Tăng cường quản lý, giảm thiểu rác thải nhựa

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, thời gian qua, do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 nên các phong trào hưởng ứng giảm lượng rác thải nhựa ngoài môi trường, tái chế rác thải nhựa, sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường bị chững lại; việc lạm dụng rác thải nhựa, đồ nhựa sử dụng một lần trở nên phổ biến và ngày càng nhiều hơn. Để kiểm soát chất thải nhựa, ngành Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh đã đưa ra nhiều giải pháp tăng cường quản lý và giảm thiểu chất thải nhựa trên địa bàn.

Suốt thời gian dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4 tại Thành phố Hồ Chí Minh cho đến nay, các hoạt động mua bán hàng hóa trực tuyến và giao nhận tận nhà dần trở thành xu thế. Nhu cầu sử dụng các loại túi nilon, hộp nhựa, bao bì nhựa… để đóng gói sản phẩm theo đó tăng đột biến, dẫn đến việc gia tăng lượng rác nhựa thải ra ngoài môi trường.

Ngay cả khi tình hình dịch bệnh đã qua giai đoạn căng thẳng thì nhiều người dân và các cơ sở kinh doanh tại Thành phố Hồ Chí Minh vẫn giữ thói quen sử dụng bao bì, vật dụng nhựa trong sản xuất, buôn bán. Tại nhiều hàng quán ăn uống, tiệm tạp hóa, siêu thị trên địa bàn Thành phố, đa phần người bán vẫn đựng thực phẩm, đồ uống trong các túi nilon, hộp xốp, chai lọ nhựa cho khách hàng. Ngay cả các chuỗi cửa hàng ăn uống có thương hiệu, từng sử dụng các loại bao bì thân thiện môi trường, nay cũng chuyển sang sử dụng các loại vật dụng nhựa dùng một lần để bán cho khách mang đi hoặc dùng tại chỗ.

TP Hồ Chí Minh tiến tới biến rác thải trở thành điện năng phục vụ sản xuất.
(Ảnh: Hoàng Tuyết)

 

Trước thực trạng này, từ tháng 10/2021, các hoạt động thu gom, tái chế rác thải nhựa đã được Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Môi trường đô thị Thành phố Hồ Chí Minh  (CITENCO) khởi động trở lại. Vừa qua, công ty đã hợp tác với tổ chức Liên minh tái chế bao bì Việt Nam để thu mua rác thải rắn từ các trạm trung chuyển, đơn vị thu gom rác dân lập, vựa phế liệu nhằm tái chế thành các sản phẩm hữu ích, giúp giảm lượng rác thải nhựa ra môi trường.

Một giải pháp khác nhằm giảm thiểu chất thải nhựa là tuyên truyền, vận động người dân phân loại, thu gom, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa tại nguồn. Theo đó, nhiều địa phương tại Thành phố Hồ Chí Minh đã bắt đầu đẩy mạnh tổ chức các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về tác dụng của việc phân loại rác. Qua đó, ý thức của người dân đã dần được cải thiện.

Tại quận Tân Phú, UBND quận đã triển khai phát tờ rơi hướng dẫn cách phân loại rác tại nguồn, tặng thùng rác hai ngăn để người dân phân loại rác tại gia đình; đồng thời tuyên truyền mục tiêu, ý nghĩa, lợi ích của việc phân loại rác tại nguồn nhằm nâng cao nhận thức, từng bước hình thành thói quen của người dân. Qua đó, việc phân loại rác đã từng bước đi vào cuộc sống, người dân đã nhận thức được giảm thiểu rác thải nhựa, phân loại rác tại nguồn là việc phải làm, phù hợp với xu thế phát triển và quy định của pháp luật. Sắp tới, quận Tân Phú sẽ tiếp tục duy trì, thực hiện mô hình phân loại rác và đổi rác thải có khả năng tái chế lấy quà tặng hoặc vật phẩm có giá trị tương đương (đường, dầu ăn, bột ngọt, xà bông…) tại hộ dân.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh, một trong những mục tiêu quan trọng là hạn chế tối đa và tiến tới không sử dụng bao bì nhựa khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần trong tất cả các hoạt động hàng ngày của các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp, đoàn thể, trường học, cơ sở y tế, người dân... trên địa bàn Thành phố.

Để thực hiện mục tiêu này, thời gian tới, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ rà soát, đánh giá hiện trạng các nguồn thải nhựa phát sinh trên địa bàn, từ đó đề xuất các giải pháp phù hợp, hiệu quả trong việc quản lý, giảm thiểu chất thải nhựa trên địa bàn. Thành phố cũng sẽ tiếp tục vận động, đôn đốc các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, chợ dân sinh… trên địa bàn phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu mà thành phố đưa ra.

Tăng tốc chuyển đổi công nghệ xử lý rác thải

Thành phố Hồ Chí Minh đang triển khai các giải phấn đấu đến năm 2025, ít nhất 80% rác thải sinh hoạt được xử lý bằng công nghệ mới hiện đại (đốt phát điện) và tái chế. Tuy nhiên, mục tiêu này của Thành phố đang gặp không ít thách thức khi lượng rác thải phát sinh ngày càng nhiều, trong khi đó lại thiếu nhân lực thu gom, xử lý… Thực tế này đòi hỏi các cấp lãnh đạo cần có những biện pháp tháo gỡ.

Thực tế cho thấy, để giải quyết các bất cập còn tồn tại trong hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải trên địa bàn, Thành phố cần nâng chất hoạt động của lực lượng thu gom rác dân lập, hoàn thiện năng lực của các đơn vị thu gom rác chính quy; chuyển đổi công nghệ từ chôn lấp sang đốt phát điện nhằm tránh lãng phí. Công nghệ đốt rác không chỉ hạn chế phát sinh mùi hôi, bảo đảm môi trường sống cho người dân mà còn tiết kiệm diện tích chôn lấp, không cần phân loại rác tại nguồn như hiện nay.

Về công tác thu gom rác, từ năm 2019, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã giao các quận, huyện, thành phố Thủ Đức tổ chức, sắp xếp lại lực lượng thu gom rác dân lập; chuyển đổi mô hình thu gom rác dân lập thành hợp tác xã hoặc doanh nghiệp có tư cách pháp lý, kết hợp thay mới trang thiết bị thu gom rác. Thống kê từ các quận, huyện cho thấy, thành phố Thủ Đức và 19/21 quận, huyện đã hoàn thành việc chuyển đổi lực lượng thu gom rác dân lập thành các hợp tác xã hoặc doanh nghiệp có tư cách pháp nhân; hai quận chưa hoàn thành việc chuyển đổi là quận Tân Phú (đạt 95%) và Quận 5 (39,7%).

Tuy nhiên, việc thay mới trang thiết bị cho lực lượng thu gom rác dân lập đang có nhiều bất cập; chủ yếu do việc bổ sung vốn cho Quỹ Bảo vệ môi trường còn chậm, chưa đủ kinh phí để ngành Môi trường thành phố thay mới toàn bộ thiết bị thu gom. Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, hiện Quỹ Bảo vệ môi trường đã thẩm định hồ sơ và giải ngân hỗ trợ các đơn vị chuyển đổi phương tiện với tổng số tiền 70 tỷ đồng. Số đề xuất hỗ trợ chuyển đổi còn lại đang đợi được bổ sung ngân sách. Thực tế với số lượng phương tiện cũ cần phải chuyển đổi lên đến hơn 2.000 phương tiện, công tác này sẽ cần lộ trình dài hơi và nguồn ngân sách hỗ trợ lớn từ Nhà nước.

Về hoạt động xử lý rác thải, trên địa bàn hiện nay có 4 dự án chuyển đổi công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt sang đốt phát điện đang được triển khai. Trong đó, Ủy ban nhân dân Thành phố đã ban hành quyết định chủ trương đầu tư đối với hai dự án chuyển đổi công nghệ của Công ty Cổ phần Vietstar (2.000 tấn/ngày) và Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Tâm Sinh Nghĩa (2.000 tấn/ngày). Hai đơn vị còn lại đang thực hiện các thủ tục pháp lý đầu tư dự án chuyển đổi công nghệ gồm: Công ty Cổ phần Môi trường Tasco Củ Chi (500 tấn/ngày) và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xử lý chất thải Việt Nam (3.000 tấn/ngày). Tổng công suất xử lý sau khi chuyển đổi công nghệ của cả 4 dự án là khoảng 7.500 tấn/ngày.

Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố còn phối hợp với Tổ công tác liên ngành (thành viên gồm đại diện các Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tư pháp, Sở Tài chính, Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Xây dựng) thẩm định dự án xử lý chất thải trên địa bàn; làm việc với nhiều nhà đầu tư có nhu cầu đầu tư dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt như: Công ty Cổ phần Kho vận Giao nhận Ngoại thương Mộc An Châu, Công ty Trách nhiệm hữu hạn EVGreen…

Ủy ban nhân dân Thành phố đã chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp cùng các sở, ngành liên quan xây dựng quy trình chung về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện các dự án theo phương thức đối tác công tư (PPP) để làm cơ sở triển khai thực hiện. Trước mắt sẽ triển khai thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án xử lý rác với tổng công suất 2.000 tấn/ngày.

Tìm giải pháp ngăn "rác lậu” đổ về Thành phố Hồ Chí Minh

Thành phố Hồ Chí Minh nằm trong khu kinh tế trọng điểm phía Nam, giáp với nhiều địa phương nên thường xảy ra tình trạng xe rác từ một số tỉnh lân cận sang địa bàn thành phố đổ “chui” vào các trạm trung chuyển rác hoặc nơi bãi đất trống, khu vắng người. Ngành Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh đang thực hiện nhiều giải pháp kiểm soát hoạt động thu gom, vận chuyển rác sinh hoạt, ngăn "rác lậu" đổ vào Thành phố, đặc biệt tại khu vực giáp ranh.

Nhiều phương tiện chở rác từ các địa phương khác đến đổ “chui”

tại điểm tập kết rác trên địa bàn TP.HCM khiến thành phố càng quá tải rác thải.

(Ảnh: Nguyễn Nam)

Hiện nay, Thành phố có 908 điểm hẹn tập kết rác chủ yếu ở quận nội thành và phân bổ rải rác tại các huyện ngoại thành. Địa bàn Thành phố còn có 27 trạm trung chuyển rác đang hoạt động. Rác thải sinh hoạt của các hộ dân, hộ kinh doanh sau khi thu gom tại địa phương sẽ vận chuyển đến điểm tập kết, trạm trung chuyển rác và được đơn vị vận chuyển đến khu liên hợp xử lý. Tuy nhiên, những năm gần đây, xuất hiện tình trạng một số phương tiện chở rác từ các địa phương khác đến đổ “chui” tại điểm tập kết rác trên địa bàn, khiến hệ thống xử lý rác của Thành phố vốn đang phải xử lý khối lượng chất thải rắn phát sinh khoảng 10.000 tấn/ngày càng thêm quá tải.

Theo Ban Quản lý các khu liên hợp xử lý chất thải Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2021, đơn vị ghi nhận bốn trường hợp xe vận chuyển rác từ các tỉnh Tây Ninh, Long An về địa bàn huyện Củ Chi. Đồng thời, đơn vị ngăn chặn trường hợp vận chuyển rác từ tỉnh Long An về Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xử lý chất thải Việt Nam. Từ đầu năm 2022 đến nay, Thành phố tiếp tục ghi nhận thêm một số trường hợp đổ rác sai quy định, chủ yếu tập trung tại khu vực ngoại thành. Sở Tài nguyên và Môi trường, Ban Quản lý các khu liên hợp xử lý chất thải Thành phố phối hợp với Cảnh sát Môi trường Thành phố đã làm việc, thông báo những trường hợp này đến Ủy ban nhân dân địa phương để xử lý theo thẩm quyền.

Tuy nhiên, Ban Quản lý các khu liên hợp xử lý chất thải Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, vẫn còn nhiều trường hợp đổ rác "lậu” không được phát hiện kịp thời do lực lượng kiểm tra, tuần tra chưa thể bao quát hết các khu vực suốt ngày đêm. Ngoài ra, hệ thống camera lắp đặt tại các trạm trung chuyển và hệ thống giám sát hành trình (GPS) lắp đặt trên phương tiện vận chuyển trên địa bàn một số quận, huyện đã hư hỏng, gây khó khăn cho việc giám sát tình trạng đổ rác "lậu”.

Nhằm quản lý hiệu quả hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải trên địa bàn, trọng điểm là kiểm soát hoạt động thu gom, vận chuyển rác thải từ tỉnh khác về Thành phố, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu, các đơn vị thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt đang hoạt động trên địa bàn trong mọi trường hợp không được tiếp nhận chất thải rắn sinh hoạt từ địa phương khác khi chưa có sự chấp thuận chủ trương của Ủy ban nhân dân Thành phố.

Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an Thành phố, Ban Quản lý các khu liên hợp xử lý chất thải Thành phố tăng cường kiểm tra định kỳ, đột xuất, trọng điểm tại địa bàn giáp ranh với tỉnh, thành phố khác như Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh… kịp thời phát hiện, xử lý hành vi vi phạm. Đặc biệt, các đơn vị xác định trách nhiệm người đứng đầu quận, huyện nếu để tái vi phạm nhiều lần việc tiếp nhận chất thải rắn sinh hoạt từ địa phương khác trên địa bàn quản lý.

Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu, từ năm 2025 trở đi, tất cả trạm trung chuyển, tập kết rác của Thành phố được xây dựng phải có khu vực tiếp nhận rác thải và khu vực đỗ xe rác thiết kế khép kín, sử dụng công nghệ ép rác kín… Trạm trung chuyển phải đảm bảo kết nối đồng bộ, tiếp nhận các loại xe thu gom tại nguồn. Ngoài ra, trạm phải có khả năng phục vụ, tiếp nhận các loại chất thải khác của hộ dân như rác cồng kềnh, rác xây dựng... Các trạm trung chuyển phải được trang bị cân, hệ thống camera, hệ thống phần mềm theo dõi khối lượng rác tiếp nhận; nâng cấp cơ sở hạ tầng cần thiết như máy tính, thiết bị lưu trữ, đường truyền dữ liệu... phục vụ công tác quản lý, giám sát rác thải sinh hoạt./.

Hoàng Nam (t/h)