leftcenterrightdel
Các diễn giả trao đổi tại tọa đàm. (Ảnh: Báo Hải quan)

Ngày 10/8/2023, trong khuôn khổ Triển lãm Quốc tế Logistics Việt Nam 2023 (VILOG 2023) và Triển lãm Thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới diễn ra tại TP Hồ Chí Minh, Tạp chí Hải quan tổ chức Tọa đàm với chủ đề “Hải quan đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển hoạt động logistics, nâng cao sức cạnh tranh hàng hóa xuất nhập khẩu”.

Tọa đàm có sự tham gia của đại diện Tổng cục Hải quan, Cục Hải quan các tỉnh, thành phố; Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương); Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam; sở, ngành TP Hồ Chí Minh; các hiệp hội doanh nghiệp và hơn 200 doanh nghiệp hoạt động các lĩnh vực: logistics, xuất nhập khẩu, cảng biển, kinh doanh kho bãi, chuyển phát nhanh, đại lý thủ tục hải quan, ngân hàng.

Tại tọa đàm, các diễn giả, đại biểu đã tập trung thảo luận các vấn đề chính về thực trạng hoạt động logistics và những rào cản, hạn chế; các chính sách phát triển logistics của Việt Nam gồm: phát triển, kết nối hạ tầng về giao thông, cảng, kho bãi…; phát triển, kết nối hạ tầng về công nghệ vận hành, đào tạo nhân lực, thiết lập hệ sinh thái xanh...; đặc biệt, những chính sách mới và vai trò của ngành Hải quan đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo thuận lợi thương mại và logistics phát triển, cũng như chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp, hiến kế để góp phần thúc đẩy phát triển mạnh mẽ hơn nữa dịch vụ logistics, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa Việt Nam cạnh tranh với thế giới.

Phát biểu tại tọa đàm, bà Vũ Thị Ánh Hồng, Tổng Biên tập Tạp chí Hải quan, Trưởng Ban tổ chức nhấn mạnh: Dịch vụ logistics không chỉ góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế của Việt Nam mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc tạo lập mạng lưới vận chuyển hiệu quả, kết nối thương mại trong nước với các thị trường quốc tế.

Trong những năm qua, ngành Hải quan đã có nhiều hoạt động đồng hành cùng các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp logistics nói riêng; đồng thời nỗ lực cải cách, hiện đại hoá hoạt động hải quan, đặc biệt là áp dụng rộng rãi thủ tục hải quan điện tử, soi chiếu container, tăng tỷ lệ luồng xanh (miễn kiểm tra hàng hoá) và luồng vàng (kiểm tra chứng từ), giảm tỷ lệ luồng đỏ (kiểm tra thực tế hàng hóa tại cửa khẩu), áp dụng quản lí rủi ro… góp phần quan trọng giúp thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu nhanh chóng, giúp cho các doanh nghiệp logistics đẩy nhanh được tốc độ vận chuyển, giao hàng, qua đó nâng cao được uy tín với khách hàng, thúc đẩy cạnh tranh hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam ra thế giới...

Tuy nhiên, theo đánh giá, phát triển dịch vụ logistics hiện chưa tương xứng với tiềm năng hiện có và định hướng phát triển,Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) Trần Thanh Hải - nhận định: “Đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông và hạ tầng dịch vụ chậm và thiếu đồng bộ đang là “điểm nghẽn” khiến ngành logistics chưa phát triển như kỳ vọng…”.

Ngoài ra, cả nước chưa có trung tâm logistics lớn, liên kết liên vùng chưa tốt; kết cấu hạ tầng và kết nối giao thông trong vùng, giữa cảng biển, cảng hàng không, kho bãi, khu công nghiệp còn hạn chế; tỷ lệ chi phí logistics so với GDP của Việt Nam còn cao (khoảng 18% GDP). Điều này hạn chế sức cạnh tranh và sức hấp dẫn đầu tư của nền kinh tế. Vì vậy, kéo giảm chi phí logistics trở thành một đòi hỏi cấp bách của nền kinh tế...

Đại diện Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn, đã đề xuất một số giải pháp phát triển logistics tại Việt Nam. Trong đó, nhóm giải pháp về quy hoạch, cơ sở hạ tầng, chính sách, đề nghị đẩy nhanh tiến độ đầu tư vào xây dựng các cảng hàng, sân bay và các cơ sở kho bãi hiện đại để nâng cao khả năng lưu thông và quản lý hàng hóa; tăng cường đầu tư vào các tuyến đường vận tải, bao gồm cả đường bộ, đường sắt và đường thủy để nâng cao khả năng vận chuyển hàng; đồng bộ trong quản lý và giám sát hoạt động logistics để giảm thiểu tồn đọng hàng hóa và lãng phí tài nguyên; đẩy nhanh tiến độ triển khai phát triển các trung tâm logistics của TP Hồ Chí Minh theo quy hoạch hoàn chỉnh, mang tính lâu dài và đồng bộ với các quy hoạch tổng thể; giao các doanh nghiệp có kinh nghiệm khai thác cảng và cung cấp giải pháp dịch vụ logistics để triển khai các trung tâm này, nhằm đem lại hiệu quả hoạt động của các trung tâm logistics, kết nối các trung tâm logistics với hệ thống các cảng cửa ngõ; đồng thời thực hiện chuyển đổi số, chuyển đổi xanh trong ngành logistics; coi đây vừa là yêu cầu vừa là động lực để đổi mới và phát triển bền vững ngành logistics Việt Nam trong thời gian tới…/..

PV