Sản phẩm nông nghiệp của TP.Hồ Chí Minh tại một triển lãm. (Ảnh: K.V)

Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.Hồ Chí Minh, nhận thức được vai trò quan trọng của khoa học và công nghệ đối với sản xuất nông nghiệp, những năm qua, TP.Hồ Chí Minh luôn coi trọng và ưu tiên phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đặc biệt đi vào lĩnh vực giống cây trồng, vật nuôi và hướng tới trở thành Trung tâm giống cây con của cả khu vực.

Nhằm lưu giữ nguồn gen cây trồng có giá trị kinh tế và giá trị khoa học trong nước và hội nhập, phục vụ cho việc nghiên cứu, nhân giống, chọn tạo giống mới đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu thụ của Thành phố và cả nước, Trung tâm Công nghệ sinh học TP.Hồ Chí Minh đã tiến hành sưu tập, nhập nội các giống hoa bản địa và nước ngoài để xây dựng bộ sưu tập phong phú về chủng loại và đa dạng về nguồn gen. Hiện nay, Trung tâm có 3 bộ sưu tập giống hoa, cây cảnh lá và rau, bao gồm 360 giống lan các loại. Bên cạnh công tác bảo tồn nguồn gen, Trung tâm Công nghệ sinh học TP.Hồ Chí Minh đã tập trung khai thác có hiệu quả nguồn gen này nhằm phát triển giống mới phục vụ nghiên cứu, sản xuất và thương mại hóa sản phẩm.

Cùng với đó, Trung tâm Công nghệ sinh học TP.Hồ Chí Minh đã xây dựng thành công quy trình nhân giống nhiều loại cây trồng khác nhau bằng phương pháp nuôi cấy mô… Hiện tại, khu nuôi cấy mô tế bào thực vật thuộc Trung tâm có trên 120 giống cây trồng gồm hoa lan, hoa nền, kiểng lá, dược liệu, cây ăn trái (chuối, dâu tây)… đang được nuôi cấy invitro (nuôi cấy mô và tế bào thực vật) và có khả năng nhân giống lên đến 1,5 - 2 triệu cây cấy mô/năm. Với quy trình nhân giống hiện có, Trung tâm hoàn toàn có đủ năng lực đáp ứng nhu cầu cung cấp cây cấy mô cho khách hàng trên quy mô lớn cũng như thực hiện việc chuyển giao công nghệ về nhân giống cây trồng bằng phương pháp nuôi cấy mô cho các cá nhân và tổ chức có nhu cầu.

Mục tiêu đặt ra trong thời gian tới, TP.Hồ Chí Minh sẽ là nơi nghiên cứu phát triển công nghệ mới và ứng dụng công nghệ sinh học về chọn tạo giống cây trồng như công nghệ nuôi cấy tế bào thực vật, công nghệ gen, chỉ thị phân tử, công nghệ chỉnh sửa gen. Các giống cây trồng được Thành phố xác định tập trung vào nghiên cứu, chọn tạo, sản xuất là nhóm rau, hoa, cây cảnh, cây dược liệu. Ngoài ra, có thêm các nhóm cây ăn trái, cây công nghiệp, cây màu, cây lâm nghiệp tùy theo nhu cầu cụ thể của thị trường trong khu vực.

Chính vì vậy, TP.Hồ Chí Minh đã có những chính sách ưu tiên cho doanh nghiệp sản xuất giống. Cụ thể, để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia vào quá trình nghiên cứu sản xuất giống ban đầu như các viện, trường, cần có cơ chế hỗ trợ về công nghệ, kinh phí nghiên cứu khoa học cũng như trang thiết bị, phòng thí nghiệm để doanh nghiệp được tham gia sử dụng.

Trong những năm qua, TP.Hồ Chí Minh đã đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, tiềm lực khoa học công nghệ để hình thành Trung tâm Công nghệ Sinh học, Khu Nông nghiệp Công nghệ cao… Các đơn vị này cùng với một số doanh nghiệp giống lớn đã đầu tư vào công tác nghiên cứu, xây dựng, bảo tồn nguồn gen cũng như tiến hành chọn tạo giống mới; các công nghệ mới trong công nghệ sinh học phục vụ lai tạo giống đã được ứng dụng…

Thành phố cũng đã xây dựng và triển khai Chương trình giống cây con chất lượng cao liên tục qua các giai đoạn 2005 - 2010, 2011 - 2015, 2016 - 2020 và từng bước triển khai một cách có bài bản để phát triển giống cây con phục vụ cho Thành phố và cả khu vực./.

K.V