Hội Nông dân xã An Phú Tây phối hợp tổ chức giao giống mô hình trình diễn “Trồng lan Dendrobium”.

Với phương châm “công tác tuyên truyền vận động có trọng tâm, trọng điểm, xây dựng và phát triển kinh tế tập thể theo hướng chặt chẽ, chất lượng, hiệu quả và bền vững; bám sát chủ trương, nghị quyết của Huyện ủy và của Ban Thường vụ Hội Nông dân Thành phố” là mục tiêu hàng đầu để tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, hỗ trợ hội viên nông dân tham gia phát triển kinh tế tập thể. 

Do đó, Ban Thường vụ Hội Nông dân huyện Bình Chánh luôn có sự tập trung cao trong công tác tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân tham gia phát triển kinh tế tập thể, trước tiên phải xác định vận động hội viên tham gia các mô hình tổ hợp tác, từ tổ hợp tác hoạt động hiệu quả nâng chất lên thành hợp tác xã là cách làm mang lại hiệu quả.

Thông qua các hình thức tuyên truyền sinh động như: Tuyên truyền trong các buổi sinh hoạt chi, tổ hội, sinh hoạt Ban chấp hành, Ban Thường vụ của Hội Nông dân huyện và cơ sở; tuyên truyền trên hệ thống đài truyền thanh của huyện và đài truyền thanh các xã, thị trấn; tuyên truyền bằng xe loa lưu động, thông qua các nhóm zalo, Fanpage; đưa tin tuyên truyền trên các báo, đài của thành phố về các mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã hoạt động hiệu quả; thông qua tổ chức hội thi, hội thảo, các hoạt động tham quan học tập mô hình, các hoạt động triển lãm, quản bá, trưng bày, giới thiệu sản phẩn; thông qua các hoạt động tuyên dương nhân rộng điễn hình; thông qua tổ chức và phối hợp tổ chức các lớp tập huấn về Luật hợp tác xã, tập huấn nâng cao trình độ quản lý, điều hành hợp tác xã,... đã góp phần làm thay đổi tư duy, nhận thức của hội viên nông dân, của các tổ hợp tác, các doanh nghiệp về tầm quan trọng, sự cần thiết của kinh tế tập thể đối với sự phát triển kinh tế nông nghiệp của địa phương.

Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Ban Thường vụ Hội Nông dân huyện đã phát động hội viên nông dân tích cực hưởng ứng đăng ký và đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp gắn với thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp thành phố.

Trong 5 năm qua, có 16.371 lượt hộ hội viên đăng ký, cuối năm bình xét có 13.843 lượt hộ hội viên đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Tổng kết giai đoạn 2017-2021, có 3.136 hộ đạt danh hiệu nông dân nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Thường xuyên kiện toàn và nâng chất 16 Câu lạc bộ Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi với 356 thành viên; phát huy vai trò Câu lạc bộ là nòng cốt trong công tác Hội và phong trào nông dân, tích cực tham gia phát triển nông nghiệp đô thị và xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái của các Câu lạc bộ và nông dân sản xuất kinh doanh giỏi theo phương châm “lấy sức dân chăm lo cho dân” trong thực hiện các công trình an sinh xã hội. Từ những hoạt động chăm lo, hỗ trợ cho hội viên, nông dân nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương ổn định cuộc sống, vươn lên phát triển sản xuất bằng các hình thức thiết thực, hiệu quả, phù hợp nhu cầu, đối tượng.

Nhằm triển khai hiệu quả các hoạt động góp phần thực hiện Phong trào vận động nông dân tham gia phát triển kinh tế tập thể, xây dựng hợp tác xã kiểu mới. Ban Thường vụ Hội Nông dân huyện phối hợp Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân thành phố, Phòng Kinh tế huyện, Liên minh hợp tác xã thành phố tổ chức tuyên truyền Luật Hợp tác xã, Nghị định 77/2019/NĐ-CP ngày 10/10/2019 của Chính phủ về tổ hợp tác; tuyên truyền, vận động hội viên nông dân tham gia các tổ hợp tác làm tiền đề xây dựng các Hợp tác xã. Hàng năm, căn cứ vào kết quả hoạt động của các tổ hợp tác, Ban Thường vụ Hội Nông dân huyện thống nhất chọn các tổ hợp tác hoạt động hiệu quả, có sự liên kết trong sản xuất, có uy tín, có mục tiêu và định hướng phát triển trong sản xuất kinh doanh rõ ràng để tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, hỗ trợ các bước về thủ tục thành lập hợp tác xã. Khi xác định các tổ hợp tác có đủ khả năng, điều kiện thuận lợi để phát triển lên hợp tác xã. Ban Thường vụ Hội Nông dân huyện phân công Thường trực, Ủy viên Ban Thường vụ phụ trách phối hợp với Phòng Kinh tế, Phòng Tài chính – kế hoạch huyện và Ủy ban nhân dân xã – thị trấn tổ chức hội nghị gặp gỡ, tiếp xúc, đối thoại với tổ hợp tác để tuyên truyền vận động, đồng thời giải đáp các vấn đề về quyền lợi và nghĩa vụ liên quan khi tham gia thành lập hợp tác xã; tổ chức cho các thành viên tổ hợp tác tham quan các mô hình hợp tác xã hoạt động hiệu quả tại huyện Củ Chi và các tỉnh; hướng dẫn lập thủ tục và hỗ trợ các tổ hợp tác liên hệ với các cơ quan chuyên mô của huyện để lập thủ tục thành lập hợp tác xã; Phối hợp với Trung tâm tư vấn hỗ trợ nông nghiệp thành phố giúp các hợp tác xã tiếp cận các chính sách hỗ trợ của thành phố đối với hợp tác xã như chính sách đào tạo cán bộ quản lý, chính sách hỗ trợ về cơ sở vật chất ban đầu...

Các hoạt động hỗ trợ vốn vay từ nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân Huyện, Thành phố cho hội viên nông dân, thành viên tổ hợp tác, hợp tác xã. 5 năm qua, hỗ trợ cho 3.275 lượt hộ nông dân có vốn sản xuất, kinh doanh, với tổng số tiền 117.008.960.000 đồng. Hướng dẫn cho 4.607 lượt hộ nông dân vay vốn liên tịch với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, vay vốn theo Quyết định số 655/QĐ-UBND ngày 12/02/ 2018 của Ủy ban nhân dân Thành phố, vay vốn theo chương trình ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội, tổng số tiền vay 332.569.000.000 đồng. Tổ chức các hoạt động đào tạo nghề như: phối hợp Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân thành phố tổ chức 54 lớp dạy nghề ngắn hạn cho 1.657 nông dân; phối hợp các ngành tổ chức 79 lớp đào tạo nghề có 2.519 hội viên, tạo việc làm cho 3.779 người có việc làm ổn định; phối hợp tổ chức 269 lớp tập huấn, hội thảo, tham quan, các điểm trình diễn giúp cho 9.443 lượt nông dân tiếp cận các thông tin khoa học công nghệ cao để ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp.

Tính đến tháng 8/2023 trên địa bàn huyện có 99 điểm cung ứng vật tư, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Nhiều hoạt động hỗ trợ nông dân được duy trì và ngày càng hiệu quả thông qua mô hình như: cung cấp cây con giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trả chậm (sau khi thu hoạch) giúp nông dân giảm bớt phần nào khó khăn về chi phí sản xuất, khắc phục được tình trạng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón giả, kém chất lượng, gây ô nhiễm môi trường, giúp giảm chi phí và đem lại hiệu quả cao trong sản xuất.

Các hoạt động về xúc tiến thương mại, giúp hội viên nông dân quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp, ổn định đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn huyện được Hội Nông dân huyện phối hợp với Phòng Kinh tế, Phòng tài chính kế hoạch huyện tham mưu cho Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện tổ chức Hội nghị xúc tiến thương mại năm 2023 có trên 150 doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác tham dự. Qua hội nghị giúp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, các hợp tác xã, tổ hợp tác, đồng thời giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác giao lưu, học tập, chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ, liên kết nhau trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Phối hợp với Phòng Kinh tế huyện, Ủy ban nhân dân xã Bình Lợi và Trung Tâm Tư vấn Hỗ trợ nông nghiệp thành phố xây dựng website cho hợp tác xã Hoa Mai vàng Bình Lợi, xây dựng Thương hiệu Hoa Mai vàng Bình Lợi; tổ chức đường hoa mai vàng trước trụ sở Huyện ủy - Hội đồng nhân dân-Ủy ban nhân dân huyện và trên tuyến đường Vườn Thơm xã Bình Lợi; tổ chức hội thi bonsai, mai vàng, hoa sứ, hoa lan định kỳ hàng năm; vận động hội viên nông dân tham gia trưng bày và bán các sản phẩm nông nghiệp tại các hội chợ triễn lãm do huyện và thành phố, các tỉnh tổ chức. Ngoài ra, giúp các hợp tác xã tham gia chuyển đổi số trong nông nghiệp, Hội Nông dân huyện phối hợp Hội Doanh nghiệp trẻ thành phố Cần Thơ, Sàn thương mại điện tử MEKONGEXPO tổ chức tập huấn cho hơn 400 cán bộ, hội viên là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi tham gia sàn thương mại điện tử, hướng dẫn cách tham gia sàn thương mại điện tử và tổ chức cho 12 hợp tác xã ký kết tham gia sàn thương mại điện tử. Giới thiệu 04 tổ hợp tác và 02 Hợp tác xã tham dự hội nghị tiếp xúc ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với Bách Hóa Xanh. Hợp tác xã Hoa lan Việt ký Hợp đồng tiêu thụ lan giống với Ấn Độ, số lượng là 1 triệu cây con giống/ năm. Hỗ trợ tổ hợp tác cá thịt xã Bình Hưng ký kết với Bách hóa xanh do ảnh hưởng dịch COVID-19.

Trong 5 năm qua, phối hợp vận động và thành lập 15 Hợp tác xã, 258 thành viên và 65 tổ hợp tác, 470 thành viên. Đến nay, toàn huyện có 22 Hợp tác xã nông nghiệp và 95 Tổ hợp tác đang hoạt động trên địa bàn huyện, với 2.306 thành viên. Hoạt động của các tổ hợp tác và hợp tác xã đã hỗ trợ tích cực cho xã viên và nông dân giải quyết đầu vào, đầu ra nông sản ổn định, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế, hỗ trợ nông dân liên kết, hợp tác chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, chuyển dịch cơ cấu kinh tế phù hợp với quá trình đô thị hóa của huyện, điển hình một số Hợp tác xã, tổ hợp tác hoạt động có hiệu quả .

Với những kết quả trên, tính đến nay toàn huyện có 14 sản phẩm OCOP, 16 sản phẩm nông nghiệp được tôn vinh “Sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu thành phố” 36 gương nông dân tiêu biểu cấp thành phố, 01 gương nông dân Việt Nam xuất sắc, 02 gương nông dân sản xuất kinh doanh giỏi nhận bằng khen của Thủ tướng Chính Phủ. Đồng thời, qua các hoạt động, với tinh thần phát huy sức mạnh đại đoàn kết, tương than tương ái của nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, các tổ hợp tác, hợp tác xã đã giúp 535 hộ hội viên thoát nghèo.

Phong trào xây dựng phát triển mô hình kinh tế tập thể đã phát hình thành nhiều mô hình kinh tế hiệu quả trên địa bàn huyện, tạo thêm niềm tin cho hội viên nông dân tiếp tục đoàn kết, tiên phong đi đầu trong các phong trào do Hội phát động, nhất là phong trào tuyên truyền vận động nông dân tham gia phát triển kinh tế tập thể, xây dựng hợp tác xã kiểu mới.

Với quyết tâm cao của tập thể cán bộ, hội viên nông dân thành phố, cùng sự đồng hành, chia sẻ, hỗ trợ của lãnh đạo thành phố và của huyện, có thể khẳng định, Phong trào vận động nông dân tham gia phát triển kinh tế tập thể, xây dựng hợp tác xã kiểu mới trên địa bàn huyện sẽ tiếp tục phát triển và phát triển bền vững, có sức lan tỏa trong toàn huyện, trở thành một phong trào lớn trong đời sống kinh tế - xã hội ở nông thôn. Phong trào đã góp phần quan trọng vào mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội của huyện Bình Chánh, giúp nông dân liên kết trong sản xuất, tạo ra sản phẩm chất lượng, đám ứng được phần nào nhu cầu của thị trường, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thân cho người dân huyện Bình Chánh nói riêng và của thành phố nói chung tiếp tục phát triển mạnh mẽ, thật sự hiệu quả và bền vững./.

CM