Mô hình trồng sứ Thái nhà ông Trương Văn Phượng, ấp 6, xã Hưng Long (Vườn sứ Ba Đô).
Hàng năm, Ban Thường vụ Huyện ủy có kế hoạch xác định cụ thể thời gian tổ chức tiếp xúc, đối thoại với đoàn viên, hội viên và nhân dân. Phân công trách nhiệm cụ thể cho Ban Dân vận Huyện ủy tham mưu chương trình, nội dung gặp gỡ, tiếp xúc, đối thoại với đoàn viên, hội viên Hội Nông dân.
Trước khi tiếp xúc, đối thoạ, Bí thư Huyện ủy chỉ đạo Ban Dân vận Huyện ủy phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội rà soát, thống kê, tổng hợp, phân tích những vấn đề đoàn viên, hội viên và nông dân quan tâm; chuẩn bị các điều kiện vật chất, bảo đảm cuộc tiếp xúc, đối thoại được tổ chức nghiêm túc. Trên cơ sở tổng hợp những vấn đề đoàn viên, hội viên nông dân quan tâm, người đứng đầu cấp ủy, người đứng đầu chính quyền chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan nghiên cứu chuẩn bị nội dung để giải thích, xem xét, đề xuất hướng giải quyết những bức xúc, kiến nghị của nông dân trong hội nghị tiếp xúc, đối thoại. Các ý kiến phản ánh, kiến nghị có nội dung cụ thể, rõ ràng đúng luật được Bí thư Huyện ủy chỉ đạo giải quyết ngay tại hội nghị. Các nội dung còn có ý kiến khác nhau giữa nông dân và các cơ quan chức năng được trao đổi, tranh luận thẳn thắng để tìm tiếng nói chung, những vấn đề nông dân chưa rõ được giải thích cặn kẽ, qua đó góp phần thấu hiểu, chia sẻ, tăng cường sự đồng thuận giữa nông dân và cấp ủy, chính quyền địa phương.
Sau buổi tiếp xúc, đối thoại những ý kiến, kiến nghị chính đáng, hợp pháp đều được Huyện ủy tiếp thu, ghi nhận bằng văn bản và giao cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan nghiên cứu, xem xét giải quyết. Giao Ban Dân vận Huyện ủy, Văn phòng Huyện ủy chịu trách nhiệm theo dõi, đôn đốc tiến độ giải quyết. Định kỳ các cơ quan chức năng báo cáo tiến độ giải quyết cho Thường trực Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện và thông báo cho đoàn viên, hội viên nông dân; Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính thị - xã hội theo dõi, giám sát và tuyên truyền, phổ biến đến đoàn viên, hội viên nông dân.
Trong thời gian qua, Ban Thường vụ Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện, xã, thị trấn đã tổ chức 56 Hội nghị tiếp xúc, gặp gỡ, đối thoại với 5.590 cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên nông dân tham dự, có 670 ý kiến phát biểu về các lĩnh vực như: Việc công khai quy hoạch, công khai phương án bồi thường các dự án, tiến độ thi công các dự án còn chậm; cần chế tài nặng các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất xả thải gây ô nhiễm môi trường; việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy phép xây dựng còn nhiều khó khăn, chậm trễ; việc xây dựng và thực hiện các chủ trương phát triển kinh tế - Văn hóa- Xã hội. Các ý kiến đều được tiếp thu trả lời, giải trình tại hội nghị 546/670 ý kiến, đạt 81%. Riêng 124 ý kiến có liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều cấp chính quyền Thành phố, huyện, xã thị trấn như: ô nhiễm môi trường, đất đai, xây dựng, giá bồi thường một số dự án. Đến nay đã trả lời 102/124 trường hợp, đạt 82%, còn 22 trường hợp tiếp tục thực hiện. Qua tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với đoàn viên, hội viên nông dân, đa số ý kiến, kiến nghị đều được người đứng đầu cấp ủy, chính quyền tập trung giải quyết hiệu quả, tạo được niềm tin trong nông dân.
Đối với kiến nghị tháo gỡ khó khăn trong xây dựng các công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp trên đất nông nghiệp, thông qua đề xuất, kiến nghị của đoàn viên, hội viên Hội Nông dân, Thường trực Huyện ủy, Thường trực UBND huyện kịp thời chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với UBND xã - thị trấn xem xét từng trường hợp cụ thể, qua đó đã giúp hội viên nông dân triển khai mở rộng một số mô hình sản xuất nông nghiệp trên đất nông nghiệp đạt hiệu quả kinh tế tại xã Qui Đức, Đa Phước, Tân Quý Tây, Hưng Long, Bình Chánh; giải quyết nhu cầu xây dựng công trình chứa vật tư nông nghiệp cho một số hộ nông dân trồng mai vàng xã Bình Lợi; xây dựng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như: mô hình trồng dưa lưới ở xã Bình Lợi, Lê Minh Xuân,... từ đó tạo được lòng tin của đoàn viên, hội viên nông dân đối với cấp ủy, chính quyền.
Đồng thời, tháo gỡ khó khăn và đảm bảo cho sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện phát triển bền vững, Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo UBND huyện xây dựng Đề án về thí điểm cho phép xây dựng công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Bình Chánh, xin chủ trương của UBND thành phố theo công văn 3680/ UBND-ĐT ngày 25/9/2022 của UBND thành phố như thực hiện thí điểm xây dựng công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp trên đất nông nghiệp khác và phi nông nghiệp khác tại các huyện Củ Chi, Cần Giờ, Nhà Bè.
Hội Nông dân xã An Phú Tây phối hợp tổ chức giao giống mô hình trình diễn “Trồng lan Dendrobium”.
Qua tổ chức tiếp xúc, đối thoại đã giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc của hội viên nông dân, giúp nông dân mạnh dạn đầu tư sản xuất nông nghiệp, từ đó trên địa bàn huyện có những gương nông dân điển hình tiêu biểu trong sản xuất, kinh doanh như: mô hình nuôi cá cảnh của hộ anh Nguyễn Tấn Phong xã Bình Lợi với diện tích gần 100.000m2 nuôi cá chép Koi, tổng doanh thu năm 2020 là 13 tỷ, anh được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính Phủ, sản phẩm cá koi được UBND Thành phố tôn vinh “Sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu Thành phố” năm 2018, 2020; mô hình trồng lan Dendrobium hộ chị Trần Thị Ngọc Thảo xã Đa Phước với diện tích 12.000m2, tổng doanh thu năm 2020 là 4,5 tỷ, năm 2021 chị được Trung Ương Hội Nông dân Việt Nam bình chọn là 1 trong 63 gương điển hình nông dân Việt Nam xuất sắc; mô hình sản xuất lan cấy mô cung cấp thị trường trong nước và xuất khẩu qua Ấn Độ hộ anh Huỳnh Tấn Thuận xã Hưng Long thu lợi nhuận hàng tỷ đồng trên năm, được UBND Thành phố tôn vinh “Sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu Thành phố” năm 2019; mô hình trồng lan Dendrobium hộ Nguyễn Văn Hoàn xã Bình Chánh với diện tích 12.000m2, tổng doanh thu năm 2020 là 3 tỷ, được UBND Thành phố tôn vinh “Sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu Thành phố” năm 2020; mô hình trồng mai vàng hộ Lê Hữu Thiện xã Bình Lợi với diện tích 170.000 m2 mai nguyên liệu, 500 mai chậu, tổng doanh thu năm 2020 là 8 tỷ, được UBND Thành phố tôn vinh “Sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu Thành phố” năm 2020; mô hình trồng bưởi da xanh hộ anh Vũ Đình Tứ xã Phạm Văn Hai thu lợi nhuận 600 đến700 triệu đồng/năm, được UBND Thành phố tôn vinh “Sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu Thành phố” năm 2019,… Phát huy câu lạc bộ Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi tham gia thực hiện Công trình an sinh xã hội như: hỗ trợ mượn vốn không lãi, hỗ trợ cây, con giống, công cụ sản xuất, phương tiện sinh kế,... tổng kinh phí thực hiện trong nhiệm kỳ là 1,8 tỷ đồng, đã giúp 607 hộ hội viên thoát nghèo bền vững. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 36 gương nông dân sản xuất kinh doanh giỏi được tuyên dương “Nông dân tiêu biểu” cấp Thành phố, 16 sản phẩm nông nghiệp được tôn vinh “Sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu” cấp Thành phố, 14 sản phẩm OCOP, đặc biệt có 01 gương “Nông dân Việt Nam xuất sắc”, 02 gương nông dân nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.
Nhìn chung công tác tiếp xúc, đối thoại của người đứng đầu cấp ủy, người đứng đầu chính quyền với nông dân cần có sự quan tâm lãnh đạo thường xuyên của cấp ủy Đảng, sự phối hợp tích cực, trách nhiệm của chính quyền, nhất là trong công tác nắm bắt, tổng hợp nhu cầu, nguyện vọng chính đáng, bức xúc của nông dân; theo dõi, giám sát việc giải quyết những phản ánh, kiến nghị, góp ý của nhân dân. Thực tế cho thấy nắm chắc tình hình nông dân giúp cho cuộc tiếp xúc, đối thoại có trọng tâm, trọng điểm, sát với tâm tư nguyện vọng của nông dân; phối hợp giải quyết tốt các kiến nghị phản ánh sẽ nâng cao được niềm tin và trách nhiệm của nông dân đối với cấp ủy, chính quyền trong tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị tại địa phương.
Từ thực tiễn, qua công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức tiếp xúc, đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, người đứng đầu chính quyền với nhân dân nói chung, với đoàn viên, hội viên Hội Nông dân nói riêng, có thể rút ra một số kinh nghiệm sau:
Phải thường xuyên quán triệt, triển khai, tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp nhận thức đầy đủ, sâu sắc về ý nghĩa, vai trò của công tác tiếp xúc, đối thoại với nhân dân nói chung, với đoàn viên, hội viên nông dân nói riêng, góp phần xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền vững mạnh.
Công tác tiếp xúc, đối thoại giữa người đứng đầu câp ủy, người đứng đầu chính quyền với nhân dân nói chung, với đoàn viên, hội viên nông dân nói riêng phải có sự quan tâm lãnh đạo thường xuyên của cấp ủy Đảng, sự phối hợp tích cực, trách nhiệm của chính quyền trong công tác nắm bắt và giải quyết tâm tư, nguyện vọng chính đáng của đoàn viên, hội viên nông dân với cấp ủy Đảng, chính quyền trong thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị tại địa phương.
Cần quan tâm thực hiện tốt việc công khai minh bạch trong các hoạt động của các cơ quan theo phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
Công tác tiếp xúc, đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, người đứng đầu chính quyền cần quan tâm tiếp xúc, đối thoại những lĩnh vực mà người dân nói chung, đoàn viên, hội viên nông dân nói riêng quan tâm, bức xúc có liên quan nhiều người thì tổ chức tiếp xúc, đối thoại để có giải pháp giải quyết, tránh dẫn đến khiếu nại, khiếu kiện đông người, tạo thành điểm nóng./.