Rác thải ni lông lấp kín đường thoát nước (Ảnh: K.V)

Trước mối nguy hại của loại rác thải này, Ủy ban nhân dân TP.Hồ Chí Minh đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan mở rộng phạm vi tuyên truyền, vận động người dân giảm sử dụng và thải bỏ túi ni lông.

Theo đó, Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường lồng ghép nội dung kiểm soát ô nhiễm môi trường do túi ni lông khó phân hủy vào các hoạt động giáo dục, truyền thông phù hợp cho học sinh tại các trường học.

Sở Công Thương phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Uỷ ban nhân dân các quận - huyện tiếp tục tuyên truyền, vận động cá nhân, tổ chức bán lẻ, đặc biệt là các tiểu thương tại chợ, các hệ thống siêu thị không cấp phát miễn phí túi ni lông cho người tiêu dùng; khuyến khích người tiêu dùng đem túi ni lông thân thiện môi trường thay thế túi ni lông khó phân hủy; đánh giá hiệu quả công tác tuyên truyền theo các nhóm đối tượng và đề xuất giải pháp kinh tế để tác động đến người tiêu dùng, tiểu thương, các đơn vị kinh doanh, sản xuất.

Cơ quan thuế cần kiểm tra, giám sát và xử phạt các doanh nghiệp vi phạm các quy định về nộp thuế bảo vệ môi trường đối với túi ni lông khó phân hủy. Đồng thời, Chi cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm các đơn vị sản xuất, kinh doanh túi ni lông.

Ngoài ra, Ủy ban nhân dân các quận - huyện cần khảo sát các cơ sở thu mua phế liệu, tái chế và xử lý túi ni lông tại địa phương; đánh giá công nghệ tái chế túi ni lông, kiểm soát mức độ ô nhiễm của các cơ sở này nhằm đưa ra biện pháp quản lý chặt chẽ đối với hệ thống thu mua phế liệu, tái chế hiện nay trên địa bàn Thành phố.

Lãnh đạo Chi cục Bảo vệ môi trường TP.Hồ Chí Minh cho biết, theo khảo sát của Chi cục, việc hạn chế sử dụng túi ni lông khó phân hủy đã nhận được sự đồng thuận của người dân và các đơn vị bán lẻ, trong đó các đơn vị bán lẻ tiến hành vận động người dân hạn chế sử dụng túi ni lông khó phân hủy, khuyến khích sử dụng túi ni lông và các loại túi thân thiện với môi trường.

Một số doanh nghiệp đã chuyển sang sản xuất túi ni lông thân thiện môi trường nhằm cung cấp cho các siêu thị, tiểu thương các chợ. Tuy nhiên, giá thành sản xuất còn cao, do vậy, túi ni lông thân thiện với môi trường vẫn chưa được sử dụng phổ biến để thay thế hoàn toàn túi ni lông khó phân hủy.

Theo ý kiến của các chuyên gia môi trường, để giảm việc sử dụng túi ni lông khó phân hủy, bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động và tăng cường các giải pháp 3T (tiết giảm, tái chế, tái sử dụng), cần sớm đưa vào chương trình giáo dục học đường những nội dung kiểm soát ô nhiễm từ túi ni lông và chất thải khó phân hủy đến học sinh, hình thành ý thức và thói quen hạn chế sử dụng, hướng tới mục tiêu không sử dụng túi ni lông khó phân hủy để bảo vệ môi trường.

Được biết, tình trạng sử dụng túi ni lông khó phân hủy một cách không hạn chế, không kiểm soát tạo áp lực lớn cho công tác thu gom, xử lý rác thải và ảnh hưởng nặng nề, lâu dài tới môi trường đô thị nói chung và TP.Hồ Chí Minh nói riêng. Trong khi đó, theo các chuyên gia nghiên cứu môi trường, túi ni lông có thời gian phân hủy rất dài từ 500 đến 1.000 năm, là mối nguy hại lớn đối với môi trường. Túi ni lông rất nhẹ nên dễ bị vứt bỏ, vướng mắc ở nhiều nơi, gây mất mỹ quan đô thị, làm tắc nghẽn cống rãnh thoát nước, là một trong những nguyên nhân gây hại cho sinh vật, làm thoái hóa đất và gây ô nhiễm không khí.

Trong quá trình xử lý, tái chế, túi ni lông còn phát sinh những khí thải, chất thải độc hại gây ảnh hưởng trực tiếp lên môi trường và sức khỏe con người. Việc sử dụng không hạn chế túi ni lông đang gây những áp lực cho công tác xử lý và thu gom chất thải rắn./.

K.V