Toàn cảnh tọa đàm.

Ngày 25/7, Thường trực Hội đồng Nhân dân (HĐND) TP Hồ Chí Minh phối hợp cùng Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh tổ chức tọa đàm về kinh nghiệm trong hoạt động giám sát năm 2023.

Bà Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh; bà Trần Kim Yến, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh; ông Nguyễn Văn Dũng, Thành ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh chủ trì tọa đàm.

Tọa đàm tập trung đề xuất các giải pháp để triển khai thực hiện công tác giám sát của Hội đồng nhân dân Thành phố, Thường trực HĐND Thành phố, các Ban của HĐND Thành phố, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn Thành phố được hiệu quả, thiết thực.

Phát biểu đề dẫn toạ đàm, bà Trần Kim Yến nhận định, thời gian qua, Thường trực HĐND Thành phố phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố và các tổ chức chính trị - xã hội Thành phố triển khai thực hiện có hiệu quả vai trò giám sát của nhân dân và phát huy quyền giám sát của nhân dân đối với các cơ quan chính quyền các cấp của Thành phố. Qua hoạt động giám sát đã giúp cho chính quyền các cấp thấy được những tồn tại, hạn chế, từ đó nâng cao tinh thần trách nhiệm trong việc giải quyết các vấn đề bức xúc của nhân dân.

Tuy nhiên, bà Trần Kim Yến cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn có có một số khó khăn, bất cập trong thực hiện công tác giám sát của HĐND, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp. Cụ thể như: chất lượng, hiệu quả công tác giám sát một số nơi chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa phát huy mạnh mẽ vai trò, sự tham gia của các thành viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Nhân dân; việc xây dựng, triển khai các kế hoạch giám sát có lúc, có nơi chưa chủ động, kịp thời, thiếu trọng tâm, trọng điểm, còn hình thức; có lúc, có nơi còn chồng chéo, trùng lắp về nội dung, đối tượng giám sát; các ý kiến, kiến nghị sau giám sát chưa sâu, tính thuyết phục chưa cao; việc theo dõi, đôn đốc giải quyết kiến nghị sau giám sát một số nơi thiếu quyết liệt, chưa đi đến cùng; một số tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, trách nhiệm chưa thực hiện nghiêm túc việc trả lời, giải quyết các ý kiến, kiến nghị sau giám sát;…

Tại toạ đàm, các đại biểu đại diện các đơn vị, địa phương đã tham gia trao đổi các nội dung liên quan đến công tác phối hợp giữa các đơn vị trong công tác giám sát; những thuận lợi, vướng mắc khi thực hiện quy trình giám sát; việc lựa chọn đối tượng, nội dung, thành phần Đoàn giám sát; việc giám sát đối với chi ủy chi bộ trực thuộc Đảng bộ phường, xã, thị trấn; những thuận lợi, khó khăn khi thực hiện và phát huy vai trò giám sát của Nhân dân; việc xây dựng kế hoạch giám sát và kinh phí tổ chức giám sát; việc thực hiện Đề án 06-ĐA/TU giám sát đối với tổ chức Đảng và chính quyền cùng cấp.

Trao đổi về “Đổi mới phương pháp giám sát của Hội Cựu Chiến binh các cấp phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Hội”, ông Phạm Ngọc Đại, Phó Trưởng Ban kiểm tra Hội Cựu Chiến binh TP Hồ Chí Minh cho biết, Hội Cựu chiến binh các cấp trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã tổ chức chủ trì giám sát 977 cuộc đối với 2.068 cơ quan, tổ chức, đơn vị với nội dung giám sát toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, trong đó, cấp thành Hội tổ chức giám sát đối với 19 Ban thường vụ quận, huyện ủy và Ủy ban Nhân dân cấp quận, huyện gồm 46 nội dung; quá trình tiến hành, nội dung, phạm vi giám sát được xem xét một cách tổng thể, phù hợp đặc điểm tình hình của từng địa phương, đơn vị; trên cơ sở đó, thống nhất đánh giá toàn diện về ưu điểm, hạn chế khuyết điểm và có 58 đề xuất kiến nghị xác đáng; lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương nơi được giám sát đã ghi nhận, tiếp thu, sửa chữa, điều chỉnh; các thông báo kết quả giám sát đăng công khai trên trang thông tin điện tử Cựu chiến binh Thành phố. Qua đó, phát huy vai trò của tổ chức Hội Cựu chiến binh các cấp tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Cựu chiến binh và Nhân dân. Các cấp ủy Đảng, chính quyền đã nêu cao trách nhiệm, phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức Hội các cấp hoàn thành nhiệm vụ giám sát; chỉ đạo các ngành chức năng tiếp thu, giải quyết kịp thời các đề xuất kiến nghị sau giám sát, đáp ứng cơ bản yêu cầu, nguyện vọng của Cựu chiến binh và Nhân dân, góp phần phát huy dân chủ, tăng cường sự đồng thuận xã hội.

Để có được kết quả nêu trên, Đảng đoàn Thành Hội đã chủ động, kịp thời ban hành các văn bản thể chế hóa thành chỉ tiêu, quy định cụ thể để lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng tổ chức Hội các cấp thực hiện công tác giám sát. Tổ chức các hội nghị tập huấn, bồi dưỡng, rút kinh nghiệm hàng năm,phát huy ưu điểm, biểu dương, khen thưởng, nhân rộng điển hình tốt, chấn chỉnh yếu kém lệch lạc, bám sát chức năng, nhiệm vụ, đổi mới phương pháp, xây dựng cách làm hay, sáng tạo, ngày càng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát.

Cùng quan điểm trên, bà Trịnh Thị Thanh, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố cho rằng, để nâng cao hiệu quả công tác giám sát, các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ cần quan tâm thực hiện một số nhóm giải pháp: nâng cao năng lực cán bộ hội và lựa chọn thành phần đoàn giám sát có chuyên môn, kinh nghiệm về nội dung công tác được giám sát; lựa chọn đúng nội dung, thực hiện đúng quy trình giám sát; tăng cường công tác chỉ đạo của cấp ủy đảng về công tác giám sát; đối với giám sát vụ việc liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ và trẻ em, các cấp hội tham gia hỗ trợ giải quyết, giám sát các cơ quan giải quyết vụ việc theo đúng quy trình, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức hội.

leftcenterrightdel
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Thị Lệ phát biểu kết luận.

Cùng với đó, các cấp ủy Đảng tiếp tục quan tâm chỉ đạo thực hiện đúng, đầy đủ công tác giám sát của các tổ chức đoàn thể trong đó có Hội Liên hiệp Phụ nữ theo Quyết định số 217-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị (khóa XI) về “Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội”; Các đơn vị được giám sát quan tâm chuẩn bị đầy đủ nội dung, cử thành phần tham dự sát với yêu cầu giám sát, khắc phục những hạn chế được đoàn giám sát chỉ ra trong quá trình giám sát.

Bà Huỳnh Thị Kim Xuyến, Phó chủ tịch Hội Nông dân Thành phố trao đổi về “Phát huy hiệu quả vai trò giám sát của tổ chức Hội các cấp đối với tổ chức, cá nhân trong quá trình xây dựng nông thôn mới tại các huyện” nhấn mạnh, Hội Nông dân thành phố Thủ Đức, huyện, quận đã tổ chức hơn 146 cuộc giám sát; Hội Nông dân cơ sở đã chủ trì, phối hợp, tham gia cùng Mặt trận Tổ quốc cùng cấp và các đoàn thể tổ chức 872 cuộc giám sát. Sau mỗi cuộc giám sát, Ban Thường vụ Hội Nông dân các cấp đều ban hành dự thảo báo cáo kết quả giám sát và dự thảo thông báo kết quả, lấy ý kiến góp ý của thành viên đoàn giám sát, đơn vị được giám sát trước khi ban hành. Thông qua công tác giám sát, các cấp Hội đã góp phần xây dựng và thực hiện đúng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; kịp thời phát hiện những sai sót, hạn chế, tồn tại và kiến nghị sửa đổi, bổ sung các chính sách cho phù hợp; phát huy quyền làm chủ của hội viên, nông dân, góp phần xây dựng Đảng, Chính quyền trong sạch, vững mạnh, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, nông dân như kiến nghị các cấp có thẩm quyền tháo gỡ những tồn tại trong sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật tư nông nghiệp và trực tiếp tư vấn, giúp đỡ nông dân để việc chăn nuôi, kinh doanh, việc thực hiện quyết định 655-QĐ/UBND được thực hiện theo đúng pháp luật. Tiếp tục thực hiện thí điểm xây dựng các công trình phụ trợ phục vụ sản xuất nông nghiệp ...

Phát biểu kết luận tọa đàm, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Lệ cho biết có nhiều bài học, kinh nghiệm trong công tác giám sát, nhất là ở cơ sở từ những khó khăn, vướng mắc mà đại biểu đề cập, chia sẻ tại tọa đàm. Từ đây cũng đặt ra cho Thường trực HĐND thành phố, Thường trực Ủy ban MTTQ thành phố cần có giải pháp gì để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trên.

Theo Chủ tịch HĐND thành phố, thực hiện chính quyền đô thị, 16 quận không có HĐND cùng cấp thì quy chế, công tác phối hợp giữa chính quyền mà mặt trận như thế nào. Thực tế, có địa phương làm nhưng cũng có địa phương chưa thực hiện việc này. Do đó, quy chế phối hợp giữa chính quyền quận và mặt trận cần được đẩy mạnh hơn.

Để công tác giám sát trong thời gian tới hiệu quả, thiết thực, Chủ tịch HĐND thành phố nhấn mạnh công tác cán bộ rất quan trọng, phải bồi dưỡng đội ngũ này.

“Thực hiện công tác giám sát không dễ. Đôi khi đi giám sát mà không dám hỏi, không dám đặt vấn đề với đơn vị mình đang giám sát”- Chủ tịch HĐND thành phố chia sẻ và đề nghị phải tập huấn bằng nhiều cách cho đội ngũ làm công tác giám. Nội dung, hình thức tập huấn cần đa dạng, phù hợp, có thể thể hiện dưới dạng tình huống. Cách làm như vậy sẽ hiệu quả hơn, cán bộ sẽ nhớ lâu hơn.

Bên cạnh đó, Chủ tịch HĐND thành phố cũng lưu ý cần tránh trùng lắp hoạt động giám sát, thanh tra, kiểm tra. Không để một đơn vị mà một năm tiếp 3-4 đoàn giám sát, thanh – kiểm tra.

Liên quan đến các khó khăn khi thực hiện giám sát theo Chỉ thị 13-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy thành phố về lãnh đạo thực hiện Đề án 06-ĐA/TU “Nâng cao vai trò của MTTQ Việt Nam và nhân dân giám sát tổ chức Đảng, đảng viên và hoạt động của chính quyền các cấp TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 - 2030” mà đại biểu đề cập, Chủ tịch HĐND thành phố đề nghị Ủy ban MTTQ thành phố tiếp thu và hướng dẫn cơ sở thực hiện. Đồng thời tiếp tục nghiên cứu để tổ chức những buổi bồi dưỡng, trao đổi kinh nghiệm để công tác giám sát của hệ thống mặt trận ngày càng hiệu quả./.

CM