TP.HCM hôm nay

TP. Hồ Chí Minh hôm nay.

Cuộc kháng chiến trường kỳ 30 năm giành lại độc lập dân tộc, thống nhất non sông được Sài Gòn – Gia Định mở đầu oanh liệt với “Mùa thu rồi ngày hai ba” và kết thúc vẻ vang với chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Thành phố được cả nước chấm công xứng đáng mang huân danh “TP Hồ Chí Minh” – Hồ Chí Minh anh hùng của một dân tộc anh hùng, đỉnh cao văn hóa của một nước văn hiến, được hiến định bởi Nghị quyết của Quốc hội nước Việt Nam thống nhất (khóa VI) ngày 02/07/1976.

Năng động, sáng tạo”, “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm”  

10 năm đầu mang huân danh “TP Hồ Chí Minh” (1976 – 1986) là 10 năm khó khăn nhất, đồng thời ghi đậm dấu ấn về bản lĩnh, trách nhiệm, nhiệt thành của Đảng bộ và nhân dân Thành phố, là thời đoạn lịch sử để lại những bài học quý giá cho sự nghiệp xây dựng, phát triển Thành phố. Trong bối cảnh của một thành phố thời hậu chiến, bị các thế lực phản động gây hấn, bị bao vây cấm vận, liên tiếp chịu ảnh hưởng của thiên tai ở Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là bị tác động mạnh của cơ chế quản lý quan liêu bao cấp, những cuộc cải tạo nền kinh tế cũ đã tác động xấu đến sản xuất kinh doanh; giá cả tăng phi mã (1978 so với 1977 tăng 15,3%); 1981 so với 1980 tăng 41%). Theo đó, đời sống nhân dân sa sút thê thảm. Lần đầu tiên trong lịch sử, người dân Thành phố phải ăn độn, từ khoai sắn đến bo bo, có lúc độn đến 90%. Thành phố phải chạy ăn từng bữa cho 3,5 triệu dân. Đỉnh điểm của sự khủng hoảng là 1979 – 1980, kéo theo hệ lụy của sự khủng hoảng kinh tế là khủng hoảng lòng tin trong dân chúng. Công nhân bỏ nhà máy, xí nghiệp; công chức rời công sở; giáo viên bỏ trường học …, nhiều người dân ngậm ngùi rời thành phố, tạo nên làn sóng “thuyền nhân” vượt biên di tản … khó khăn chồng chất, có lúc tưởng chừng như không vượt qua được.

Những vị lãnh đạo cao nhất thuộc “đời đầu” của TP Hồ Chí Minh vốn đã được trui rèn trong bao thử thách khốc liệt, được nhân dân đùm bọc đã thẩm thấu lời dạy của Bác Hồ: “độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét, thì tự do, độc lập cũng không làm gì…”[1], “Dân dĩ thực vi Thiên”[2], “Dân đói là Đảng và Chính phủ có lỗi”, đã mạnh dạn tìm mọi giải pháp để lo cho dân, lo cho sản xuất, kinh doanh, vực Thành phố ra khỏi cơn khủng hoảng, vừa chạy gạo từng bữa cho hơn 3 triệu dân, vừa thành lập Tổ thu mua lương thực, lặn lội xuống tận Đồng bằng sông Cửu Long, chịu sự hạch sách, dọa nạt, thậm chí bắt bớ, giam cầm để thu mua lương thực, tạo nên “hạt gạo Cô Ba Thi” nuôi sống Thành phố. Tiến hành khảo sát thực tế các cơ sở sản xuất kinh doanh, hiệu triệu giai cấp công nhân, nhân dân lao động, viên chức nhà nước phải “tự cứu lấy mình” với tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm nhằm thoát ra khỏi sự trói buộc của cơ chế quản lý quan liêu bao cấp, duy ý chí, tìm ra những biện pháp xác đáng giải quyết những vấn đề trọng yếu và bức xúc của Thành phố. Một phong trào hành động cách mạng của quần chúng được khơi dậy và ngày càng dâng cao, có người ví như phong trào Đồng Khởi thời kháng chiến.

Thành ủy TP Hồ Chí Minh (khóa I) đã có 2 Nghị quyết quan trọng là Nghị quyết lần thứ 9 (1979) và Nghị quyết lần thứ 10 (1980) đề ra những hướng đột phá theo tinh thần chủ động sáng tạo từ cơ sở. Đồng thời, Thành phố đề ra “tìm nguồn nguyên liệu cho sản xuất”, lập Công ty xuất nhập khẩu trực tiếp (Direximco) và xuất – nhập khẩu Chợ Lớn (Cholimex) huy động vốn mua hàng xuất khẩu lấy ngoại tệ nhập nguyên liệu, vật tư cho sản xuất. Đồng thời, tổ chức một đợt khui các kho dự trữ từ trước đưa vật tư tồn đọng trang trải các xí nghiệp. Nhờ đó, Thành phố đã có nhiều gương sáng điển hình làm ăn theo “cơ chế Thành phố” như Công ty Bột giặt miền Nam, Dệt Thành Công, Công ty Lương thực Thành phố, Xí nghiệp Thuốc lá Thành phố, Bia Sài Gòn, Dệt Phong Phú, Phước Long, Caric, Sinco. Hàng vạn lao động tiên tiến, chiến sỹ thi đua, tổ đội Lao động xã hội chủ nghĩa xuất hiện được Hội đồng Nhà nước tặng huân chương, Hội đồng Bộ trưởng cấp Bằng khen… Cũng trong thời gian này, xuất hiện những “biệt danh lịch sử” như “Bí thư gạo”, “Chủ tịch phá rào”, “Công ty buôn lậu”, “Các chiến sỹ làm lén”. Nhân dân phấn khởi, sản xuất kinh doanh khởi sắc và phát triển, song Thành phố phải gánh chịu bao cuộc thanh kiểm tra, phê phán, thậm chí quy chụp vì Thành phố làm khác với cái đang thịnh hành được coi là “khuôn phép” chung. Thực tiễn là người Thầy kiểm nghiệm khắt khe nhất, chính xác nhất; cách làm theo cơ chế của thành phố lúc đầu cho là “phá rào”, “xé rào”, sau này được nghi nhận là “bước đột phá đầu tiên” của quá trình Đổi mới, là “năng động, sáng tạo”, “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm” như là thuộc tính, đặc trưng mang tính đặc thù, là thương hiệu của Thành phố mang tên Bác Hồ vĩ đại.

Vững bước xây dựng Thành phố ngày càng “to đẹp hơn”

35 năm cùng cả nước thực hiện công cuộc Đổi mới, thành phố đã có sự tăng tốc mạnh mẽ, vững bước xây dựng Thành phố ngày càng “to đẹp hơn” theo hướng văn minh, hiện đại. “TP Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt, một trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục, đào tạo, khoa học công nghệ …, là đầu tàu, động lực có sức thu hút và lan tỏa…”[3]. Bước vào Đổi mới GDP Thành phố chỉ chiếm 13-14% của cả nước, qua 35 năm đã chiếm 21,5%, có năm đạt cao hơn. Mức tăng trưởng bình quân hàng năm từ 2010 trở về trước thường gấp 1,5 lần mức tăng bình quân của cả nước. Tổng thu ngân sách gần 1/3 của cả nước, mức sống bình quân GDP/đầu người thường gấp 3 lần mức bình quân của cả nước. Thành phố đã xây dựng những trung tâm sản xuất, kinh doanh hiện đại và có hiệu quả cao vào bậc nhất cả nước như Khu Chế xuất Tân Thuận, Khu Công nghệ cao, Công viên phần mềm Quang Trung … 

Diện mạo đô thị sau 45 năm Thành phố mang tên Bác ngày càng văn minh, hiện đại. Vượt qua 20 năm đầu (1976 – 1995) với những bước thăng trầm chất chồng khó khăn, Thành phố bước vào một thời kỳ phát triển một số lĩnh vực (1996 – 2005) rồi sang giai đoạn phát triển nhanh, hiện đại hóa (từ 2006 đến nay), làm thay đổi diện mạo thành phố theo hướng ngày càng “to đẹp hơn”, hiện đại văn minh hơn. Hình hài một  TP Hồ Chí Minh hiện đại gồm khu vực trung tâm hiện hữu cùng với Thành phố Thủ Đức và các khu đô thị Bắc, Tây, Nam gắn với chuỗi đô thị của vùng đô thị  TP Hồ Chí Minh, Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam… Với kết cấu hạ tầng đa chiều, xuyên tâm đang được hình thành. Có người tỏ bày với tôi, đầu óc họ nghĩ ra lắm thứ hay, nhưng chưa bao giờ nghĩ ra được ở vùng đầm lầy, sông rạch chi chít ở Nam Thành phố lại có thể xây lên được một Khu đô thị khang trang hiện đại mang dáng dấp đô thị ngoại quốc. Đúng vậy, Khu Đô thị Nam Sài Gòn có diện tích 3.000 ha với điểm nhấn là đô thị Phú Mỹ Hưng là khu đô thị mới kiểu mẫu của TP Hồ Chí Minh và trên phạm vi toàn quốc, thu hút mọi người gần xa …

Góc đô thị TP Hồ Chí Minh. (Ảnh: Long Hồ) 

Giữ vững vai trò đầu tàu – Trọng trách và danh dự lớn

Sài Gòn cùng Nam Bộ được Bác Hồ tặng danh hiệu Thành đồng Tổ quốc, 45 năm Thành phố mang tên Người – được Đảng và Nhà nước phong tặng Thành phố Anh hùng. Vinh dự, vai trò, vị trí càng cao, trách nhiệm càng lớn. Cách đây chưa lâu, trong buổi làm việc của Bộ Chính trị duyệt Văn kiện Đại hội XI của Thành phố (nhiệm kỳ 2020 – 2025), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: TP Hồ Chí Minh cần phát triển xứng đáng với niềm vinh dự là địa phương duy nhất của cả nước được mang tên Người. Đảng bộ Thành phố phải làm sao để tên gọi trở thành động lực phát triển của Thành phố, trở thành thuộc tính văn hóa của Thành phố. Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh phải thấm vào từng người dân, trở thành một đặc thù của công dân TP Hồ Chí Minh. Thực hiện sự chỉ đạo đó, Đảng bộ và nhân dân Thành phố mang tên Bác cần phải nỗ lực phát huy những thành tựu to lớn, toàn diện đã đạt được trong 45 năm qua, đồng thời kiên quyết khắc phục những hạn chế, yếu kém, vượt qua những thách thức gay gắt, tháo gỡ những tắc nghẽn, chặn đứng những sat sút trong phát triển Thành phố hiện nay.

Trước hết phải giữ vững vị trí đầu tàu, động lực phát triển kinh tế của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và của cả nước. Kinh tế Thành phố đang phát triển chậm lại, vị trí đầu tàu đang bị tổn thương. 25 năm đầu đổi mới (1991 – 2010), kinh tế Thành phố luôn có sự tăng trưởng gấp 1,5 lần mức tăng trưởng bình quân của cả nước. Nhưng 10 năm nay (2011 – 2020), mức tăng càng ngày càng giảm dần (năm 2011 – 2015, mức tăng trưởng kinh tế Thành phố chỉ hơn 1,22 lần mức tăng trưởng bình quân cả nước. Thời kỳ 2016 – 2020, chỉ còn 1,07 lần, trong đó năm 2017 là 1,16 lần; 2019 là 1,12 lần và năm 2020 chỉ đạt 0,48 lần). Cơ cấu một số chỉ tiêu TP Hồ Chí Minh năm 2020 so với năm 2010 so với cả nước đều giảm (GRDP giảm gần 2%; Thu ngân sách 2,5%; Công nghiệp, dịch vụ đều giảm hơn 4% và xuất nhập khẩu giảm 10%). Đồng thời còn gặp nhiều thách thức khác như các tuyến đường vành đai chậm triển khai; quỹ đất hạn chế lại khai thác chưa thật hiệu quả; y tế, giáo dục đào tạo luôn trong tình trạng quá tải; già hóa dân số, chất lượng nguồn nhân lực có nhiều thách thức …

Muốn giải quyết những thách thức đó để giữ vững vai trò đầu tàu tăng trưởng kinh tế phải có bài toán tổng thể mang tính chiến lược gồm nhiều thành tố, trong đó cốt lõi nhất, trọng yếu nhất được nhìn thấy từ thực tiễn động thái của Thành phố có thể là: về cơ chế, thể chế phát triển; vấn đề kết cấu hạ tầng và vấn đề phát triển nguồn nhân lực, chất lượng cao, liên quan đến các đột phá trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của nước ta 2021 – 2030. Ai ai cũng nhận biết Thành phố là “đô thị đặc biệt”, “siêu đô thị”, “đầu tàu tăng trưởng kinh tế”, song cơ chế, thể chế cho sự phát triển Thành phố chưa tương xứng, chưa phù hợp. Vừa qua đã có một số cơ chế đặc thù tạo điều kiện, để Thành phố phát triển nhưng nhìn tổng thể “chiếc áo Thành phố mặc chỉ mới được nới ra chút đỉnh, vẫn chật”, cơ chế mới cho Thành phố chưa bao quát, bao trùm, chưa thật căn cốt để tạo nên môi trường, động lực mới cho phát triển Thành phố. Bản thân cơ cấu kinh tế Thành phố cũng chậm được chuyển dịch, vẫn chỉ “đổi mới” cái đã có từ thập niên đầu thế kỷ XXI, chưa thật căn cơ, chưa được “đổi mới toàn diện”, chưa phù hợp với thời kỳ công nghiệp 4.0, kinh tế số. Vấn đề kết cấu hạ tầng được chỉ ra từ lâu là vốn đã yếu kém, ngày càng quá tải, bất cập, cản trở việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế và cải thiện đời sống nhân dân, song rất chậm được khắc phục. Từ cơ chế, thể chế phát triển đến vấn đề kết cấu hạ tầng của Thành phố hoàn toàn không phải là vấn đề Thành phố mà là vấn đề quốc gia. Giải quyết vấn đề này không phải chỉ vì Thành phố mà vì phát triển đất nước, tạo ra “cơ chế” phù hợp, “con đường” thông thoáng để “đầu tàu” có đủ lực kéo đoàn tàu quốc gia mạnh hơn, nhanh hơn.

Gần đây, nhiều người quan tâm về việc hình thành không gian văn hóa Hồ Chí Minh, nhưng xem ra cho đến nay còn rất nhiều ý kiến khác nhau. Nên cần tiếp tục tổ chức bàn thảo thật kỹ lưỡng, tìm ra “khung lý thuyết”, “mô hình phát triển”, các thành tố hợp thành và tiến trình xây dựng để làm sao văn hóa Hồ Chí Minh là nền tảng tinh thần, là động lực phát triển thành phố, là căn tính văn hóa đặc thù của người dân Thành phố mang tên Bác.

Kỷ niệm 45 năm Ngày Thành phố được mang tên Bác Hồ vĩ đại, biết ơn vô hạn công lao trời biển của Người, tri ân các bậc tiền bối là công dân, đầu tiên trong Hộ khẩu Thành phố Hồ Chí Minh – Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt, Mai Chí Thọ … và biết bao nhà lãnh đạo của Đảng bộ và toàn thể nhân dân Thành phố qua các thời kỳ. Theo gương các bậc tiền nhân, mọi người dân Thành phố Hồ Chí Minh giữ vững niềm tin và khát vọng về sự tươi sáng, rực rỡ hơn của Thành phố mang tên Người./.

 Thành phố nghĩa tình

TP Hồ Chí Minh là nơi khởi xướng và thực hiện đầu tiên trong cả nước các phong trào xã hội mang lại hiệu quả thiết thực, có ý nghĩa kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội rộng lớn, mang tính nhân văn, nhân đạo cao cả, có sức lan tỏa rộng rãi, mạnh mẽ như “Đền ơn đáp nghĩa”, “xóa đói giảm nghèo”, “xây dựng nhà tình nghĩa”, “nhà tình thương”, “bảo trợ bệnh nhân nghèo”, “nụ cười cho trẻ thơ”, “phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng”… Qua đó, Thành phố được vinh hạnh nhận danh hiệu “Thành phố nghĩa tình”. Nghĩa là việc con người phải làm, tình là “tiếng lòng”. Sống có “lòng dạ, có trước có sau nên phải có nghĩa có tình”, đó là căn tính của người Sài Gòn – Gia Định được đắp bồi từ xa xưa được công dân TP Hồ Chí Minh phát huy mạnh mẽ trong cuộc sống. Hễ có tin thiên tai, lũ lụt ở đâu đó hay có tai họa nào xảy ra trên đất nước này, trong các khu chợ thành phố, bà con tiểu thương đã có thùng góp tiền từ thiện. Và trên hiện trường nơi xảy ra tai họa, nườm nượp những đoàn quân thiện nguyện TP Hồ Chí Minh luôn có mặt dường như rất sớm, rất đông mà ai ai cũng có thể ghi nhận. Trong những đợt dịch C-19 hơn năm nay, cái ân nghĩa Sài Gòn, nghĩa tình TP Hồ Chí Minh càng đậm nét. Lòng nhân ái của người dân nơi đây được tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh bồi thấm đã tỏa hương khắp mọi nơi, mọi lúc một cách hồn nhiên, thực sự là căn tính văn hóa mang tính đặc thù đậm nét thành phố mang tên Người. Đó là giá trị cao cả của người dân TP Hồ Chí Minh “hơn nhau là ở tấm lòng”.

[1] Hồ Chí Minh Toàn tập (1995). Tập 4, Tr.152.

[2] Hồ Chí Minh Toàn tập (1995). Tập 7. Tr.572).

[3] Nghị quyết 16-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 10 tháng 8 năm 2012.

PGS.TS Phan Xuân Biên - Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam.