Giải quyết hồ sơ cho người dân tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ khu vực 3 TP Thủ Đức (Ảnh:thanhuytphcm.vn)
Cùng với sắp xếp đơn vị hành chính, TP Hồ Chí Minh đã chủ động mời gọi, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến mời gọi đầu tư vào các dự án thuộc đề án xây dựng thành phố thông minh, đề án hình thành và phát triển khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông; các dự án hạ tầng giao thông, chống ngập, xử lý nước thải…
Báo cáo từ Sở Nội vụ TP Hồ Chí Minh về tổng kết công tác sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn cho biết: Trước khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính, TP Hồ Chí Minh có 19 quận và 5 huyện; 259 phường, 5 thị trấn, 58 xã.
Sau khi tổ chức thực hiện sắp xếp, về cấp huyện, TP Hồ Chí Minh không có đơn vị hành chính cấp huyện thuộc diện phải sắp xếp. Tuy nhiên, TP chủ động khuyến khích sắp xếp 3 quận gồm 2, 9, Thủ Đức để thành lập TP Thủ Đức nhằm tạo thành cực tăng trưởng, phát triển kinh tế phía Đông. Sau khi thực hiện sắp xếp, TP có 1 thành phố, 16 quận và 5 huyện.
Đánh giá từ Sở Nội vụ TP cho biết: Từ việc sắp xếp các đơn vị hành chính không chỉ góp phần tinh gọn bộ máy, đảm bảo quy mô quản lý phù hợp; tinh giản đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động không chuyên trách cấp xã, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động; đảm bảo phù hợp với tiêu chuẩn từng vị trí việc làm, lựa chọn được những người có đủ trình độ, năng lực, tâm huyết nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Qua đó, nâng cao chất lượng, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã; góp phần thực hiện tốt các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; đáp ứng yêu cầu công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Mặt khác, sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã giúp cho các đơn vị hành chính cấp xã có đủ điều kiện để xây dựng quy hoạch một cách quy mô, tăng cường khả năng thu hút đầu tư xã hội hóa vào các lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, giảm đầu tư công, đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội và tăng thu ngân sách trên địa bàn.
Đánh giá về thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội trong 5 tháng đầu năm 2021, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong nhận định kinh tế TP tăng trưởng khá, tiếp tục giữ vững vị trí đầu tàu kinh tế với lực lượng lao động đang làm việc chiếm 8,62% lực lượng lao động cả nước (4,7 triệu người).
Tuy nhiên, lãnh đạo TP cũng nhìn nhận, TP chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh. Mục tiêu nâng cao tính hấp dẫn, tính cạnh tranh của môi trường kinh doanh tại TP.HCM chưa đạt. Việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chậm, không đạt yêu cầu.
TP xác định để thu hút nguồn lực, thị trường vốn, thị trường lao động nhằm đạt mục tiêu đề ra, các địa phương, đơn vị cần bám sát các nhóm giải pháp TP đã đề ra, đó là: Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, trong đó thực hiện công khai, minh bạch quy trình xử lý công việc ở tất cả các cơ quan, đơn vị; Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan trên địa bàn thành phố; Công khai, minh bạch quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; Ban hành quy trình thực hiện các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng công - tư cho các dự án đốt rác phát điện, xử lý rác thải, nước thải hay quy trình thực hiện các dự án đầu tư theo hình thức công - tư sau khi các Nghị định hướng dẫn Luật được ban hành; đẩy mạnh đấu thầu qua mạng…
Song song với đó việc thực hiện giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực được TP chú trọng đẩy mạnh. TP Tập trung triển khai Đề án đào tạo nhân lực trình độ quốc tế ở 8 ngành (công nghệ thông tin – truyền thông; cơ khí – tự động hoá; trí tuệ nhân tạo; quản trị doanh nghiệp; tài chính – ngân hàng; y tế; du lịch; quản lý đô thị) giai đoạn 2020 - 2035 và đại học chia sẻ; có cơ chế chính sách thu hút nhân tài, chuyên gia giỏi về làm việc tại thành phố; nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo nghề và phát triển kỹ năng cho người lao động; khuyến khích đầu tư và hợp tác của các cơ sở giáo dục đại học và dạy nghề với quốc tế; đẩy mạnh xã hội hóa phát triển sự nghiệp giáo dục, đào tạo…
TP cũng đề ra các giải pháp nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp được tiếp cận tín dụng công bằng, minh bạch từ các tổ chức tín dụng trên địa bàn; thực hiện hiệu quả quy định về hỗ trợ lãi vay theo Chương trình kích cầu đầu tư của thành phố; đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt; thúc đẩy kết nối ngân hàng và doanh nghiệp…/..