Đặc thù chủ yếu của Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay là tốc độ đô thị hóa nhanh, quy mô dân số đông và có sự giao thoa văn hóa giữa các vùng miền từ dân nhập cư ở các tỉnh thành, từ dân cư của các quốc gia đến sinh sống và làm việc ở thành phố tạo nên nhiều nền văn hóa khác nhau.

Phát triển văn hóa hiện nay đang phải đối mặt với tốc độ phát triển nhanh chóng và sự tác động mạnh mẽ, ảnh hưởng tiêu cực từ cách mạng 4.0. Cuộc cách mạng này luôn tạo ra những cái mới, sản phẩm mới, hấp dẫn, lôi cuốn, do đó rất dễ dẫn đến tình trạng “sùng ngoại” không chỉ ở phương diện văn minh, mà còn ở lĩnh vực văn hóa, lối sống, cách giao tiếp, ứng xử...

Trước sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ đồng thời thêm những tác động của mặt trái kinh tế thị trường và sự giao thoa hội nhập với thế giới đã ảnh hưởng tới động lực và khuynh hướng sáng tác. Chất lựợng chưa tương xứng với số lượng. Chưa có những tác phẩm đỉnh cao.

Thành phố Hồ Chí Minh không chỉ là đầu tàu kinh tế của cả nước, mà là trung tâm văn hóa của khu vực và cả nước với nhiều lợi thế để xây dựng, phát triển ngành công nghiệp văn hóa, đáp ứng theo định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng đô thị thông minh và góp phần thực hiện thành công Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XI, nhiệm kỳ 2021 – 2025 đã đặt ra mục tiêu định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn 2045 là đưa Thành phố trở thành “trung tâm về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học – công nghệ và văn hóa của khu vực Đông Nam Á”. Như vậy, đến năm 2045, thành phố không chỉ là đầu tàu kinh tế của cả nước, mà là trung tâm văn hóa của khu vực và cả nước, nơi hội tụ và là cửa ngõ giao lưu văn hóa vùng miền trong cả nước, với các nước trên thế giới.

Với định hướng đó, trong giai đoạn 2020-2035, Thành phố Hồ Chí Minh đặt ra những mục tiêu lớn để phát triển ngành văn hóa như sau:

Thành phố sẽ tiếp tục chú trọng việc gìn giữ các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, đồng thời đưa ra các chính sách bảo tồn hiệu quả hơn. Văn hóa truyền thống của dân tộc cần được lan tỏa sâu rộng hơn trong các hoạt động giáo dục, lễ hội, và đời sống hằng ngày của người dân.

Cần thúc đẩy sự sáng tạo trong mọi lĩnh vực của văn hóa, từ nghệ thuật, âm nhạc, điện ảnh cho đến các hoạt động biểu diễn, thiết kế. Thành phố sẽ tạo điều kiện tốt hơn để các nghệ sĩ, nhà sáng tạo có thể tự do phát huy tài năng, đóng góp cho sự phát triển văn hóa.

Trong xu thế toàn cầu hóa, Thành phố Hồ Chí Minh cần chủ động hội nhập với văn hóa quốc tế, không chỉ tiếp thu những tinh hoa từ các nền văn hóa khác mà còn mang những giá trị văn hóa của mình giới thiệu ra thế giới. Các hoạt động giao lưu văn hóa, triển lãm quốc tế sẽ được tổ chức thường xuyên, tạo điều kiện cho sự tương tác và học hỏi.

Để văn hóa có điều kiện phát triển, cần đầu tư vào hạ tầng văn hóa như nhà hát, bảo tàng, thư viện, và các trung tâm văn hóa. Việc phát triển các không gian văn hóa công cộng sẽ giúp người dân tiếp cận văn hóa dễ dàng hơn, từ đó nâng cao đời sống tinh thần của họ.

Một ngành văn hóa phát triển bền vững không thể thiếu những con người có kiến thức, kỹ năng và đam mê. Thành phố sẽ đầu tư vào công tác đào tạo nguồn nhân lực, khuyến khích thế hệ trẻ tham gia vào các lĩnh vực văn hóa, từ quản lý, sáng tác đến nghiên cứu và bảo tồn.

Để đạt được các mục tiêu nêu trên, Ủy ban nhân dân Thành phố đã ban hành Đề án “Chiến lược phát triển ngành văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh, giai đoạn 2020 – 2035” đã đề ra 07 giải pháp thực hiện, cụ thể: (1) Giải pháp nâng cao nhận thức tư tưởng, xây dựng con người Thành phố Hồ Chí Minh thanh lịch và văn minh; (2) Giải pháp về cơ chế chính sách, quản lý nhà nước lĩnh vực văn hóa; (3) Giải pháp về nguồn nhân lực; (4) Giải pháp về đầu tư tài chính; (5) Giải pháp về đa dạng hóa, nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa và cơ sở vật chất; (6) Giải pháp tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại trong phát triển sản phẩm văn hóa; (7) Giải pháp gắn phát triển kinh tế - xã hội với phát triển văn hóa; đảm bảo gắn kết phát triển văn hóa với đảm bảo an ninh, quốc phòng

Chiến lược phát triển ngành văn hóa của Thành phố Hồ Chí Minh trong giai đoạn 2020-2035 không chỉ là một tầm nhìn xa, mà còn là một nhiệm vụ thiết yếu để xây dựng và phát triển thành phố trở thành một trung tâm văn hóa lớn của cả nước và khu vực. Thực hiện tốt các nhiệm vụ và giải pháp nêu trên, ngành văn hóa Thành phố sẽ đạt được những bước tiến lớn, đóng góp vào sự phát triển toàn diện của đất nước./.

CM