Các đại biểu đồng bào dân tộc thiểu số chụp ảnh lưu niệm cùng lãnh đạo TP tại buổi họp mặt.

(Ảnh: Minh Dung)

Ngày 21/02/2024, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức buổi họp mặt đồng bào tiêu biểu các dân tộc thiểu số mừng xuân Giáp Thìn năm 2024. 

Đây là hoạt động định kỳ hàng năm do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức nhằm trân trọng ghi nhận những đóng góp quý báu của đồng bào các dân tộc thiểu số trên các lĩnh vực; đồng thời lắng nghe, ghi nhận những tâm tư tình cảm của đồng bào; qua đó tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp và vai trò tích cực của đồng bào tiêu biểu các dân tộc thiểu số Thành phố trong việc tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể phát động nhằm góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tiếp tục thực hiện mục tiêu xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình. 

Bà Phạm Thanh Tuyền - Phó Trưởng Ban Công tác phía Nam Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; ông Nguyễn Phước Lộc - Phó Bí thư Thành ủy; bà Trần Kim Yến - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố và 200 đại biểu là đồng bào tiêu biểu trên các lĩnh vực, người có uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số, gồm: Hoa, Chăm, Khmer, Tày, Nùng, Mường, Thái, Cơ Ho, Sán Chí, Sán Dìu, Ê đê, H’Mông... trên địa bàn Thành phố tham dự. 

Thông tin tình hình kinh tế - xã hội, kết quả thực hiện công tác dân tộc của Thành phố năm 2023, ông Nguyễn Thành Trung, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố nhấn mạnh: năm 2023, Thành phố tiếp tục quan tâm, làm tốt chính sách dân tộc như: thực hiện thường xuyên các chính sách giải quyết việc làm, chính sách dạy nghề, trợ vốn, chính sách giảm nghèo bền vững trong đồng bào dân tộc thiểu số. Kết quả, đã cấp thẻ bảo hiểm y tế cho 10.840 trường hợp, hỗ trợ 72 căn nhà ở, nhà tình thương; dạy nghề miễn phí và hỗ trợ việc làm cho hàng trăm trường hợp. Đồng thời, hỗ trợ vay vốn cho 615 trường hợp với số tiền gần 28,4 tỷ đồng; miễn học phí đối với học sinh dân tộc Chăm và Khmer, với tổng số tiền gần 3 tỷ đồng; hỗ trợ 50 giáo viên người dân tộc thiểu số dạy tiếng dân tộc với tổng số tiền gần 500 triệu đồng. TP Thủ Đức và các quận, huyện chủ động tổ chức thăm, tặng quà đồng bào dân tộc thiểu số thuộc các diện chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo, khó khăn, người già neo đơn, công nhân, học sinh và sinh viên khó khăn... với tổng số tiền hơn 12 tỷ đồng…

Đồng thời, Hệ thống MTTQ Việt Nam và tổ chức thành viên các cấp của Thành phố tích cực tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số phát huy nội lực, tiếp tục cùng Thành phố khắc phục khó khăn, động viên các dân tộc thiểu số tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đạt được một số kết quả như: Tập trung tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với đồng bào các dân tộc thiểu số; thực hiện hiệu quả các chính sách chăm lo đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số; tổ chức các hoạt động chăm lo chu đáo Tết Giáp Thìn nói riêng và tết cổ truyền của đồng bào dân tộc thiểu số nói chung. Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố phối hợp với Ban Dân tộc Thành phố tổ chức và tham mưu lãnh đạo Thành phố tổ chức nhiều đoàn đến thăm hỏi chăm lo, tặng quà và động viên các Hội quán, Thánh đường, Chùa Phật giáo Nam tông Khmer …. Lãnh đạo các quận, huyện, thành phố Thủ Đức cũng đã quan tâm, tạo điều kiện phát huy các hoạt động văn hóa, các lễ hội của các dân tộc ở địa phương, tổ chức đoàn đại biểu thăm, chúc mừng…. Trong năm qua, MTTQ Việt Nam Thành phố đã thực hiện tốt chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số; tổ chức chăm lo, hỗ trợ hơn 500 suất quà cho hộ nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, trao tặng hơn 600 học bổng hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh, sinh viên trong đồng bào dân tộc thiểu số…với tổng kinh phí là gần 1,5 tỷ đồng .

"Nhìn chung, công tác dân tộc trong năm 2023 được triển khai thực hiện nghiêm, luôn bám sát chỉ đạo của Trung ương, Thành ủy, kết quả thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc có nhiều chuyển biến tích cực, nâng cao chất lượng sống của đồng bào dân tộc cả về vật chất và tinh thần. Từ đó, tạo đồng thuận xã hội, giữ vững ổn định an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội của Thành phố."-ông Nguyễn Thành Trung nhấn mạnh.

Ông Vương Bái Xuyên, Nguyên Chánh Văn phòng Ban Bảo trợ Trung tâm Hoa văn Khải Tú, đại biểu dân tộc Hoa phát biểu ý kiến, cho rằng: Cộng đồng đồng bào dân tộc Hoa Thành phố gồm 5 nhóm ngôn ngữ chính: Quảng Đông, Triều Châu, Phúc kiến, Hải Nam, Khách Gia (còn gọi là HAKKA, Hẹ). Đồng bào dân tộc Hoa sinh sống ở hầu hết các quận, huyện nhưng tập trung chủ yếu ở khu vực Chợ lớn ( Quận 5, Quận 6, Quận 11, và các Quận 10, Tân Bình,…). Các doanh nghiệp đồng bào dân tộc Hoa chiếm tỷ lệ khoảng 30%, có những đóng góp đáng ghi nhận cho phát triển kinh tế của Thành phố, đồng thời là cầu nối quan trọng cho quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư của Việt Nam với thế giới. Tại Thành phố Hồ Chí Minh đã có gần 20 công trình được xếp hạng di tích có liên quan đến cộng đồng đồng bào dân tộc Hoa (chiếm 13,3%) về sự kiện lịch sử, nguồn gốc hình thành, tổ chức trực tiếp quản lý, hoạt động tín ngưỡng. Trong số đó có 16 di tích cấp Quốc gia, 03 di tích cấp Thành phố. Đồng bào dân tộc Hoa chủ yếu theo tín ngưỡng dân gian gắn bó với các tổ chức hội quán, đền thờ họ… cho nên hằng năm ủng hộ hàng tỷ đồng cho các hoạt động từ thiện xã hội, bảo trợ các hoạt động văn hóa, giáo dục của cộng đồng mình.

Ông Vương Bái Xuyên cho hay, bà con các dân tộc nhất là đồng bào người Hoa Thành phố rất phấn khởi trước sự quan tâm của Đảng, Chính quyền Thành phố đã có những chính sách thiết thực để bà con yên tâm làm ăn, đóng góp cho sự phồn thịnh của Thành phố và đất nước Việt Nam thân yêu. Bà con người Hoa hiện nay rất yên tâm phát huy tiềm lực để tham gia bảo vệ và xây dựng cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn. Với sự quan tâm sâu sát của các cấp Chính quyền các nét đẹp văn hóa nghệ thuật của các dân tộc được lưu truyền và phát triển, được sự công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của Nhà nước, Thành phố như lễ hội Nguyên tiêu, các Hội quán người Hoa được cấp bằng di tích ... với vai trò người uy tín trong cộng đồng, tích cực tham gia vận động bà con không tham gia các hoạt động mê tín, dị đoan, tuyên truyền pháp luật để bà con thông hiểu không vi phạm các quy định của Nhà nước, tham gia đóng góp xây dựng phường xã văn hóa. Qua đó nhiều người đã được giới thiệu vào hàng ngũ của Đảng.

Ông Hứa SaNi, Phó Trưởng Khoa Văn hóa Dân tộc Trường Đại học Văn hóa  Thành phố Hồ Chí Minh, đại diện đồng bào dân tộc Khmer phát biểu ý kiến cho biết, mặc dù gặp những khó khăn về kinh tế và cuộc sống do hậu quả của đại dịch COVID-19 để lại từ những năm trước, nhưng TP vẫn phát triển vươn lên không ngừng. Các hoạt động sản xuất kinh doanh, văn hóa, giáo dục, du lịch luôn vận động “hối hả” trong trạng thái tăng trưởng hàng ngày, hàng giờ, tạo ra vô vàng công ăn việc làm cho hàng triệu người dân... Những thành quả đó chính là nhờ sự lãnh, chỉ đạo sáng suốt của Thành ủy, UBND Thành phố, của các ngành các cấp. Đặc biệt việc triển khai thực hiện các chính sách dân tộc cho con em đồng bào dân tộc thiểu số tại Thành phố cũng luôn kịp thời, đúng đắn và đầy đủ. Trong đó đáng chú ý là việc triển khai thực hiện đề án “Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số Viêt Nam trong giai đoạn hiện nay trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025, cùng với sự quan tâm của Ban dân tộc và các địa phương đã tổ chức nhiều hội thi về trang phục truyền thống dân tộc, mở ra cơ hội mới cho cộng đồng các dân tộc, trong đó có cộng đồng người Khmer đang sinh sống tại thành phố được  giới thiệu, quảng bá sắc màu đẹp đẽ từ những bộ trang phục truyền thống đến với công chúng.

"Chính điều này càng làm cho chúng tôi tự hào khi được sống, học tập, làm việc và cống hiến cho thành phố. Chúng tôi mong rằng lãnh đạo thành phố tiếp tục quan tâm và có nhiều chính sách thiết thực hơn nữa trong thời gian tới để đồng bào dân tộc thiểu số chúng tôi ngày càng an tâm hơn, cố gắng làm việc nhiều hơn, cống hiến nhiều hơn cho Thành phố thân yêu của mình, góp một phần nhỏ bé để cùng xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh giàu mạnh."-Ông Hứa SaNi chia sẻ.

Cùng quan điểm trên, ông Res A Bidine, Trưởng Ban quản trị Thánh đường Mubarak Phường 2, Quận 8 đại diện đồng bào dân tộc Chăm nói: "trong những năm qua bà con dân tộc Chăm đã nhận được sự quan tâm giúp đỡ rất nhiều từ các ban, ngành đoàn thể các cấp của Thành phố như: Hỗ trợ an sinh xã hội, xây nhà tình thương, cấp học bổng cho các em học sinh……từ một dân tộc thiểu số các cháu có trình độ học vấn thấp đến nay tôi rất vui mừng được đứng đây thay mặt mọi người chia vui với các vị lãnh đạo rằng nhờ sự quan tâm hỗ trợ của lãnh đạo thành phố và những suất học bổng đó đã chắp cánh ước mơ cho cả thế hệ con em dân tộc Chăm, đã có một số em vào ngành y làm bác sĩ tại các bệnh viện tham gia phục vụ chữa bệnh cho mọi người, một số em học cao học và đặc biệt có em là giáo viên đứng lớp giảng dạy tại các trường học, điều mà trước đây chúng tôi không bao giờ dám mơ ước. Nắm bắt được nhu cầu thực tiễn của khách du lịch tại các nước Hồi giáo đến tham quan tại Thành phố Hồ Chí Minh chúng tôi cũng đã đóng góp những dự thảo về việc thiết kế khu vực ẩm “Halal food” nhằm phục vụ nhu cầu thưởng thức ẩm thực của dân tộc Chăm giới thiệu văn hóa Chăm đến khách du lịch nhằm góp phần mang lợi ích kính tế cho thành phố. Nhận thức được bản thân là người có uy tín trong công đồng chúng tôi tâm niệm mình là chiếc cầu nối giữa chính quyền, các dân tộc anh em tại thành phố và bà con dân tộc Chăm, chúng tôi luôn quan tâm đến đời sống của mọi người tham mưu đến các vị lãnh đạo ban ngành, đoàn thể các cấp kịp thời hỗ trợ động viên cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn bên cạnh đó ở chiều ngược lại chúng tôi luôn chủ động truyền đạt đến bà con dân tộc Chăm tiếp thu những nghị quyết chủ trương của Đảng, pháp luật của nhà nước, các chính sách của thành phố để mọi người luôn sống “Tốt đạo, đẹp đời” góp phần giữ gìn an ninh trật tự xã hội và góp phần vào sự phát triển chung của thành phố." 

Ông Nguyễn Phước Lộc, Phó Bí thư Thành ủy, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh kết hợp với các ban, ngành liên quan tiếp tục thực hiện hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc. Trong đó, đặc biệt quan tâm, cụ thể hóa Nghị quyết 43 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc. Triển khai hiệu quả các chính sách chăm lo đồng bào dân tộc củaThành phố Hồ Chí Minh gắn với việc huy động sự tham gia và phát huy vai trò giám sát của người dân trong việc triển khai thực hiện các chính sách, động viên khuyến khích sự nỗ lực vươn lên của cá nhân, gia đình đồng bào dân tộc. Đồng thời, cần duy trì nâng cao chất lượng các hoạt động nhân Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam nhằm nâng cao đời sống văn hóa tinh thần và tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc tiếp tục giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá của dân tộc. Tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thực hiện tốt phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa…

Ông Nguyễn Phước Lộc kêu gọi các tầng lớp nhân dân TP và các đại biểu là đồng bào tiêu biểu tiếp tục lan tỏa, truyền động lực phấn đấu, mở rộng ảnh hưởng đến tất cả các tầng lớp nhân dân để đồng bào dân tộc tiếp tục đoàn kết, gắn bó, cùng chung sức phấn đấu, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và phát triển TP. Bên cạnh đó, tham gia các phong trào, các cuộc vận động, các đợt thi đua cao điểm kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và cùng thực hiện Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị về phương hướng nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu đưa Thành phố Hồ Chí Minh sớm hoàn thành mục tiêu trở TP văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

Thay mặt Ủy ban MTTQ Việt Nam TP, đồng chí Trần Kim Yến khẳng định, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP tiếp tục cùng với Ủy ban MTTQ  Việt Nam các quận, huyện, TP Thủ Đức tiếp tục tổ chức các phong trào thi đua yêu nước, trong đó phát huy vai trò và sự tích cực tham gia của đồng bào dân tộc. 

Nhân dịp này, Lãnh đạo Thành phố có những phần quà nhỏ là các bao lì xì với ý nghĩa là mong muốn những điều may mắn, tốt đẹp nhất đến với các đại biểu đồng bào các dân tộc thiểu số trong năm 2024./.

CM