Hệ thống cảng Cát Lái luôn quá tải (Ảnh: Đào Trang)

 

Giám đốc Sở GTVT TP Hồ Chí Minh Trần Quang Lâm cho biết: Cảng biển TP Hồ Chí Minh là cảng biển tổng hợp đầu mối khu vực loại 1- đóng vai trò chủ đạo kết nối vận tải hàng hải của khu vực Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long, bao gồm 4 khu cảng chính: Khu bến cảng Cát Lái (sông Đồng Nai), Khu bến cảng Nhà Bè (sông Nhà Bè), khu bến cảng sông Sài Gòn, khu vực bến cảng Hiệp Phước (sông Soài rạp) với sản lượng hàng hóa lưu thông qua các bến cảng cao nhất cả nước. Chỉ tính riêng khu cảng Cát Lái- thuộc top 30 cảng biển lớn nhất thế giới, đảm nhận 38,5% khối lượng hàng container xuất nhập khẩu của cả nước.

Với sản lượng hàng hóa lớn thông qua cảng, tạo áp lực rất lớn lên kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện tích công trình dịch vụ, tiện ích công cộng khu vực cửa khẩu cảng biển trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Hiện kết cấu cơ sở hạ tầng giao thông của đô thị cảng biển TP Hồ Chí Minh không đáp ứng kịp tốc độ tăng trưởng của sản lượng hàng hóa lưu thông qua cảng; gây ra tình trạng ùn tắc hàng hóa và ảnh hưởng đến hoạt động giao thông tại các khu vực lân cận, dẫn đến giảm hiệu quả hoạt động giao nhận hàng hóa trong khu vực cảng tăng chi phí logistic, hạn chế phần nào năng lực cạnh tranh và sự phát triển của TP.

Với lượng hàng hóa qua cảng biển và phương cơ giới cá nhân tiếp tục tăng cao, nếu không có chính sách mạnh mẽ, kịp thời để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông khu vực cảng biển, đồng thời phát triển nhanh vận tải hành khách công cộng và hạn chế số lượng phương tiện giao thông cơ giới cá nhân thì tình trạng ùn tắc sẽ vẫn diễn ra và ngày càng nghiêm trọng hơn, đặc biệt tại khu vực cảng Cát Lái.

Với tốc độ tăng sản lượng hàng hóa và lưu lượng phương tiện vận huyển nhanh như trên vượt xa mức dự báo của Bộ Giao thông vận tải dẫn đến hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ của TP- đóng vai trò chủ đạo trong hoạt động lưu thông hàng hóa, không theo kịp sự phát triển của cảng biển, dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường…

Cụ thể, theo dự báo của Bộ GTVT, lượng hàng thông qua các cảng dự kiến vào năm 2020 khoảng 112,67-116,94 triệu tấn/năm, năm 2025 khoảng 133,03-141,48 triệu tấn/năm, năm 2030 khoảng 145,47-159,98 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, đến nay sản lượng hàng hóa qua cảng biển TP đều đã vượt mức dự báo của Bộ GTVT, sản lượng thực tế của năm 2019 đã vượt sản lượng dự báo của năm 2030.

Đây là điểm nghẽn trong phát triển kinh tế của TP Hồ Chí Minh mặc dù trong những năm qua TP đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để xây dựng hệ thống các đường trục và đướng nhánh kết nối giữa các khu vực cảng biển như: Huỳnh Tất Phát, Liên cảng A5, Nguyễn Thị Định, Nguyễn Hữu Thọ, Mai Chí Thọ, Đồng Văn Cống, Ngueyenx Duy Trinh…

Giám đốc Sở GTVT TP Trần Quang Lâm cho biết thêm, dù hiện nay TP phải áp dụng thời hạn khung giờ cho các loại xe tải ra vào TP để vận chuyển hàng hóa tuy nhiên việc ùn tắc giao thông vẫn xảy ra thường xuyên; vào giờ cao điểm khi xe ra vào cảng lấy hàng, có thời điểm ùn tắc từ 2-4 tiếng và kéo dài nhiều km. Do đó cần thiết phải đầu tư xây dựng mới các tuyến đường, mở rộng và nâng cấp, bảo trì các tuyến đường hiện hữu để đảm bảo lưu thông vận chuyển hàng hóa, góp phần tăng sức cạnh tranh cho hệ thống cụm cảng TP Hồ Chí Minh cũng như đồng hành với sự phát triển của TP.

Đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2020-2030 đã được UBND TP, Thường vụ Thành ủy thông qua. Trong đó, nhu cầu vốn đầu tư cho ngành GTVT là 970.654 tỉ đồng (vốn ngân sách là 477.704 tỉ đồng, vốn khác là 492.950 tỉ đồng). Tuy nhiên, nguồn vốn ngân sách giai đoạn 2021-2026 chỉ đáp ứng 24,6%, trong khi đó các dự án đầu tư theo hình thức PPP chưa thu hút, việc huy động tài trợ nguồn vốn ODA hạn chế nên việc có thêm nguồn vốn để đầu tư cho hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông khu vực cảng biển là vô cùng quan trọng.

 “Như vậy, nếu có nguồn kinh phí để tiếp tục tập trung đầu tư cho hạ tầng kết nối khu vực cảng sẽ làm giảm tình rạng ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông, tăng vận tốc khai thác của các phương tiện dẫn đến tăng số quay vòng của xe tải và xe conainer của các doanh nghiệp lên”. Đồng chí Trần Quang Lâm nhấn mạnh.

Nếu được HĐND TP Hồ Chí Minh thông qua trong kỳ họp tháng 12/2020, Sở GTVT đề xuất sẽ thu phí cảng biển trên địa bàn TP theo hai giai đoạn. Giai đoạn 1 (năm tháng đầu năm 2021) sẽ tổ chức thu phí tại cảng Cát Lái, thời gian này sẽ đánh giá, rút kinh nghiệm và hoàn thiện công tác thu phí. Giai đoạn 2 sẽ tổ chức thu phí toàn bộ cảng từ tháng 6/2021.

Sở GTVT TP đã đề xuất một số công trình giao thông cần được ưu tiên đầu tư: Khu cảng Cát Lái- Phú Hữu; Khu cảng Sài Gòn; Khu cảng Nhà Bè; Khu cảng Hiệp Phước. Ngoài ra cần thúc đẩy phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa để kết nối đường thủy nội địa với các cảng biển, khai thác tối đa tiềm năng to lớn của đường thủy nội địa nhằm góp phần chia sẻ, giảm bớt áp lực giao thông đường bộ./.

 

 

 

 

 

Khánh Vy