Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Việt Dũng

Tham dự hội thảo có các đồng chí: Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh; Tất Thành Cang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.Hồ Chí Minh; Lê Thanh Hải, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh; Lê Hoàng Quân, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh; Ngô Thị Huệ, phu nhân cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh…

Lối đánh “xuất quỷ nhập thần”

Phát biểu khai mạc, Thiếu tướng Ngô Tuấn Nghĩa, Chính ủy Bộ Tư lệnh TPHCM đánh giá, cách đây 50 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 tạo ra bước ngoặt chiến lược, có ý nghĩa quyết định trên toàn bộ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc. Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đã làm đảo lộn về thế bố trí chiến lược trên chiến trường, làm lung lay ý chí xâm lược, buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh. Trong đó, lực lượng Biệt động Sài Gòn – Gia Định có vai trò to lớn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đặc biệt trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.

Phát biểu tham luận, đồng chí Lê Thanh Hải phân tích, trong tình thế tương quan lực lượng địch mạnh, trang bị vũ khí hiện đại hơn ta gấp nhiều lần, lại đứng chân trên địa bàn trọng điểm là Sài Gòn – trung tâm “đầu não” bộ máy chiến tranh của chúng; sự cần thiết phải có một lực lượng đặc biệt tinh nhuệ, có lối đánh độc đáo, thích hợp, đạt hiệu quả cao... Đó là lực lượng Biệt động Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định.

Đồng chí Lê Thanh Hải nhận xét, những trận đánh của lực lượng biệt động đều mang ý nghĩa “kép”, vừa là đòn cảnh cáo, tiêu diệt, vừa cổ vũ nhân dân chống Mỹ, vừa phối hợp với hậu phương lớn miền Bắc chống chiến tranh phá hoại của Mỹ, tạo nên tiếng vang lớn.

Những trận đánh của Biệt động Sài Gòn diễn ra chớp nhoáng, “xuất quỷ nhập thần”, với hiệu suất rất lớn, là nỗi kinh hoàng của bọn xâm lược và tay sai. Đặc biệt, trong Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, lực lượng biệt động đã bất ngờ đồng loạt tấn công vào các mục tiêu trọng yếu của Mỹ - Ngụy, tạo bước ngoặt quan trọng, buộc Mỹ phải “xuống thang” chiến tranh.

“Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 là đỉnh cao của Biệt động Sài Gòn – Gia Định về nghệ thuật quân sự độc đáo, tổ chức chỉ huy đánh địch ở đô thị với tinh thần dũng cảm tuyệt vời của các chiến sĩ cách mạng”, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải khẳng định.

Toàn cảnh Hội thảo  “Lực lượng Biệt động Sài Gòn – Gia Định trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước 
– Giá trị lịch sử và bài học kinh nghiệm”. Ảnh: Việt Dũng

50 năm và những trăn trở

Sau khi tự trả lời câu hỏi “Biệt động – anh là ai?”, ông Phan Xuân Biên, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam nêu tiếp một vấn đề bấy lâu nay ông cùng nhiều người trăn trở. “Biệt động Sài Gòn - “gia tài” anh để lại vô cùng to lớn, ai ai cũng phải biết và phải nhớ. Nhưng bây giờ anh ở đâu?”, ông Phan Xuân Biên hỏi.

Với tư cách của người từng nhiều năm gắn bó với lực lượng biệt động và là người nghiên cứu lịch sử, ông Phan Xuân Biên cho biết, Biệt động Sài Gòn sinh ra từ những ngày đầu Nam bộ kháng chiến 1945. Sau khi miền Nam được giải phóng – 1975, Biệt động Sài Gòn được giải thể, không còn trong “danh bạ” của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Ngoài một số người đã “ra đi” trong chiến tranh, số còn lại ra quân, trở về cuộc sống bình thường. Do không còn một cơ quan quản lý nên “hậu sự” của lực lượng biệt động cho đến nay còn nhiều vấn đề chưa giải quyết được. Không biết lực lượng Biệt động Sài Gòn năm xưa, đến bây giờ ai còn, ai mất, ai ở đâu?

Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho rằng, trước hết, cần xốc lại tổ chức Câu lạc bộ truyền thống Biệt động Sài Gòn để chung sức thực hiện hai chức năng “truyền thống và ái hữu” và cùng các cơ quan hữu quan giải quyết những vấn đề còn tồn đọng. Đối với những người hy sinh, nhất là số đông trong Mậu Thân 1968, cho đến nay, có rất nhiều người đã hy sinh mà chúng ta không biết được họ tên chính thức là gì? Ông Phan Xuân Biên trăn trở: “Đọc danh sách những chiến sĩ đã hy sinh, với những chú thích “tên giả”, “tên thật nhưng không biết họ” không ai không động lòng. Cha mẹ sinh ra đều có tên họ, vậy mà lúc ra đi được gọi là “vô danh”.

Cho đến nay, phần lớn chưa tập kết được mộ phần của các chiến sĩ biệt động hy sinh khi đánh vào 5 mục tiêu trọng điểm ở Sài Gòn Tết Mậu Thân 1968. Kể cả nơi có thể dễ tìm nhất, như ở Đại sứ quán Mỹ, 15 chiến sĩ hy sinh đều nằm trong khuôn viên Đại sứ quán, chỉ do người Mỹ “thu dọn”, vậy mà vẫn chưa biết họ đã đưa các chiến sĩ biệt động về đâu.

Ông Nguyễn Quốc Độ, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Truyền thống kháng chiến Khối Vũ trang – Biệt động nhắc lại điều trăn trở cũng là món nợ chưa trả đối với đồng chí, đồng đội trong lực lượng biệt động.

Đó là 64 đồng chí cán bộ chiến sĩ hy sinh trong Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 vào 5 mục tiêu, nhưng đến nay chỉ tìm được duy nhất 1 hài cốt, 63 đồng chí qua nhiều năm và bằng rất nhiều nguồn thông tin, vẫn chưa thể tìm được.

Ông Nguyễn Quốc Độ mong muốn Nhà nước, quân đội tìm cho được hài cốt các đồng chí, kể cả bằng con đường ngoại giao. Đồng thời, đề nghị cơ quan chức năng vận dụng linh hoạt để giải quyết chế độ chính sách có công, khen thưởng cho những cá nhân, tập thể còn tồn đọng./.

Mạnh Hòa/Báo SGGP