Bình Chánh là một trong 05 huyện ngoại thành của Thành phố Hồ Chí Minh, là cửa ngõ nối liền các tỉnh miền Tây thuộc đồng bằng sông Cửu Long. Với diện tích tự nhiên rộng 25.255,29 ha (chiếm 12% diện tích toàn Thành phố), đơn vị hành chính gồm 15 xã và 01 thị trấn, 400 ấp và 13 khu phố; có 413 chi hội ấp, khu phố. Dân số thực tế cư trú trên địa bàn huyện là 216.686 hộ với 850.737 nhân khẩu (trong đó nhân khẩu tạm trú và chưa đăng ký chiếm hơn 60%). Những điều kiện trên mang đến rất nhiều tiềm năng, thuận lợi nhưng cũng đặt ra không ít khó khăn, thách thức trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ chính trị tại địa phương, trong đó, có công tác khuyến học, khuyến tài.

Tuy nhiên, với quyết tâm cao, chính trị lớn, sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và Nhân dân, công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, thành phố học tập trên địa bàn huyện đã có những kết quả đáng khích lệ và khả quan.

Toàn huyện có 144 “Đơn vị học tập". (Ảnh: Phú Đức)

 

Xác định giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho sự phát triển, Huyện ủy Bình Chánh đã kịp thời lãnh đạo ban hành 08 văn bản triển khai thực hiện Kết luận số 49-KL/TW của Ban Bí thư và hàng năm đều ban hành Nghị quyết lãnh đạo nhiệm vụ giáo dục và đào tạo, xác lập chỉ tiêu, thời gian thực hiện và phân công nhiệm vụ cụ thể, trong đó đặc biệt quan tâm đến công tác đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời tại địa phương.

Với mục tiêu nâng bước ước mơ, chắp cánh cho hiền tài, Huyện ủy đã lãnh đạo Hội Khuyến học huyện phối hợp các cơ quan, đơn vị huy động các quỹ, nguồn vốn, tổ chức tốt “Chương trình học bổng khuyến học, khuyến tài”, “Chương trình tiết kiệm nuôi heo đất khuyến học” nhằm khuyến khích, giáo dục tính tự lực, tiết kiệm cho từng gia đình, đã có 2.957 suất học bổng, trợ cấp khó khăn, khen thưởng cho học sinh và sinh viên học tập khá giỏi với số tiền gần 05 tỷ đồng được trao tặng trong 05 năm qua. Công dân học tập là thành tố hạt nhân của xã hội học tập. Huyện ủy luôn tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, đảng viên được tham gia học tập thường xuyên, học tập suốt đời, tận dụng mọi cơ hội học tập để trở thành công dân số, công dân học tập toàn cầu, với tinh thần “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ, học để phụng sự tổ chức, đoàn thể, phục vụ Tổ quốc, dân tộc và nhân loại”, cụ thể, huyện đã ký kết hợp tác toàn diện với Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, xây dựng Đề án đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý đến năm 2025 và những năm tiếp theo.

Với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Ban Thường vụ Huyện ủy, Hội Khuyến học huyện đã kịp thời tham mưu kiện toàn nhân sự Chi hội khuyến học ấp, khu phố sau khi sắp xếp theo Nghị quyết số 11/NQ-HĐND từ 106 chi hội thành 413 chi hội (tăng gấp 04 lần). Rà soát, quan tâm đầu tư nâng cao chất lượng của 16 trung tâm học tập cộng đồng của 16 xã, thị trấn với 76 cộng tác viên. Các cấp hội khuyến học trong huyện đã có nhiều hoạt động chủ động, sáng tạo, tích cực tạo ra các phong trào thi đua sôi nổi và có chiều sâu cùng các mô hình học tập phát triển khá đều và rộng khắp. Đến nay, huyện có 127.782 hộ được công nhận “Gia đình học tập”, 100 “Dòng họ học tập”, 144 “Đơn vị học tập”, 106/106 ấp, khu phố đạt “Cộng đồng học tập”. Việc xây dựng thành công các mô hình gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị học tập đã tạo nền tảng vững chắc để xây dựng xã hội học tập trên địa bàn huyện.

Để công tác khuyến học, khuyến tài xây dựng xã hội học tập, thành phố học tập tại huyện Bình Chánh tiếp tục phát triển, đạt kết quả cao hơn nữa, Bình Chánh xác định tiếp tục tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức từ cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị đến toàn dân về tầm quan trọng và sự cần thiết của việc xây dựng xã hội học tập, về phong trào học tập suốt đời. Phát huy vai trò cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên làm nòng cốt trong phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; củng cố và phát triển tổ chức Hội ở các ấp, khu phố, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và trường học.

Việc xây dựng xã hội học tập tại Bình Chánh góp phần cùng Thành phố phát triển nhanh, bền vững, toàn diện. (Ảnh: Phú Đức)

Ban Thường vụ Huyện uỷ, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị để đẩy nhanh việc xây dựng xã hội học tập theo tinh thần xã hội hóa; phát huy tiềm năng của các tổ chức, cá nhân để tham gia xây dựng xã hội học tập, vận động chăm lo học sinh, sinh viên, công tác phổ cập, xóa mù chữ. Kiện toàn, xây dựng tổ chức chi hội Khuyến học ngày càng vững mạnh. Tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Tiết kiệm nuôi heo đất khuyến học”, trao học bổng khuyến học, khuyến tài; Tập trung củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các Trung tâm học tập cộng đồng.

Thực hiện tốt các giải pháp giữ vững kết quả xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục trung học cơ sở, phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; Đề án “Xây dựng xã hội học tập, giai đoạn 2021 - 2030”; “Giáo dục thông minh và học tập suốt đời, giai đoạn 2021 - 2030”. Kịp thời biểu dương, khen thưởng các mô hình, điển hình, các nhân tố mới về học tập và xây dựng xã hội 22 học tập, những gia đình, dòng họ, đơn vị hiếu học tiêu biểu, những tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp cho phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập góp phần phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn huyện./..

Phú Đức