Những bước đi ban đầu...
Mô hình sản xuất nông nghiệp sạch đang được nhân rộng.
Tháng 8 năm 2013, Trại Trình diễn và Thực nghiệm Chăn nuôi Bò sữa Công nghệ cao (10 ha tại Bình Chánh) chính thức được đưa vào hoạt động tiếp tục tạo dấu mốc mới trong nỗ lực phát triển nông nghiệp công nghệ cao của Thành phố. Theo định hướng và quy hoạch phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Thành phố, Khu Nông nghiệp Công nghệ cao tiếp tục mở rộng quy mô, phạm vi, lĩnh vực hoạt động bao gồm các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản nhằm đáp ứng nhu cầu và xu hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, hội nhập sâu với thế giới. Hiện nay Ban Quản lý Khu Nông nghiệp Công nghệ cao đang được giao triển khai các dự án đầu tư mở rộng Khu Nông nghiệp Công nghệ cao bao gồm: Dự án đầu tư xây dựng Khu Nông nghiệp Công nghệ cao ngành thủy sản tại Cần Giờ 90 ha; Dự án mở rộng Khu Nông nghiệp Công nghệ cao 23,3 ha tại xã Phước Vĩnh An, huyện Củ Chi; Dự án Đầu tư xây dựng Khu Nông nghiệp Công nghệ cao ngành chăn nuôi 200 ha tại huyện Củ Chi; Dự án đầu tư mở rộng Khu Nông nghiệp Công nghệ cao ngành trồng trọt, chế phẩm sinh học 200 ha tại huyện Củ Chi. Bên cạnh đó, Thành phố đang xây dựng đề án quy hoạch các khu vực, vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao theo hướng nông nghiệp đô thị, trong đó hạt nhân là các Khu nông nghiệp công nghệ cao. Thành phố cũng dự kiến ban hành đề án phát triển nông nghiệp đô thị, trong đó có mục tiêu tạo sự gắn kết giữa các Khu nông nghiệp công nghệ cao với các vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao.
Xác định tầm quan trọng của phát triển nông nghiệp công nghệ cao, Ủy ban nhân dân Thành phố đã phê duyệt các chương trình sau: Chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025 (Quyết định số 6150/QĐ-UBND ngày 24 tháng 11 năm 2016); Chương trình Phát triển nông nghiệp giai đoạn 2019 - 2025 theo hướng cơ cấu lại và đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp (Quyết định số 1589/QĐ-UBND ngày 27 tháng 4 năm 2019); Chương trình phát triển giống cây, con và nông nghiệp công nghê cao trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2020 - 2030 (Quyết định số 2092/QĐ-UBND ngày 10 tháng 6 năm 2021). Mục tiêu của các chương trình này là nâng cao năng lực nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng và tạo ra các sản phẩm công nghệ cao phục vụ phát triển lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản và gắn với chuỗi giá trị sản phẩm an toàn; nghiên cứu, lai tạo và chọn lọc, sản xuất, quản lý giống cây trồng, vật nuôi theo hướng công nghiệp hiện đại. Nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao một cách toàn diện nhằm dẫn dắt, định hướng cho nông nghiệp của thành phố và khu vực theo hướng hiện đại, phục vụ sản xuất hàng hóa, có năng suất, chất lượng, hiệu quả bền vững và sức cạnh tranh cao, thân thiện với môi trường. Thực hiện thành công định hướng cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2020 - 2030.
Được biết, trải qua quá trình phát triển gần hàng chục năm, nông nghiệp công nghệ cao của Thành phố đã đạt được rất nhiều những thành công, khẳng định được vị thế trong nền nông nghiệp của nước nhà.
Nông nghiệp công nghệ cao của Thành phố hiện đang đứng trước nhiều tiềm năng, lợi thế và cơ hội lớn để phát triển và tiếp tục khẳng định là đơn vị đi đầu trong lĩnh vực phát triển, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Đến nay, TP Hồ Chí Minh đã dần hình thành hệ sinh thái nông nghiệp công nghệ cao, trong đó có các đơn vị trụ cột là Khu Nông nghiệp công nghệ cao, Trung tâm Công nghệ sinh học, các trường, viện, các doanh nghiệp, hợp tác xã ứng dụng hiệu quả nông nghiệp tiên tiến... có sức lan tỏa mạnh.
Mục tiêu phát triển nông nghiệp công nghệ cao đến năm 2030 và định hướng đến năm 2045
Sản xuất nông nghiệp trong mô hình nhà lưới.
Theo đó, về định hướng, Thành phố ứng dụng khoa học và công nghệ hiện đại, tiên tiến để phục vụ nghiên cứu, chọn tạo sản xuất giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản năng suất cao và thích nghi tốt với điều kiện môi trường thay đổi, chịu mặn, biến đổi khí hậu, sản xuất được sản phẩm chất lượng cao và phát triển sản phẩm nông nghiệp, an toàn, tăng năng suất, tăng giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích, phục vụ yêu cầu tái cơ cấu ngành nông nghiệp và phát triển nông nghiệp Thành phố là nền nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả và phát triển bền vững đáp ứng nhu cầu trong nước và hội nhập kinh tế quốc tế.
Về mục tiêu, Thành phố tập trung nâng cao năng lực nghiên cứu, lai tạo và chọn lọc sản xuất, quản lý giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản theo hướng công nghiệp hiện đại; khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư nghiên cứu, sản xuất giống nhằm đảm bảo cung cấp đầy đủ giống chất lượng cao, góp phần thực hiện thành công định hướng cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2030. Phát triển nông nghiệp công nghệ cao là xu hướng chủ đạo và tất yếu của ngành nông nghiệp Thành phố, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, phục vụ phát triển đô thị theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, giá trị gia tăng, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh cao và thân thiện với môi trường.
Lãnh đạo Ban Quản lý Khu Nông nghiệp Công nghệ TP Hồ Chí Minh cho biết, Thành phố đã xác định tầm nhìn chiến lược về ngành nông nghiệp công nghệ cao trên cơ sở ứng dụng khoa học-công nghệ vào sản xuất nông nghiệp để vừa sản xuất nông sản hàng hóa, vừa kết hợp phát triển du lịch sinh thái.
Qua đó, Thành phố đã tập trung xây dựng cơ sở vật chất, thành lập các đơn vị tiên phong trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao như: Khu Nông nghiệp Công nghệ cao Thành phố, Trung tâm công nghệ sinh học, Trại trình diễn và thực nghiệm chăn nuôi bò sữa công nghệ cao...
TP Hồ Chí Minh cũng đang đẩy mạnh nông nghiệp công nghệ cao tự động hóa bằng công nghệ IoT nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng cường hiệu quả sản xuất và giảm tác động đến môi trường. Có thể thấy, phát triển nông nghiệp đô thị hiện đại, bền vững theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học... là hướng đi tất yếu khi quỹ đất nông nghiệp của TP Hồ Chí Minh ngày càng bị thu hẹp. Ngoài việc nghiên cứu, chuyển giao các mô hình nông nghiệp tiên tiến; nghiên cứu, lai tạo các giống cây trồng, vật nuôi mới... Thành phố còn chú trọng thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp để tạo tiền đề thúc đẩy nông nghiệp công nghệ cao./..