|
|
TP Hồ Chí Minh đang triển khai nhiều đồ án quy hoạch, chương trình để cứu môi trường nước, chống ngập và cấp nước sạch cho người dân - Ảnh: Lê Phan
|
GS.TS Nguyễn Văn Phước - Chủ tịch Hội Nước và Môi trường TP Hồ Chí Minh cho rằng, vấn đề quy hoạch thoát nước TP Hồ Chí Minh đến năm 2020 theo quyết định số 752 của Thủ tướng là cơ sở pháp lý quan trọng trong việc quản lý đầu tư xây dựng và cải tạo hệ thống thoát nước của Thành phố nhưng đã hết thời hạn quy hoạch. Trong khi đó điều chỉnh quy hoạch chung TP Hồ Chí Minh đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 hiện đang thực hiện và chưa được trình duyệt. Hai yếu tố này dẫn tới một số dự án đã và đang trong giai đoạn kêu gọi đầu tư sẽ không đủ cơ sở pháp lý để tiếp tục thực hiện. Bên cạnh đó, nhiều dự án liên quan đến việc đấu nối với hệ thống thoát nước mặt đô thị, thu gom và xử lý nước thải sẽ trở nên không đồng bộ, chồng chéo. Do đó, nếu không sớm có một đồ án quy hoạch tổng thể, định hướng thoát nước, thu gom và xử lý nước thải cho các khu vực của Thành phố sẽ rất khó thực hiện được.
Được biết, hiện nay Thành phố có 3 đồ án quy hoạch như: Quy hoạch chung xây dựng TP Hồ Chí Minh đến năm 2025; quy hoạch tổng thể thoát nước Thành phố và Quy hoạch hệ thống thoát nước và xử lý nước thải khu vực dân cư, khu công nghiệp thuộc lưu vực sông Đồng Nai đến năm 2030.
Theo ông Đặng Phú Thành, Phó giám đốc Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh thì các đồ án này đều định hướng các khối lượng công việc sẽ triển khai thực hiện theo từng giai đoạn 2020, 2025, 2030. Đồng thời, khi triển khai thực hiện các dự án đều tính toán phù hợp theo quy hoạch, quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành.
Cũng theo ông Thành , thời gian qua, UBND Thành phố đã chỉ đạo các sở, ngành Thành phố tập trung hoàn tất các công việc điều chỉnh các đồ án quy hoạch nêu trên. “Ngoài đồ án quy hoạch, Thành phố cũng căn cứ vào đồ án quy hoạch 1/2000 và quy hoạch chi tiết 1/500 để khi lập dự án thiết kế việc đấu nối hệ thống thoát nước nói riêng và hệ thống hạ tầng kỹ thuật nói chung. Thành phố sẽ thực hiện đồng bộ trong quá trình đầu tư”, đồng chí Đặng Phú Thành nhấn mạnh.
Trước thực tế trên, nhiều người dân Thành phố bày tỏ sự băn khoăn khi Thành phố triển khai quy hoạch nhiều như vậy, dự án cũng khá nhiều nhưng trên thực tế, những đợt mưa, triều cường vẫn làm ngập nhiều tuyến đường. Do vậy, Thành phố cần phải tính toán, có giải pháp thiết thực hơn nữa trong thời gian tới.
Về vấn đề nước sạch, với tốc độ phát triển của Thành phố tương lai khoảng hơn 14 triệu dân, ông Nguyễn Thanh Sử, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV (Sawaco) cho biết, Sawaco chủ động xây dựng đề án trình cho UBND Thành phố về phát triển hệ thống cấp nước TP Hồ Chí Minh, giai đoạn 2020 - 2050. Theo đó, đến 2025, nâng công suất các nhà máy lên 2,9 triệu m3/ngày, đêm; đến năm 2030 nâng lên 3,6 triệu m3/ngày, đêm; và đến năm 2050 nâng lên 6,1 triệu m3/ngày, đêm. Cụ thể, Sawaco chủ động đầu tư nâng cấp xây mới 2 nhà máy, với công suất 500.000 m3/ngày, đêm; nâng cấp và cải tạo xử lý ở các nhà máy để đảm bảo cung cấp cho nhu cầu của người dân.
Về vấn đề trên, Ủy viên Thường trực, Trưởng ban Đô thị HĐND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Thanh Vân đánh giá cao những nỗ lực của chính quyền Thành phố đã đạt được trong thời gian qua về duy trì tỷ lệ 100% người dân Thành phố được sử dụng nước sạch; về an toàn nguồn nước; về hạn chế sử dụng nước ngầm… Đồng thời, bà nhấn mạnh, Sawaco cần nghiên cứu, xây dựng, phát triển mạng lưới cấp nước đảm bảo 100% người dân Thành phố được sử dụng nước sạch; giảm tỷ lệ thất thoát nước dưới 15%; tăng cường ứng dụng công nghệ, kỹ thuật số trong quản lý mạng lưới cấp nước và mang lại sự tiện nghi cho người dân. Đặc biệt, Thành phố cần tăng cường xã hội hóa, thu hút nguồn lực đầu tư từ các thành phần kinh tế để đảm bảo tổ chức thực hiện tốt các chỉ tiêu về cấp nước, giảm ngập, phát triển hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TP Hồ Chí Minh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025; thực hiện được chỉ tiêu đề ra trong Chương trình chống ngập và xử lý nước thải Thành phố giai đoạn 2021 - 2025 nhằm cải thiện chất lượng sống cho người dân, bảo vệ môi trường cho Thành phố.
Sở Xây dựng cần phối hợp Sở Quy hoạch - Kiến trúc cập nhật quy hoạch cấp, thoát nước với Điều chỉnh Quy hoạch chung của Thành phố, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về hoạt động cấp, thoát nước trên địa bàn Thành phố; làm cơ sở cho việc triển khai các dự án đầu tư xây dựng mới, cải tạo và nâng cấp hệ thống cấp, thoát nước trên địa bàn Thành phố.
Cùng với đó, Sở Xây dựng Thành phố cần đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư phát triển mạng lưới thoát nước, xây dựng nhà máy xử lý nước thải trên địa bàn Thành phố để thực hiện được các chỉ tiêu, nhiệm vụ trong Đề án, Kế hoạch và Chương trình chống ngập và xử lý nước thải địa bàn.
Cùng với sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt của chính quyền, mỗi người dân Thành phố cũng cần hưởng ứng tích cực việc gìn giữ vệ sinh môi trường, bảo vệ nguồn nước và không xả rác ra biển, sông, kênh, rạch, cống…/..