong thời gian tới, áp lực dân số gia tăng vẫn còn khá lớn, do vậy, việc quy hoạch về chỗ ở, giao thông, bệnh viện, trường học phải tính toán, sắp xếp sao cho hợp lý.


TP.Hồ Chí Minh hiện còn khoảng hơn 20.000 căn nhà trên và ven kênh rạch.

Đối với việc di dời nhà ven và trên kênh, rạch, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, 30 năm qua Thành phố di dời 30.000 căn, từ nay đến năm 2020 cần di dời trên 20.000 căn thì quá lớn, với nguồn lực của nhà nước sẽ khó thực hiện được. Bí thư Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ mong muốn, trong năm 2018 sẽ chọn ra được 2 dự án để đầu tư, hết nhiệm kỳ các dự án khác đều đã có phương án và được triển khai, có thể kết quả sẽ chậm 1 - 2 năm so với kế hoạch đề ra.

Theo Bí thư Nguyễn Thiện Nhân, TP.Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước nhưng cũng phải làm sao trở thành nơi đáng sống nhất, là nơi tạo niềm tin cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Tại hội nghị cũng phát hành danh mục các dự án mời gọi đầu tư đối với các dự án cải tạo, di dời nhà ven và trên kênh, rạch, chỉnh trang đô thị của Thành phố như: Dự án di dời và tái định cư các hộ dân sống trên và ven Bờ Nam Kênh Đôi, Quận 8; dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng và khai thác quỹ đất ven Rạch Xuyên Tâm (từ Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến Sông Vàm Thuật), quận Bình Thạnh, quận Gò Vấp; dự án cải tạo, chỉnh trang nhà ven và trên Rạch Văn Thánh; dự án chỉnh trang Rạch Cầu Dừa, Quận 4; dự án cải tạo cảnh quan Hồ Song Tân, Quận 7; dự án chỉnh trang Rạch Bần Đôn, Quận 7; dự án chỉnh trang Kênh Tẻ đường Trần Xuân Soạn, phường Tân Hưng, Tân Kiểng, Tân Thuận Tây, Quận 7; dự án cải thiện môi trường nước TP.Hồ Chí Minh lưu vực kênh Tàu Hủ - Bến Nghé – Đôi – Tẻ giai đoạn 3; mười quy hoạch phân khu dọc sông Sài Gòn, huyện Củ Chi.  


Tin, ảnh: Vương Lê