Trao đổi về nội dung trên, Tiến sĩ Vũ Trung Kiên, Phó Trưởng Khoa Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị Khu vực 2 cho rằng, nói về tinh thần sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm có lẽ người đầu tiên mà chúng ta chắc chắn phải nhắc tới đó là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ở Người hội tụ những tư duy và hành động đặc biệt sáng tạo và đổi mới. Chẳng hạn, các sĩ phu tìm đường cứu nước sang phương Đông thì Hồ Chí Minh đi phương Tây, đổi mới trong phương pháp cách mạng khi xác định đúng đắn cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam- là sản phẩm của sự kết hợp chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước. Hay như bản Di chúc từ khi Người viết đến khi công bố đã được Người sửa đổi nhiều lần…
Người cán bộ “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm” chính là người có quyết tâm, có tầm nhìn, có suy nghĩ táo bạo, dám đưa ra quyết định đột phá, sáng tạo, hiệu quả.
Nghiên cứu, tìm hiểu về phong cách làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta thấy, ở Người là sự vận dụng nhuần nhuyễn giữa lý luận và thực tiễn, nói đi đôi với làm. Trong Thư gửi đồng bào và cán bộ xã Nam Liên (nay là xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An), ngày 13/2/1962 sau khi Người nhận được thư chúc tết của đồng bào xã Nam Liên, Người đã nhấn mạnh: “Tư tưởng bảo thủ là như những sợi dây cột chân cột tay người ta, phải vất nó đi. Muốn tiến bộ thì phải có tinh thần mạnh dạn, dám nghĩ dám làm”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cổ vũ tinh thần đổi mới, mạnh dạn, dám nghĩ dám làm trong phát triển sản xuất và xây dựng hợp tác xã. Hơn nữa, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu mọi người, nhất là cán bộ, đảng viên phải nêu gương cho quần chúng trong việc chủ động, kiên quyết khắc phục tư tưởng bảo thủ, trì trệ, đường mòn lối cũ, chậm đổi mới.
Tiến sĩ Vũ Trung Kiên cũng đưa ra quan điểm, muốn có đội ngũ cán bộ có tinh thần sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm thì bản thân những người lãnh đạo tối cao phải thể hiện bản lĩnh. “Có Hồ Chí Minh nên mới có Võ Nguyên Giáp và đó chính là câu chuyện về kéo pháo vào rồi quyết định kéo pháo ra trong trận Điện Biên Phủ làm nên chiến thắng vĩ đại của dân tộc. Sau này, chúng ta cũng có rất nhiều những tấm gương của các nhà lãnh đạo tiêu biểu cho bản lĩnh này”, Tiến sĩ Kiên minh chứng.
Thực tiễn đã chỉ rõ, trước những khó khăn, thách thức, người cán bộ “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm” chính là người có quyết tâm, có tầm nhìn, có suy nghĩ táo bạo, dám đưa ra quyết định đột phá, để không chỉ hoàn thành nhiệm vụ được giao mà hơn thế còn mang lại lợi ích to lớn cho dân tộc, cho Nhân dân ta. Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Kim Ngọc là một trong những người cán bộ lãnh đạo như thế. Ông là người tiên phong đổi mới, sáng tạo trong nông nghiệp ở Việt Nam khi thực hiện giao khoán ruộng đất cho từng hộ nông dân những năm 1966-1968. Đây là quyết định táo bạo và vượt ra phạm vi, khuôn khổ của tư duy, quan điểm, đường lối của Đảng lúc bấy giờ. Và cũng chính thực tiễn đã là đáp án để chứng minh quyết định ấy là đúng đắn, có đột phá và mang lại hiệu quả thiết thực to lớn, khơi dậy sức lao động của người nông dân. Tấm gương đổi mới, sáng tạo trong phát triển nông nghiệp của Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị, để lại những kinh nghiệm, bài học quý có thể kế thừa, phát huy trong sự nghiệp đổi mới, đặc biệt là trong lĩnh vực phát triển kinh tế nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Đó là tấm gương dám dấn thân vì cái chung, xuất phát từ trách nhiệm của người cán bộ lãnh đạo trước cuộc sống của người dân. Nó thể hiện rõ tư duy của người lãnh đạo năng động, sáng tạo, luôn trăn trở và không ngừng tìm tòi hướng đi mới hiệu quả hơn.
Ngoài Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc, sau này, chúng ta cũng có nhiều tấm gương những người cán bộ lãnh đạo bản lĩnh, sáng tạo, quyết đoán trong từng quyết sách và để lại dấu ấn tiêu biểu như: Tổng Bí thư Trường Chinh với đổi mới tư duy kinh tế, khởi xướng công cuộc đổi mới đất nước; Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Chính (Chín Cần) tại Long An với quyết định đổi mới tư duy, thực hiện “cơ chế một giá theo thị trường”, xóa bỏ tem phiếu; Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh với chủ trương động viên, khuyến khích mọi người lao động, mọi năng lực sản xuất, mọi thành phần kinh tế sản xuất bung ra, cải tiến lưu thông, phân phối để thúc đẩy sản xuất phát triển, với “những việc cần làm ngay”,v.v.. Đặc biệt, chúng ta sẽ không thể không nhắc tới những quyết định “xé rào, bung ra” của Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Võ Văn Kiệt và sau này trên cương vị Thủ tướng, đồng chí Võ Văn Kiệt đã có những quyết định táo bạo trong đó có việc làm đường dây 500KV…; hay như của Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Mai Chí Thọ và các lão thành cách mạng đã mạnh dạn cho phép nhà máy, xí nghiệp thử nghiệm "Kế hoạch 3 phần"; của bà Nguyễn Thị Ráo (bà Ba Thi) phá rào thu mua gạo, bán gạo một giá đầu tiên trong cả nước, góp phần quyết định lo đủ gạo ăn cho 4 triệu dân của TP Hồ Chí Minh từ cuối thập niên 1970 đến thập niên 1980…
Thủ tướng Võ Văn Kiệt kiểm tra tiến độ thi công Đường dây 500kV Bắc - Nam - (Ảnh tư liệu TTXVN)
Soi chiếu vào giai đoạn hiện nay, khi đất nước đang đối mặt với vô vàn những thách thức từ cả tình hình trong nước lẫn những tác động bởi tình hình thế giới, thì hơn bao giờ hết chúng ta rất cần những quyết định đột phá, cần tinh thần sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của cán bộ nhất là những người đứng đầu.
Riêng đối với TP Hồ Chí Minh - một thành phố vẫn luôn được biết tới là đầu tàu kinh tế của cả nước với sự năng động, sáng tạo có những lớp nhà lãnh đạo dám nghĩ, dám làm; là nơi khởi phát của nhiều phong trào đổi mới, thực hiện nhiều mô hình thí điểm mang tính tiên phong của cả nước, khẳng định tính hiệu quả trên nhiều lĩnh vực của đời sống. Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay, nhiều người cho rằng, tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm trong một bộ phận cán bộ Thành phố hình như đang “có cái gì níu kéo lại”. Với kết quả tăng trưởng kinh tế trong thời gian gần đây có dấu hiệu chững lại, không đạt như sự kỳ vọng thì thiết nghĩ tinh thần dám nghĩ, dám làm ấy đang rất cần được bừng dậy trong mỗi cán bộ của Thành phố.
“Nhưng chúng ta cần phải làm sao để có được đội ngũ cán bộ dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung chứ không phải chỉ biết tư lợi cá nhân?”, đồng chí Phạm Chánh Trực, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh đặt vấn đề. Đồng chí cho rằng, quan trọng nhất là thủ trưởng từng sở, ngành, nếu họ dám chịu trách nhiệm thì anh em bên dưới mới làm, còn không ai bảo vệ thì họ cũng đùn đẩy.
Cùng quan điểm trên, Tiến sĩ Vũ Trung Kiên nhấn mạnh, Thành phố không thiếu những vụ việc mà cán bộ, đảng viên, người dân bức xúc cần phải giải quyết. Vì vậy, rất cần Thành phố có những quyết định dám làm và làm thật thành công để rồi công bố kết quả ấy cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân được biết. “Chỉ có sự vào cuộc bắt đầu từ cơ quan lãnh đạo cao nhất, từ những nhà lãnh đạo cao nhất của Thành phố, đột phá vào những việc khó khăn, nan giải, bức xúc của đảng viên, người dân Thành phố với những vụ viêc cụ thể, kết quả cụ thể mới có thể là liều thuốc kích thích tinh thần này nơi đội ngũ cán bộ, đảng viên. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định rằng để hướng dẫn Nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”, Tiến sĩ Vũ Trung Kiên nói.
Từ những kinh nghiệm “khoán chui” ở Vĩnh Phúc mà đã ra đời “khoán 10”, từ quyết định bỏ tem phiếu ở Long An đưa đến việc bỏ tem phiếu trên cả nước. Những minh chứng thực tiễn ấy là bài học quý cho chúng ta hôm nay trên con đường xây dựng và phát triển đất nước. Tiến sĩ Vũ Trung Kiên cho rằng, cùng với các cơ chế chính sách bảo vệ, tạo điều kiện cho những người cán bộ tâm huyết có thể cống hiến hết mình cho công việc, cho sự phát triển của đất nước thì chính những tấm gương của những nhà lãnh đạo nêu trên sẽ là nguồn cảm hứng, khích lệ để đội ngũ cán bộ, đảng viên yên tâm, sáng tạo và thêm dũng khí để họ tiếp tục hành động.
“Thực tiễn từ khi đất nước tiến hành công cuộc Đổi mới tới nay, nếu chúng ta không đổi mới tư duy, không có những con người dám nghĩ, dám làm thì có lẽ đất nước không có được cơ đồ, vị thế như ngày nay. Bởi chính từ những đòi hỏi bức thiết của cuộc sống, từ kết quả của các địa phương khi đổi mới, sáng tạo thành công đã giúp Đảng nhìn nhận lại các quyết sách của mình và quyết định đổi mới đất nước cũng như điều chỉnh các chủ trương, đường lối cho phù hợp với tình hình, đáp ứng nguyện vọng và lợi ích chính đáng của người dân”. (Tiến sĩ Vũ Trung Kiên, Phó Trưởng Khoa Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị Khu vực 2) |