|
|
Phong trào "Dân vận khéo" góp phần xây dựng TP ngày càng phát triển vững mạnh. |
Từ năm 2018, phong trào thi đua “Dân vận khéo“ được cụ thể hóa với nội dung 5 không “Không để người nghèo, người yếu thế tụt hậu, bị bỏ quên; Không gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp; Không xả rác bừa bãi ra đường phố và kênh rạch; Không vi phạm luật giao thông đường bộ; Không tụ tập gây rối, ảnh hưởng an ninh chính trị, trật tự an toàn nơi cư trú và trên đường phố”, qua đó nhiều phong trào, mô hình được triển khai như “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Cả nước đoàn kết, chung sức đồng lòng thi đua, chống và chiến thắng đại dịch COVID-19”, “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở” và các phong trào do Thành phố duy trì, phát động như “Phong trào thi đua thường xuyên gắn với phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh”, “Thi đua cao điểm về cải cách hành chính”, “Thực hiện chính quyền số, chuyển đổi số…
Đặc biệt, trong thời gian bùng phát dịch COVID-19, đã có 1.082 mô hình Dân vận khéo của hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân được hình thành và triển khai thực hiện hiệu quả tại địa phương. Các mô hình tập trung các lĩnh vực: Cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ hành chính; làm việc ngoài giờ hành chính giải quyết thủ tục hành chính; ứng dụng các phần mềm trực tuyến công khai thủ tục hành chính, quy hoạch, tiếp thu, giải quyết các phản ánh của Nhân dân, doanh nghiệp; thực hiện liên thông một số lĩnh vực hộ tịch - tư pháp, nhà đất; trả hồ sơ tại nhà cho Nhân dân; theo dõi thông tin giải quyết hồ sơ qua kios…
Ban Thường vụ Thành ủy ban hành chương trình về đào tạo bồi dưỡng công tác dân vận, quy chế dân chủ ở cơ sở và Đề án số 04-ĐA/TU ngày 21/5/2021 về tổ chức, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về dân tộc - tôn giáo cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị Thành phố để kịp thời cung cấp thông tin và cập nhật kiến thức về lý luận, thực tiễn và một số kỹ năng cần thiết cho cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, cán bộ, công chức, viên chức, trong đó có chuyên đề về công tác dân vận của chính quyền, thực hiện dân chủ ở cơ sở; chỉ đạo Học viện Cán bộ thành phố, Sở Nội Vụ phối hợp đưa nội dung trên vào chương trình đào tạo, bồi dưỡng hàng năm đối với các đối tượng…
Kết quả, từ năm 2022 đến quý 2/2024 Ban Dân vận Thành ủy đã phối hợp tổ chức 24 lớp bồi dưỡng kiến thức về dân tộc, tôn giáo cho 2.406 học viên là cán bộ, công chức của thành phố Thủ Đức, quận, huyện, phường, xã, thị trấn; xét duyệt cử đi học 42 /120 hồ sơ đăng ký tham gia đào tạo trình độ thạc sĩ về dân tộc và tôn giáo; Ủy ban nhân dân Thành phố bồi dưỡng nghiệp vụ cho 470 cán bộ, công chức làm công tác tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2022 - 2026…
|
|
Kết quả từ năm 2007-2023, đã có 1.448 cá nhân, 574 tập thể được biểu dương điển hình “Dân vận khéo” cấp Thành phố. |
Phong trào thi đua “Dân vận khéo” dần trở thành phương thức quan trọng trong công tác dân vận. Đây được xem là một trong những điểm nhấn sáng tạo của Thành phố, là sự kết hợp hài hòa giữa “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” của từng cá nhân, tập thể ở mỗi tổ chức đảng, đoàn thể chính trị - xã hội trong thực hiện nhiệm vụ. Định kỳ tháng 10 hàng năm, Thành ủy chỉ đạo tổ chức các hoạt động kỷ niệm ngày Truyền thống công tác dân vận của Đảng với nội dung cụ thể, thiết thực; lãnh đạo cấp ủy quận, huyện, Thành ủy Thủ Đức, đảng ủy cấp trên cơ sở trực thuộc Thành ủy tổ chức hội nghị biểu dương, khen thưởng các điển hình tập thể, cá nhân tiêu biểu, trong đó có nhiều mô hình phát huy tốt vai trò làm chủ của Nhân dân cũng như giải pháp khắc phục những hạn chế, tồn tại ở nhiều lĩnh vực gắn với thực hiện dân chủ ở cơ sở, tạo sự hài lòng của người dân.
Kết quả từ năm 2007-2023, đã có 1.448 cá nhân, 574 tập thể được biểu dương điển hình “Dân vận khéo” cấp thành phố; 121.132 cá nhân, 30.096 tập thể được bình chọn, công nhận mô hình, biểu dương điển hình “Dân vận khéo” cấp cơ sở./..