Ngày 29/8, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân đã có buổi làm việc với cán bộ chủ chốt của Sở Du lịch Thành phố và một số công ty du lịch trên địa bàn Thành phố. Cùng dự có Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.Hồ Chí Minh Lê Thanh Liêm; đại diện một số sở, ban, ngành Thành phố.

Báo cáo tại buổi làm việc cho biết: Trong thời gian qua, khách du lịch và tổng doanh thu du lịch có sự gia tăng. Thành phố đã đẩy mạnh đầu tư phát triển một số sản phẩm du lịch như: Sản phẩm du lịch ẩm thực, sản phẩm du lịch mua sắm, sản phẩm du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện), sản phẩm du lịch đường thủy, sản phẩm du lịch sinh thái, sản phẩm du lịch gắn với nông nghiệp và nông thôn mới, sản phẩm du lịch y tế, sản phẩm du lịch vòng quanh Thành phố, sản phẩm du lịch sự kiện…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động du lịch của Thành phố còn một số hạn chế nhất định, trong đó hoạt động xúc tiến du lịch trong nước chưa có chiến lược bài bản; tình hình an ninh trật tự du lịch tuy có chuyển biến nhưng chưa bền vững; tình hình giao thông, trong đó nạn kẹt xe còn phổ biến, thiếu chỗ dừng đỗ xe tại các điểm đến tham quan du lịch Thành phố…

Các bảo tàng trên địa bàn Thành phố là những điểm đến
thu hút du khách, đặc biệt là du khách quốc tế (Ảnh: VL) 

Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Bùi Tá Hoàng Vũ kiến nghị lãnh đạo TP.Hồ Chí Minh chỉ đạo các sở, ngành giải quyết các điểm nghẽn về hạ tầng giao thông cả đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường hàng không. Cùng với đó, chỉ đạo các sở, ngành liên quan đẩy nhanh các công trình văn hóa, thể dục - thể thao. Mặt khác, có cơ chế hoàn thuế, miễn thuế tại các trung tâm mua sắm, tạo điều kiện cho du khách quốc tế mua sắm các sản phẩm ở Việt Nam nói chung và tại Thành phố nói riêng, góp phần thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa tại chỗ.

Trao đổi tại buổi làm việc, các đại biểu cũng đã chỉ ra thực trạng của ngành du lịch Thành phố hiện nay đồng thời kiến nghị những giải pháp cụ thể. Các đại biểu cho rằng, cùng với việc phải chú trọng tới chất lượng dịch vụ, đổi mới sản phẩm du lịch, hàng loạt yếu tố khác liên quan đến hạ tầng giao thông, an ninh, an toàn, quảng bá xúc tiến, đảm bảo mỹ quan tại sân bay, các điểm đến du lịch… cũng được nhiều doanh nghiệp, hãng lữ hành quan tâm. 

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam, cho rằng, hiện nay, đường hàng không của TP.Hồ Chí Minh thường xuyên quá tải; đường sắt đi vào Thành phố cũng kẹt; đường bộ có phần ì ạch; cảng biển bị đẩy ra ngoài nên khách tàu biển lớn có chi tiêu cao khó tiếp cận Thành phố. Trước thực tế này, doanh nghiệp kiến nghị nên tập trung khai thác các sản phẩm du lịch về đêm (từ 18 giờ đến 2 giờ), vì các sản phẩm này mang lại khoảng 70% doanh thu cho ngành du lịch. Đồng thời, cũng nên đẩy mạnh kết nối mua sắm thông qua các chương trình khuyến mãi, giảm giá…

Theo ông Nguyễn Văn Tấn, Tổng Giám đốc Công ty TNHH JTB-TNT, hiện nay hạ tầng thông tin dành cho du khách vẫn còn thiếu chuyên nghiệp, tốc độ cải thiện chậm, mặc dù Thành phố cũng đã có nhiều cố gắng (cải thiện trang web, app du lịch…). “Thành phố nên quan tâm hỗ trợ ngay để du khách đến Thành phố dễ tra cứu, muốn ăn gì, chơi ở đâu, nghỉ ngơi chỗ nào sẽ tìm được ngay… Như thế sẽ tốt hơn”, ông Tấn kiến nghị. Bên cạnh đó, ông Tấn cũng cho rằng, hàng hóa, đồ lưu niệm cũng cần có nghiên cứu, hỗ trợ nào đó để làm sao vừa có thể tiếp thị hàng hóa, quảng bá cho doanh nghiệp nhưng cũng giúp khách đến nhiều hơn để lựa chọn những món hàng thực sự ý nghĩa, hấp dẫn. 

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Lê Thanh Liêm cho rằng: Hiện nay, nước ta và TP.Hồ Chí Minh đang trong quá trình hội nhập nên ngành du lịch phải thích ứng với quá trình hội nhập cả trong và ngoài nước. Vì vậy sắp tới, ngành du lịch phải chuyên nghiệp, hiện đại, năng động; xây dựng du lịch thông minh; sớm hoàn thành chiến lược phát triển du lịch Thành phố đến năm 2030. Đồng thời, Sở Du lịch Thành phố cần chủ động tham mưu cho UBND Thành phố chỉ đạo kịp thời những vấn đề về phát triển du lịch; liên kết đào tạo nguồn nhân lực ngành du lịch; liên kết phát triển du lịch vùng và cả nước. 

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân đánh giá ngành du lịch là một ngành kinh tế có nhiều tiềm năng. Đặc biệt trong thời gian qua, ngành du lịch Thành phố đã phát triển với tốc độ cao và đóng góp tích cực vào sự phát triển của Thành phố.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đề nghị Sở Du lịch Thành phố khẩn trương hoàn thiện chiến lược phát triển du lịch Thành phố đến năm 2030; quan tâm quản lý nhà nước ngành du lịch trên cơ sở các nghiên cứu định lượng. Bí thư Thành ủy đưa ra ví dụ cụ thể, làm sao để du khách ở lâu hơn và chi tiêu nhiều hơn cần phải xem xét. Thống kê từ Sở Du lịch, du khách quốc tế lưu trú bình quân tại TP.Hồ Chí Minh khoảng 5 ngày, tổng mức chi tiêu 145 USD vẫn còn quá ít, nên thu hút làm sao để khách chi 145 USD/ngày. Tương tự, các loại hình du lịch khác như ẩm thực, mua sắm, hội nghị kết hợp… ta cũng nên theo dõi bằng chỉ số định lượng để dễ quản lý, nâng dần chất lượng dịch vụ. 

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân với cán bộ Sở Du lịch Thành phố
(Ảnh:Cao Thăng)

UBND Thành phố, Sở Du lịch Thành phố nghiên cứu hình thành chương trình đào tạo quản lý về khách sạn, hướng dẫn viên; hàng năm tổ chức hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo Thành phố và Sở Du lịch Thành phố với doanh nghiệp du lịch; rà soát để hình thành khu vực bán hàng Việt Nam chất lượng cao cho du khách; tiếp tục làm tốt hơn công tác an ninh, an toàn cho khách du lịch; xây dựng Thành phố có chuỗi sự kiện về ẩm thực trong năm, bởi ẩm thực là thương hiệu, là văn hóa, ngoại giao và du lịch. Chẳng hạn có một cuộc thi các đầu bếp nước ngoài nấu món ăn Việt Nam ngon nhất tại TP.Hồ Chí Minh, Bí thư Thành ủy gợi ý. 

Mặt khác, UBND Thành phố có chương trình liên kết du lịch Thành phố với các tỉnh miền Tây để phát triển du lịch; tăng cường quản lý nhà nước về hoạt động du lịch. Phát động phong trào người dân Thành phố nói không với xả rác; nghiên cứu hình thành tổ tư vấn về du lịch.

VL