Hoạt động đổi mới sáng tạo diễn ra sôi nổi

TP Hồ Chí Minh trao Giải thưởng Sáng tạo TPHCM lần thứ 3 năm 2023-  trao cho 58 công trình, giải pháp, đề tài, tác phẩm xuất sắc có tính ứng dụng cao và đặc biệt mang lại hiệu quả thiết thực trong đời sống xã hội. (Ảnh: Quốc Thanh)

 

TP Hồ Chí Minh là thành phố trực thuộc trung ương, thuộc nhóm đô thị đặc biệt, là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa và giáo dục với quy mô kinh tế và quy mô dân số và tốc độ đô thị hóa lớn nhất của Việt Nam. TP cũng là trung tâm đổi mới, năng động, sáng tạo hàng đầu của cả nước về phát triển kinh tế, công nghiệp, du lịch, dịch vụ, khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo. Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại TP được đánh giá năng động nhất, đứng đầu cả nước với gần 50% số lượng startup và 40% cơ sở ươm tạo và hỗ trợ khởi nghiệp.

Thực hiện các chủ trương, chính sách, chương trình về đổi mới sáng tạo, trong thời gian qua, TP đã triển khai nhiều hoạt động nhằm đưa đổi mới sáng tạo trở thành một xu hướng phát triển tất yếu của xã hội, khơi dậy tiềm năng sáng tạo to lớn còn ẩn chứa trong cộng đồng nhân dân thành phố. Quan điểm xuyên suốt của thành phố là tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ cho những ý tưởng sáng tạo đột phá gắn với việc thực hiện chủ trương khuyến khích, bảo vệ cán bộ công chức, viên chức, người lao động năng động sáng tạo vì lợi ích chung.

Thành phố ban hành nhiều chính sách, từng bước hình thành và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và theo đó TP Hồ Chí Minh đang trở thành cái nôi của cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp trên cả nước. Tiếp tục đầu tư và khai thác hiệu quả các trung tâm ươm tạo doanh nghiệp công nghệ tại các trường đại học, Khu công nghệ cao, Khu nông nghiệp công nghệ cao, Công viên phần mềm Quang Trung, góp phần xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp bền vững.

Hoạt động đổi mới sáng tạo diễn ra sôi nổi trên địa bàn TP, ở các ngành các cấp, trên hầu hết các lĩnh vực. Thành phố hiện có 45 trường đại học và 30 cao đẳng, trên 125 phòng thí nghiệm và hơn 245 tổ chức khoa học và công nghệ. So với cả nước, Thành phố có nguồn nhân lực khoa học công nghệ chiếm trên 25%, số doanh nghiệp đang hoạt động chiếm 50%, số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và doanh nghiệp khoa học - công nghệ lần lượt chiếm 42% và 15%.

Để thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, TP ban hành nhiều chương trình, kế hoạch quan trọng với nhiều giải pháp gắn kết bền vững mối quan hệ giữa doanh nghiệp, trường - viện, nhà nước, tổ chức tài chính và cộng đồng khởi nghiệp (đặc biệt là các doanh nghiệp lớn, có năng lực dẫn dắt thị trường); xây dựng nền tảng hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp từ phát triển hạ tầng cơ sở đến đổi mới giáo dục - đào tạo. Thời gian qua, TP đã đào tạo cho gần 6.000 học viên đến từ doanh nghiệp, sở, ngành, giảng viên các trường đại học, trong đó, số lượng doanh nghiệp tham gia chiếm đa số khoảng 70%, trưởng đại học đạt 17%; bồi dưỡng mô hình đào tạo STEM cho 1.101 giáo viên, 3.089 học sinh thuộc 524 trường phổ thông trên địa bàn 24 quận huyện; kết nối 3.500 cá nhân và nhóm khởi nghiệp với nhà đầu tư, chuyên gia và tổ chức tư vấn; giới thiệu, quảng bá trên 300 sản phẩm khởi nghiệp cho cộng đồng; đào tạo cho hơn 1.523 cá nhân và nhóm khởi nghiệp; nâng cao năng lực về kiến thức tiền khởi nghiệp cho 1.100 sinh viên của hơn 30 trường đại học.

TP Hồ Chí Minh đang tổ chức Giải thưởng Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp I-Star 2024nhằm tôn vinh các tổ chức, cá nhân có thành tích tiêu biểu trong hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.

TP còn đẩy mạnh hợp tác đổi mới sáng tạo - nghiên cứu phát triển - đổi mới công nghệ thông qua các hoạt động: Hình thành không gian thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp của Thành phố (Saigon Innovation Hub) - nơi kết nối các nguồn lực xã hội hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, kết nối các cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và hỗ trợ thúc đẩy các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Kết nối hợp tác với các hoạt động ươm tạo và đổi mới sáng tạo với các tổ chức hỗ trợ kinh doanh và tài chính quốc tế, cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc tế (Phần Lan, Mỹ, Hàn Quốc, Canada, Singapore, Thái Lan, Anh, Israel, Thụy Sĩ), Ngân hàng phát triển Châu Á, Microsoft Việt Nam nhằm hỗ trợ và thúc đẩy hoạt động hỗ trợ ươm tạo và đổi mới sáng tạo.

TP còn tạo lập môi trường ươm tạo - thử nghiệm phát triển sản phẩm mới; kết quả đã hình thành thêm nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo/doanh nghiệp khoa học công nghệ với những sản phẩm mới có giá trị gia tăng cao và khả năng tăng trưởng nhanh; từ đó, góp phần phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Thành phố có sức lan tỏa mạnh từ cộng đồng doanh nghiệp cho đến cộng đồng xã hội. Hiện TP Hồ Chí Minh có 760 startup, 24 cơ sở ươm tạo tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp;12 không gian làm việc chung, 145 chuyên gia/cố vấn khởi nghiệp (mentors); 75 trường đại học và cao đẳng, 40 quỹ đầu tư (15 quỹ đầu tư mạo hiểm của tư nhân), 9.000 doanh nghiệp lớn, 390 tổ chức truyền thông, sự kiện, cung cấp dịch vụ, hạ tầng kỹ thuật, tư vấn; 20 sở ngành, đoàn thể, hội ngành nghề; 20 đối tác nước ngoài liên kết hỗ trợ.

Để Nghị quyết số 98 là cơ hội, cánh cửa mở thúc đẩy đổi mới sáng tạo

TP Hồ Chí Minh duy trì việc tổ chức tuyên dương và trao bảo trợ tài năng trẻ hàng năm nhằm hỗ trợ kịp thời cho các tài năng trẻ nghiên cứu khoa học.

 

Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh gồm có 12 Điều quy định một số nội dung mới có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm thể chế hóa chủ trương cho phép thí điểm cơ chế chính sách vượt trội phát triển TP Hồ Chí Minh trong giai đoạn mới. Trong đó, Nghị quyết 98 dành toàn bộ Điều 8 quy định “về quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo” với 56 vấn đề cụ thể.

Các vấn đề nêu trong Nghị quyết 98 là được xem là cơ hội, vừa là thách thức của ngành Khoa học và Công nghệ TP Hồ Chí Minh, là cánh cửa mở, là cơ hội để thành phố thử nghiệm những vấn đề vướng mắc thời gian qua, kể cả những cơ chế chính sách. Trong đó, yêu cầu đặt ra là làm sao có đầy đủ những căn cứ pháp lý thuận lợi mạnh dạn thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù trong quản lý hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, góp phần trực tiếp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội TP Hồ Chí Minh nhanh và bền vững.

Triển khai thực hiện Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội, tháng 11/2023, HĐND TP Hồ Chí Minh ban hành Nghị quyết quy định mức hỗ trợ không hoàn lại từ nguồn chi thường xuyên của ngân sách Thành phố cho chi phí ươm tạo dự án đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn TP. Theo nghị quyết này thì mức chi hỗ trợ đổi mới sáng tạo có thể lên đến 400 triệu/dự án được tuyển chọn.

Tháng 2/2024,UBND Thành phố ban hành kế hoạch triển khai “Đề án hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo TPHCM giai đoạn 2021 - 2025” trong năm 2024. Theo đó, Thành phố đặt mục tiêu thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phát triển ngang tầm khu vực, từng bước trở thành nền tảng vững chắc hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất chất lượng, năng lực cạnh trạnh của doanh nghiệp, phát triển sản phẩm chủ lực của Thành phố; phấn đấu nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo cho 900 doanh nghiệp; thực hiện ươm tạo, phát triển 300 dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (trong đó, hỗ trợ phát triển 30 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tiếp cận nguồn vốn đầu tư mạo hiểm)…

Tháng 3/2024, Ban cán sự Đảng Bộ Khoa học và Công nghệ và Ban Thường vụ Thành ủy TP Hồ Chí Minh ký kết Chương trình phối hợp công tác về tăng cường hợp tác trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thí điểm, thử nghiệm một số cơ chế, chính sách về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn TP giai đoạn 2024 - 2028. Các nội dung được ký kết hợp tác (gồm 9 nội dung) được xem là cơ hội để xây dựng, phát triển TP Hồ Chí Minh trong giai đoạn mới, đồng thời là cơ hội thử nghiệm tháo gỡ các vướng mắc về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo của Thành phố.

Chương trình “Trí thức khoa học trẻ tình nguyện” năm 2024 do TP Hồ Chí Minh tổ chức nhằm phát huy tinh thần tình nguyện trong phục vụ cộng đồng, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân.

 

Để tiếp tục thúc đẩy phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong thời gian tới, TP Hồ Chí Minh đang tập trung thực hiện một số nội dung như sau:

Một là, phát triển hạ tầng, dịch vụ hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Hình thành mạng lưới các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo do Thành phố đầu tư và quản lý. Cải tạo, nâng cấp, hình thành không gian phục vụ hoạt động ươm tạo khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Nâng cấp cơ sở vật chất - kỹ thuật của một số cơ sở ươm tạo, tổ chức thúc đẩy kinh doanh, tổ chức cung cấp thiết bị dùng chung cho các nhóm khởi nghiệp, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Phát triển Sàn giao dịch công nghệ Thành phố trở thành trung tâm kết nối cung cầu, hợp tác, chuyển giao công nghệ, thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp.

Hai là, thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo trong khu vực công. Cụ thể là thúc đẩy cơ quan quản lý nhà nước ứng dụng khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo trong hoạt động nâng cao chất lượng quản lý nhà nước và kiến tạo hỗ trợ ngành/lĩnh vực phụ trách phát triển. Hỗ trợ các sở/ngành, quận/huyện kết nối với cộng đồng doanh nghiệp, trường viện tìm kiếm ý tưởng, giải pháp sáng tạo khả thi và cùng phát triển các dự án đổi mới sáng tạo, đưa vào ứng dụng trong thực tế. Việc đẩy mạnh hoạt động đổi mới sáng tạo trong khu vực công không chỉ tạo ra sự đổi mới bên trong mà còn góp phần, tạo điều kiện để đổi mới bên ngoài khu vực công hay toàn xã hội.

Ba là, tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chương trình nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo theo hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm. Hình thành và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực trọng điểm, các công nghệ và các sản phẩm đổi mới sáng tạo có lợi thế cạnh tranh, có tiềm năng phát triển và hỗ trợ phục hồi kinh tế cho thành phố như công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ tài chính (Fintech), công nghệ giáo dục (Edtech), y tế (Medtech), nông nghiệp thông minh, Govtech, Môi trường - Xã hội và Quản trị (ESG), Blockchain, khởi nghiệp xã hội…

Bốn là, tiếp tục thực hiện chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Việc thực hiện phải trở thành nhiệm vụ thường xuyên trong từng cơ quan, địa phương, đơn vị, làm sao thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khơi dậy mạnh mẽ ý thức trách nhiệm, khát vọng cống hiến, tinh thần năng động, dám nghĩ, dám làm, thực hiện các nhiệm vụ với tinh thần trách nhiệm cao nhất; để năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của cán bộ đảng viên, công chức, viên chức trở thành phẩm chất nổi trội của Thành phố. Cùng đó, thúc đẩy truyền thông về hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, nhằm thu hút sự quan tâm, nâng cao nhận thức và xây dựng văn hóa đổi mới sáng tạo trong cộng đồng./.

 

 

  

 

 

 

 

Thiên Linh