Chính quyền luôn quan tâm tới người nghèo
Với nỗ lực không để sót bất cứ đối tượng nào bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, chính quyền các cấp TP. Hồ Chí Minh ngoài nhiệm vụ chống dịch còn luôn dành sự quan tâm giúp đỡ những người lao động mất việc, ngừng việc do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP. Hồ Chí Minh Lê Minh Tấn cho biết, TP có khoảng 32.527 hộ nghèo và cận nghèo với 127.000 nhân khẩu; 37.000 hộ người có công; 132.000 người hưởng chế độ bảo trợ xã hội và 101.000 lao động bị mất việc, ngừng việc do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Những người nghèo đủ điều kiện đều nhận được hỗ trợ kịp thời.
Ngoài ra, có khoảng 600.000 người lao động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, giáo viên trường mầm non tư thục bị ngừng việc, mất việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp (mức hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng, trong thời gian 3 tháng).
Hiểu được lẽ đó, TP cũng kịp thời có biện pháp hỗ trợ bằng nguồn kinh phí (khoảng 1.800 tỷ đồng) được trích từ một phần thu nhập tăng thêm trong năm 2020 của cán bộ, công chức, viên chức TP. Qua đây, minh chứng rõ tinh thần “nhường cơm sẻ áo”, "chia ngọt sẻ bùi" của TP nói chung, của những cán bộ, công chức, viên chức TP nói riêng đối với những người lao động có hoàn cảnh khó khăn.
Cùng với đó, hệ thống Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam TP phối hợp cùng chính quyền các cấp chăm lo cho 89.479 giáo viên mầm non và bảo mẫu diện khó khăn, trị giá trên 16 tỷ đồng; vận động 5.501 chủ nhà, chủ nhà trọ giảm giá cho thuê mặt bằng nhà trọ, với kinh phí miễn giảm trên 27 tỷ đồng.
Phát biểu tại hội nghị trực tuyến về chăm lo cho các diện khó khăn khác bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 tổ chức trung tuần tháng 4, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Tô Thị Bích Châu nhấn mạnh, các quận, huyện không được bỏ sót trường hợp nào, không để bất kỳ trường hợp người dân nào bị rơi vào cảnh cùng cực.
Bên cạnh đó, các cấp Công đoàn TP đã hỗ trợ hơn 5.000 đoàn viên, công nhân lao động bị mất việc do bị ảnh hưởng dịch COVID-19, trong đó chủ yếu là nữ đoàn viên công đoàn mang thai, nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi, giáo viên ở các trường mầm non, đoàn viên công đoàn bị giảm thu nhập, mắc bệnh nan y, bệnh hiểm nghèo... Liên đoàn Lao động các quận, huyện đã vận động và được hàng trăm chủ nhà trọ đồng ý giảm tiền thuê phòng trọ cho hàng ngàn công nhân lao động.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hồ Chí Minh Tô Thị Bích Châu thăm hỏi, động viên người bán vé số lưu động bị ảnh hưởng dịch CoVID -19 ở phường 1, quận Phú Nhuận. Ảnh: Chi Mai.
Dịch COVID-19 bùng phát khiến cho cuộc sống của những người nghèo thêm chật vật với gánh nặng mưu sinh. Những người bán vé số cũng không ngoại lệ. Trong thời kỳ dịch bệnh, họ càng không biết bám víu ai. Nhờ có sự chung tay của chính quyền, họ đã ấm lòng hơn trong mùa dịch.
Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong chia sẻ, phần lớn những người bán vé số đều có hoàn cảnh rất khó khăn. Họ từ các tỉnh khác đến TP để mưu sinh, kiếm sống qua ngày, có người phải nuôi gia đình từ nguồn thu nhập chính là bán vé số. TP. Hồ Chí Minh chấp hành nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, nhưng cũng không quên chăm lo đời sống cho những người nghèo bị ảnh hưởng.
Vì vậy, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP đã lập tức hỗ trợ gần 9 tỷ đồng cho 11.947 người bán vé số lưu động do tạm dừng phát hành xổ số kiến thiết; hỗ trợ thêm hơn 5 tỷ đồng cho 6.760 người bán vé số đang sinh sống trên địa bàn TP. Mức hỗ trợ khoảng 50.000 đồng/ngày/người tuy không nhiều nhưng cũng là nguồn động viên kịp thời cho họ vơi bớt đi một phần lo lắng trong mùa dịch.
Ngoài chăm lo cho người dân TP, TP còn chung tay giúp đỡ đồng bào gặp khó khăn do hạn hán, xâm nhập mặn tại 7 tỉnh miền tây bao gồm tỉnh Sóc Trăng, Cà Mau, Kiên Giang, Trà Vinh, Bạc Liêu, Bến Tre và Hậu Giang, mỗi tỉnh được hỗ trợ 1 tỷ đồng chống hạn.
Trong khó khăn, ngày càng xuất hiện nhiều hành động thiết thực và ý nghĩa, khiến mọi người càng thêm thấm thía cái đẹp của tình người nơi đây. Những câu chuyện cảm động càng đong đầy hơn thể hiện trách nhiệm của người dân TP với cộng đồng.
Lan tỏa những tấm lòng thơm thảo
Những ngày dịch bệnh COVID-19 xảy ra, trên địa bàn TP xuất hiện nhiều tấm lòng thơm thảo tặng lương thực, thực phẩm giúp đỡ người khó khăn vượt qua đại dịch. Cây ATM gạo, siêu thị 0 đồng … đều là những hành động đẹp như vậy.
Cây “ATM gạo” miễn phí hoạt động 24/24h ở địa chỉ số 204B Vườn Lài, quận Tân Phú do anh Hoàng Tuấn Anh - CEO Công ty PHGLock (quận Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh) chế tạo ra đã giúp gần 3.000 người nghèo nhận được gạo miễn phí. Và khoảng 4-5 tấn gạo được phát đi mỗi ngày là một con số vô cùng ấn tượng.
Cây “ATM gạo” còn nhân văn hơn khi dành ưu tiên khi phát gạo trực tiếp cho người già yếu, người khuyết tật và phụ nữ mang thai mà không cần phải xếp hàng. Ngoài ra, còn bố trí cả nước uống phục vụ cho người dân khi đến nhận gạo.
Điều đáng nói hơn khi ngày càng nhiều tấm lòng thảo thơm góp gạo giúp người nghèo, đồng hành cùng họ vượt qua khó khăn trước mắt. Người vài chục ký, người hơn tạ, cũng có người góp vài tạ... và cứ thế, kho gạo đầy ắp thêm tình người.
Chính vì vậy, với mục đích ban đầu hỗ trợ người lao động nghèo, khó khăn do dịch COVID-19, chỉ một thời gian ngắn sau khi “ATM gạo” đầu tiên ra đời, mô hình này đã được nhanh chóng lan tỏa khắp các quận huyện TP, như : huyện Bình Chánh, quận Bình Thạnh, quận 12, huyện Nhà Bè… Thậm chí còn vượt khỏi phạm vi TP, có mặt tại nhiều tỉnh, thành khác trên cả nước như: Hà Nội, Hà Nam, Thừa Thiên Huế, Bình Định, Khánh Hoà, Đà Nẵng, Đắk Lắk…
Ông Phan Văn Tài trào nước mắt vì cảm nhận tình người giữa lúc khó khăn. (Ảnh: Duyên Phan)
Cùng với đó, “Siêu thị hạnh phúc 0 đồng” mở cửa tại chùa Vĩnh Nghiêm, địa chỉ số 339 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3, TP. Hồ Chí Minh, để phục vụ hộ nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, người khuyết tật, người già neo đơn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 cũng là một địa chỉ nhân văn như vậy.
Đến đây, mỗi khách hàng được chọn 5 sản phẩm khác nhau với tổng giá trị cho mỗi lần là 100 ngàn đồng và 2 lần cho một tháng. Người nghèo đến mua hàng đều tự lựa chọn những nhu yếu phẩm mình cần mà không phải trả bất kì khoản phí nào. Nhiều người đã bật khóc không phải nhận được quà mà bởi vì cảm nhận được tình cảm giữa con người với con người những lúc khó khăn dịch bệnh.
Siêu thị do Công ty Apec Group và các đơn vị đồng hành phối hợp tổ chức, đã mở được 18 chuỗi trên cả nước. Mô hình đầy tính nhân văn này nhận được sự ủng hộ lớn từ cộng đồng và các nhà hảo tâm.
Ông Phạm Duy Hưng, đại diện Ban tổ chức "Siêu thị hạnh phúc 0 đồng" cho biết, hoạt động của siêu thị nhằm lan tỏa yêu thương, san sẻ, gắn kết cộng đồng với tinh thần lá lành đùm lá rách, cùng chăm lo, thực hiện an sinh xã hội cho người có hoàn cảnh khó khăn trong thời điểm dịch bệnh.
Người dân TP là thế! Luôn đồng hành cùng nhau “chia ngọt sẻ bùi” trong lúc đại dịch bằng nhiều hành động ý nghĩa, thiết thực khác nhau. Nhưng tựu chung lại đều cùng chung một mục đích giúp đỡ người nghèo vượt qua khó khăn. Vì thế có thể khẳng định, tấm lòng của người dân TP mang tên Bác luôn bao dung, thân thiện và nghĩa tình./.