Vai trò của Công đoàn các Khu chế xuất và công nghiệp thành phố trong thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở
Trao tặng tập thể xuất sắc.
Thời gian qua, Công đoàn các khu đã ký kết phối hợp với Liên đoàn Lao động Thành phố Thủ Đức, Quận 7, Quận 12, Quận Bình Tân, Tân Phú, Nhà Bè, Củ Chi, Bình Chánh (nơi có KCN trên địa bàn) hỗ trợ kịp thời giải quyết tình hình an ninh trật tự trên địa bàn, giải quyết nhanh các vụ tranh chấp lao động thắc mắc khiếu nại tập thể….
Công đoàn các khu đã ký kết quy chế phối hợp với Ban Quản lý với 3 nội dung cơ bản: triển khai công văn đến các doanh nghiệp thực hiện quy chế dân chủ hàng năm; phối hợp giải quyết khi có cuộc ngừng việc tự phát xảy ra; nắm bắt tình hình và chăm lo công nhân và người lao động.
Với việc ký kết qui chế phối hợp với Ban quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp TP và Thành phố Thủ Đức, các Quận, huyện nên khi sự việc xảy ra đều xử lý thông tin nhanh qua điện thoại hoặc gặp gỡ trực tiếp để các bên có mặt tại nơi xảy ra sự việc, thống nhất nội dung, cách làm, định hướng để giữ an ninh trật tự, thuyết phục công nhân, trao đổi chủ doanh nghiệp để thống nhất giải pháp đáp ứng hài hòa quyền lợi 2 bên nên khi các sự việc xảy ra đã được giải quyết ổn thỏa ngay trong ngày hoặc vài ngày để không lây lan các công ty xung quanh trong Khu.
Ngoài ra, việc hình thành 5 văn phòng đại diện Công đoàn tại các Khu đã kịp thời giải quyết các khiếu nại, giải đáp các thắc mắc của công nhân ngay tại nơi làm việc. Đồng thời phối hợp tổ công tác địa phương thăm dò tình hình tư tưởng công nhân tại các khu nhà trọ nhằm ngăn ngừa các vụ ngừng việc tập thể có thể xảy ra tại các công ty. Ngoài ra, cũng đã chỉ đạo cán bộ chuyên trách công đoàn tăng cường nắm bắt tình hình các doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, giải thể, phá sản tình hình quan hệ lao động tại các doanh nghiệp kịp thời phối hợp các ban ngành có liên quan giải quyết và có báo cáo Ban Thường vụ khi có phát sinh tình huống phức tạp.
Hoạt động tư vấn pháp luật cho người lao động tiếp tục được duy trì và phát huy hiệu quả thông qua việc tư vấn trực tiếp và tư vấn qua điện thoại cho 2.200 công nhân viên chức và người lao động; phối hợp cùng bộ phận Chính sách pháp luật tổ chức lồng ghép chương trình ngày hội công nhân lao động, các buổi nói chuyện chuyên đề đã tư vấn cho khoảng 74.000 lượt công nhân lao động về Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn, Luật Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm thất nghiệp… và các chính sách liên quan nhằm giúp người lao động hiểu biết và tự bảo vệ mình trong quan hệ lao động; Duy trì 06 Tổ tư vấn pháp luật tại các Văn phòng đại diện công đoàn đã tư vấn cho công nhân lao động có thắc mắc về chế độ, chính sách liên quan đến lao động và các vấn đề mà người lao động quan tâm: tiền lương, tiền thưởng, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm tai nạn…, chế độ lương thưởng trong dịp Tết Nguyên Đán, phép năm, thủ tục chấm dứt Hợp đồng lao động…
Trung bình mỗi năm giám sát hơn 50 doanh nghiệp về việc xây dựng thang lương, bảng lương, công tác quy chế dân chủ cơ sở, các nội dung liên quan đến pháp luật lao động của các doanh nghiệp trong các khu chế xuất, khu công nghiệp Thành phố.
Công đoàn các Khu chế xuất và công nghiệp Thành phố đã triển khai thực hiện Chương trình số 04/CTr-LĐLĐ ngày 02/4/2019 của Liên đoàn Lao động Thành phố về việc nâng cao hiệu quả việc thực hiện các nhiệm vụ đại diện cho người lao động, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, giai đoạn 2018 – 2023.
Về việc thực hiện Chỉ thị số 22-CT/TW của Ban Bí thư khóa X về tăng cường công tác lãnh đạo trong việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp thì trong 5 năm qua tỷ lệ các vụ ngừng việc có giảm. Trung bình mỗi năm có khoảng dưới 8 vụ ngừng việc tập thể (giảm hơn 50% so với nhiệm kỳ trước). Tuy vậy vẫn còn tình trạng các doanh nghiệp nợ lương bỏ trốn, nợ bảo hiểm xã hội, vi phạm phát luật lao động đưa đến việc công nhân ngừng việc tập thể tự phát. Trong nhiệm kỳ qua chưa có vụ ngừng việc tập thể tổ chức trình tự theo quy định Bộ luật Lao động.
Giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện dân chủ ở cơ sở tại các doanh nghiệp
Đoàn Thanh niên Ban quản lý các Khu Chế xuất và Công nghiệp TP Hồ Chí Minh với chương trình văn hóa giao thông.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc thực hiện dân chủ ở cơ sở trong thời gian qua vẫn còn một vài hạn chế: Doanh nghiệp chưa quan tâm nhiều đến việc thực hiện quy chế dân chủ tại nơi làm việc. Việc tổ chức hội nghị người lao động tại một số DN vẫn còn mang nặng tính hình; vai trò của Ban chấp hành công đoàn cơ sở tại một số doanh nghiệp chưa thực sự rõ nét trong việc chủ động phối hợp với người sử dụng lao động thực hiện quy chế dân chủ; trong các cuộc hội nghị, một bộ phận người lao động chỉ quan tâm đến những vấn đề về chế độ, quyền lợi ít tham gia đóng góp các giải pháp nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Một số doanh nghiệp khi tổ chức đối thoại định kỳ, đối thoại vụ việc cử thành phần, số lượng tham gia đối thoại chưa đúng theo quy định tại Điều 38, Nghị định 145/2020/NĐ-CP; Ban chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ từ đảng bộ đến cơ sở chủ yếu là kiêm nhiệm nên việc theo dõi, chỉ đạo đôn đốc kiểm tra, chưa được thường xuyên; Cán bộ Công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp đa số là kiêm nhiệm nên chưa mạnh dạn, chủ động đề xuất doanh nghiệp tổ chức đối thoại; giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở và báo cáo những trường hợp doanh nghiệp không tạo điều kiện thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại đơn vị đến công đoàn cấp trên,cơ quan quản lý nhà nước.
Để nâng cao hiệu quả thực hiện dân chủ ở cơ sở tại các doanh nghiệp thông qua việc phát huy vai trò của tổ chức Công đoàn, nhất là kịp thời nắm, phản ánh tình hình người lao động, thương lượng xây dựng thỏa ước lao động tập thể, tổ chức hội nghị người lao động, hội nghị đối thoại, góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong các doanh nghiệp, Đảng ủy Ban Quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp Thành phố cần củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Chỉ đạo quy chế dân chủ cấp đảng ủy và các cơ quan, đơn vị; doanh nghiệp.
Ngoài ra, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo; thực hiện kiểm tra việc tổ chức triển khai thực hiện ở cơ sở trong việc thực hiện một cách thường xuyên và đầy đủ những nội dung Nghị định 145/2020/NĐ-CP của Chính phủ về thực hiện quy chế dân chủ cơ sở tại nơi làm việc.
Cùng với đó, phát huy vai trò của tổ chức công đoàn, đặc biệt là Ban chấp hành công đoàn cơ sở trong việc phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở tại doanh nghiệp, nâng cao chất lượng, hiệu quả hội nghị người lao động hàng năm tại các doanh nghiệp. Công đoàn phải thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức hoạt động và chăm lo tốt hơn cho người lao động để người lao động tiếp tham gia tổ chức mình.
Bên cạnh đó, tổ chức tập huấn quán triệt Chỉ thị của Đảng, các Nghị định của Chính phủ về thực hiện quy chế dân chủ cơ sở cho thành viên Ban Chỉ đạo các Khu chế xuất, khu công nghiệp thành phố, đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp.
Mặt khác, nâng cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong công tác tiếp công dân, đối thoại với công nhân lao động, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân và tổ chức; khi có vụ việc phức tạp phải tổ chức đối thoại trực tiếp để giải quyết những kiến nghị của công nhân lao động theo đúng quy định pháp luật, không để kéo dài, đùn đẩy trách nhiệm.
Cuối cùng, tập trung triển khai thực hiện chương trình cải cách hành chính, chú trọng cải cách thủ tục hành chính, đảm bảo thuận lợi nhất cho người lao động và doanh nghiệp; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có đủ phẩm chất chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tinh thần trách nhiệm, tận tụy phục vụ nhân dân. Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, làm tốt công tác thanh tra nhân dân và hòa giải ở cơ sở; chủ động nắm tình hình, giải quyết có hiệu quả những công việc liên quan đến đời sống công nhân lao động./.