Đó là nhấn mạnh của đồng chí Võ Văn Phuông, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương trong buổi làm việc với Thành ủy TP Hồ Chí Minh chiều 13/8 nhằm kiểm tra, khảo sát kết quả 5 năm thực hiện Kết luận số 100-KL/TW (18/8/2014) của Ban Bí thư "Về việc đổi mới và nâng cao chất lượng công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội".

Tiếp đoàn có các đồng chí: Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh; lãnh đạo các Ban Đảng Thành ủy và cộng tác viên dư luận xã hội của Thành phố.

Báo cáo với đoàn công tác, đồng chí Tô Đại Phong, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh cho biết, trong 5 năm qua, tình hình thế giới, khu vực, trong nước đã tác động trực tiếp tới công tác dư luận xã hội trên địa bàn Thành phố, đòi hỏi phải đặt ra nhiều giải pháp nhằm từng bước cải tiến, nâng chất, kịp thời phản ánh, tham mưu xử lý, giải quyết các vấn đề bức xúc của Nhân dân, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Đoàn công tác của Ban Tuyên giáo Trung ương làm việc với Thành ủy TP Hồ Chí Minh về việc triển khai thực hiện Kết luận số 100-KL/TW của Ban Bí thư.

Sau 5 năm triển khai thực hiện Kết luận số 100-KL/TW của Ban Bí thư và Hướng dẫn 167 của Ban Tuyên giáo Trung ương, Thành ủy TP Hồ Chí Minh tiếp tục triển khai, thực hiện các giải pháp nhằm củng cố, tăng cường và nâng chất hoạt động nghiên cứu dư luận xã hội trên địa bàn Thành phố, phục vụ hiệu quả cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành của cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp.

Hầu hết các cấp ủy Đảng, chính quyền đều có sự quan tâm, đặc biệt là giải quyết đúng đắn, kịp thời những vấn đề mà dư luận cán bộ, đảng viên, người dân đặt ra.

Đội ngũ cộng tác viên được xây dựng từ Thành phố đến cơ sở, thường xuyên tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ; các hoạt động giao ban, kiểm tra, rút kinh nghiệm... được thực hiện thường xuyên, liên tục, kịp thời, thông qua đó phát huy được hiệu quả, chất lượng hoạt động.

Kết quả khảo sát, điều tra, thăm dò dư luận xã hội đã cung cấp luận cứ khoa học cho việc tham mưu ban hành các chủ trương, chính sách, quyết định của Thành phố phù hợp với nhu cầu thực tiễn, đáp ứng nguyện vọng của đa số cán bộ, đảng viên và Nhân dân.

Tại buổi làm việc, đại diện các quận, huyện, đơn vị trên địa bàn Thành phố đã chia sẻ những thông tin, kinh nghiệm từ thực tiễn cơ sở khi triển khai Kết luận số 100-KL/TW của Ban Bí thư, đồng thời đưa ra một số giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dư luận xã hội trong thời gian tới. Trong đó, cần tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức, nâng cao chất lượng các cuộc giao ban định kỳ, giao ban chuyên đề, hướng về cơ sở, mở rộng đối tượng tham dự. Có sự phối hợp, tham gia của các sở, ban ngành, phòng chức năng liên quan trong việc giải đáp các vấn đề mà người dân bức xúc, kiến nghị. Xây dựng, củng cố đội ngũ làm công tác dư luận xã hội có kỹ năng nghiệp vụ, tinh thần chủ động, trách nhiệm, khả năng phân tích, dự báo tình hình. Phát huy hiệu quả các phương tiện truyền thông trong việc tuyên truyền, định hướng thông tin dư luận. Tổ chức các chuyến học tập kinh nghiệm, các giải pháp, mô hình hay, tạo điều kiện cho cơ sở giao lưu học hỏi...

Đồng chí Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh phát biểu tại buổi làm việc.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh, hiện nay cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang phát triển nhanh chóng và chưa bao giờ mạng xã hội và các ứng dụng Intenet phát triển mạnh mẽ như hiện nay. Đồng chí kiến nghị nên có sự điều chỉnh lại nội dung trong Kết luận số 100-KL/TW cho phù hợp với tình hình thực tiễn hoặc cần có một chỉ thị nữa liên quan tới việc nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội trên mạng xã hội. Bên cạnh đó, cũng theo đồng chí Trần Lưu Quang, báo chí có vai trò quan trọng trong định hướng và dẫn dắt dư luận, chúng ta cần tăng cường vai trò của báo chí tham gia vào công tác này.

Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh tới yêu cầu của công tác nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội hiện nay là phải: kịp thời (nắm bắt thông tin), đa dạng (nghe được từ nhiều nguồn, nhiều góc độ, nhiều giới), chắt lọc (để biết cái nào đúng, cái nào sai, cái nào đáng tin cậy, cái nào không), hữu hiệu (phản ứng lại hữu hiệu, dự báo hữu hiệu và tham mưu hữu hiệu). Đồng chí cho biết, TP Hồ Chí Minhđang cố gắng điều hành theo hướng này.

Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, khẳng định tầm quan trọng về nhiều mặt của một đô thị đặc biệt như TP Hồ Chí Minh đối với việc ổn định an ninh, chính trị của đất nước, đồng chí Võ Văn Phuông đánh giá cao những năm qua TP Hồ Chí Minh đã làm tốt, bài bản công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội. Chuyến làm việc, khảo sát tại TP Hồ Chí Minh lần này của Ban Tuyên giáo Trung ương là nhằm nắm bắt những kết quả nổi bật, những cách làm mới, mô hình hay của Thành phố sau 5 năm thực hiện Kết luận số 100-KL/TW, đặc biệt là nhận thức của các cấp ủy về việc đổi mới, nâng cao chất lượng công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội, công tác phát triển mạng lưới cộng tác viên, cũng như những khó khăn, vướng mắc, bất cập cần sửa chữa, bổ sung đối với Kết luận số 100-KL/TW và Hướng dẫn 167 của Ban Tuyên giáo Trung ương về đổi mới và nâng cao chất lượng công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội.

Đồng chí Võ Văn Phuông, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban
Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu kết luận buổi làm việc.


Đồng chí Võ Văn Phuông nhấn mạnh, qua kiểm tra, khảo sát tại TP Hồ Chí Minh, Đoàn đã thu hoạch được một số nội dung, ghi nhận và sàng lọc xem những gì cần bổ sung, sửa đổi, kiến nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư tiếp tục giải quyết. Cách làm của TP Hồ Chí Minh trong thời gian qua được đồng chí Võ Văn Phuông đánh giá là một mô hình hay cần được nghiên cứu, tổng kết để đưa vào sơ kết Kết luận số 100-KL/TW trong thời gian tới.

Chia sẻ với các đại biểu tại buổi làm việc về sự phát triển mạnh mẽ của Internet, mạng xã hội, đồng chí Võ Văn Phuông cho rằng, trong bối cảnh mà một mẩu viết, một lời bình luận, một chia sẻ trên mạng xã hội trong tích tắc cả ngàn người, triệu người biết, tâm lý đám đông và hiệu ứng lan truyền có thể gây nên một cơn “bão” trong dư luận, tạo ra bất ổn xã hội ghê gớm, việc chúng ta tương tác, nắm bắt, phân tích và dự báo dư luận xã hội đã trở nên không hề đơn giản. Nhưng nếu chúng ta cập nhật, thích ứng cùng xu hướng và công nghệ, đổi mới phương pháp nắm bắt dư luận, phân tích tốt và dự báo chuẩn, chúng ta có thể làm chủ được tình thế, có thể đảo chiều và dập tắt được những “cơn bão” đó để tạo dựng đồng thuận, phát huy dân chủ, ổn định xã hội, định hướng và tham mưu hiệu quả hơn.

“Điều đó đòi hỏi mỗi cộng tác viên dư luận xã hội phải không ngừng nỗ lực nâng cao năng lực, bản lĩnh chính trị, cố gắng, bền bỉ, tâm huyết và trách nhiệm trong công việc của mình. Mỗi cộng tác viên dư luận xã hội là một cái “cần ăng-ten” nhạy bén bắt sóng dư luận, là chiếc “hàn thử biểu” đo nhiệt độ tâm trạng xã hội và là một “chiến binh thầm lặng” trên mặt trận tư tưởng của Đảng, góp phần ý nghĩa vào sự nghiệp cách mạng”, đồng chí Võ Văn Phuông nhấn mạnh./.

Tin, ảnh: V.Lê