Đường vành đai 3
Theo đó, trong 365 ngày đêm năm 2025, các nhà thầu sẽ tập trung nguồn lực, vật lực, máy móc để thi công dự án vành đai 3 TP Hồ Chí Minh để tiến tới mục tiêu thông xe toàn tuyến vào năm 2026.
Đây là hoạt động nhằm hưởng ứng đợt thi đua cao điểm "500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3.000km đường bộ cao tốc" do Thủ tướng Chính phủ phát động và kế hoạch của UBND TP Hồ Chí Minh về tổ chức triển khai đợt thi đua "Quyết tâm hoàn thành Dự án đường vành đai 3 TP Hồ Chí Minh" vào tháng 6/2026.
Phát biểu tại lễ phát động thi đua, ông Lê Ngọc Hùng, Phó giám đốc Ban Giao thông cho biết, các nhà thầu xây lắp, tư vấn giám sát đang thực hiện 10 gói thầu sẽ ký giao ước thi đua; cùng nhau đoàn kết, sáng tạo, vượt khó, thi công 3 ca 4 kíp, xuyên Tết, xuyên Lễ, làm liên tục 365 ngày đêm... để đẩy nhanh tiến độ thi công dự án đường vành đai 3 đoạn qua TP Hồ Chí Minh (từ ngày 1/1/2025 đến ngày 31/12/2025).
Cụ thể, sẽ hoàn thành một số hạng mục của gói thầu XL1 (phạm vi nút giao cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây) trước ngày 30/4/2025 để kết nối đồng bộ với gói thầu xây dựng cầu Nhơn Trạch.
Thông xe kỹ thuật toàn bộ 14,7km của tuyến vành đai 3 (cầu cạn) thuộc 5 gói thầu xây lắp trên địa bàn TP Thủ Đức vào ngày 31/12/2025; thông xe kỹ thuật toàn bộ 32,62 km của tuyến đường vành đai 3 thuộc 5 gói thầu xây lắp trên địa bàn các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh vào ngày 30/4/2026; thông xe toàn tuyến đường vành đai 3 (đoạn qua TP Hồ Chí Minh) vào ngày 30/6/2026.
Ông Bùi Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh nhận định, dự án đường vành đai 3 đặc biệt quan trọng, là trục giao thông chiến lược, kết nối liên vùng. Do đó, ông Cường đề nghị chủ đầu tư và các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ, rút ngắn thời gian thi công; thay vì chỉ thông xe kỹ thuật, phải phấn đấu đưa vào khai thác gần 15km cầu cạn Vành đai 3, đoạn qua TP Thủ Đức cuối năm 2025.
Theo ông Cường, khi đưa vào khai thác, đoạn cầu cạn sẽ giúp giảm áp lực giao thông cho khu đông thành phố, đồng thời góp phần vào mục tiêu quốc gia là năm 2025 cả nước sẽ có 3.000 km cao tốc
Đối với khu vực gần nút giao cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, ông Cường yêu cầu, vào 30/4/2025 phải hoàn thành các hạng mục liên quan để kết nối đồng bộ với dự án cầu Nhơn Trạch.
Đối với mục tiêu hoàn thành toàn bộ dự án giữa năm 2026, các đơn vị cần tập trung nguồn lực, giải pháp thi công nhằm đẩy nhanh tiến độ công trình. Những khó khăn phát sinh liên quan đến thiếu vật liệu thi công, theo hợp đồng các nhà thầu cần chủ động nhưng thành phố sẽ hỗ trợ giải quyết các vướng mắc lớn.
Lãnh đạo UBND TP Hồ Chí Minh cũng yêu cầu, các nhà thầu làm nhanh, nỗ lực hơn nhưng phải luôn ưu tiên việc an toàn lao động, an toàn cho các công nhân kỹ sư trên công trường.
Được biết, Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 3 TP Hồ Chí Minh có tổng chiều dài 47,3km đi qua 4 địa phương với tổng mức đầu tư 41.317 tỷ đồng (xây dựng 22.411 tỷ đồng, giải phóng mặt bằng 18.906 tỷ đồng).
Dự án có 10 gói thầu xây lắp chính, trong đó 4 gói thầu khởi công 2023 và 6 gói thầu khởi công 2024.
Hiện 10 gói thầu đang trong giai đoạn tăng tốc thi công (tập trung các hạng mục kết cấu phần dưới các cầu, đã bắt đầu lao lắp dầm; tập trung huy động cát để thực hiện các hạng mục xử lý đất yếu…).
Tính đến cuối năm 2024, sản lượng thực hiện 10 gói thầu đạt khoảng 30% giá trị xây lắp, cơ bản đáp ứng tiến độ dự án theo kế hoạch đề ra.
Trước đó, do vướng mặt bằng nên gói thầu xây dựng nút giao Tân Vạn của dự án vành đai 3 TP Hồ Chí Minh có chiều hướng chậm tiến độ. Tuy nhiên, chủ đầu tư và các nhà thầu nỗ lực, tăng tốc để giữ vững kế hoạch về đích.
Nút giao Tân Vạn thuộc gói thầu XL1 thuộc dự án thành phần 5 của dự án xây dựng đường vành đai 3 TP Hồ Chí Minh. Đây là nút giao được đánh giá phức tạp và đồ sộ nhất của Dự án. Theo thiết kế, nút giao này sẽ kết nối những trục đường vành đai 3 TP Hồ Chí Minh - quốc lộ 1 (xa lộ Hà Nội) - Nguyễn Xiển (TP Thủ Đức) - ĐT 743A (kết nối đường Tân Vạn, TP Dĩ An, Bình Dương).
Khởi công vào tháng 5/2024, nút giao Tân Vạn có tổng mức đầu tư hơn 1.830 tỷ đồng, được đặt mục tiêu hoàn thành sau khoảng 1.000 ngày, về đích cuối năm 2026.
Thi công đường vành đai 3.
Ông Trần Hùng Việt, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Bình Dương (chủ đầu tư) cho biết, do công tác giải phóng mặt bằng dự án gặp 1 số vướng mắc, nên đã ảnh hưởng đến việc thi công của liên danh các nhà thầu. Ngoài ra, dự án còn gặp nhiều khó khăn khác như công địa thi công không liên tục, điều chỉnh thiết kế kỹ thuật do địa chất công trình thay đổi; công trình hạ tầng kỹ thuật trên tuyến như hệ thống điện, nước, hệ thống thoát nước, cáp quang chưa được di dời...
Tuy nhiên, theo ông Việt, Ban Giao thông cùng các nhà thầu vẫn đang tăng tốc thi công, đảm bảo hoàn thành dự án như kế hoạch đã đưa ra. Hiện trên công trường thi công nút giao Tân Vạn, hàng chục công nhân cùng máy móc, thiết bị vẫn nhộn nhịp làm việc. Rất nhiều thiết bị như máy khoan cọc nhồi, máy đào, xe đẹp, xe lu, máy cắt - uốn thép, cổng trục, xe ô tô ben... được tập kết đến công trường để phục vụ thi công.
Một số vị trí đã thi công lên được phần thân trụ, chuẩn bị thi công bệ trụ. Các dầm cũng đã được đúc sẵn và tập kết về công trường. Trong khi đó một số vị trí vẫn đang khoan cọc nhồi. Đây là nút giao phức tạp với hệ thống cầu cạn vượt qua quốc lộ 1. Hưởng ứng kế hoạch 500 ngày đêm và đảm hoàn thành mục tiêu 3.000 km đường bộ cao tốc năm 2025, tỉnh Bình Dương cố gắng phấn đấu đẩy tiến độ hoàn thành đạt 80% XL1 và XL3, tập trung hoàn thành được đoạn tuyến từ Mỹ Phước - Tân Vạn đến QL13 và các cầu vượt giao lộ; cố gắng đến tháng 6/2026 thông toàn tuyến./..