Các diễn giả chia sẻ tại Hội thảo. (Ảnh: CM)

Với mục tiêu cập nhật những thông tin hữu ích cho cán bộ, công chức, doanh nghiệp về các qui định mới của EU, lộ trình thực hiện Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) và một số tác động của CBAM với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường EU trong thời gian tới, Viện Nghiên cứu phát triển, Trung tâm Hội nhập quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp cùng Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo “Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon Cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam”.

Hội thảo có sự tham gia của các diễn giả, chuyên gia; cơ quan quản lý Nhà nước; các Hiệp hội doanh nghiệp trong nước và nước ngoài; các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu và các cơ quan truyền thông báo đài trên địa bàn Thành phố.

Chương trình hội thảo tập trung cung cấp những kiến thức, thông tin về Cơ chế Điều chỉnh Biên giới Carbon (CBAM), lộ trình thực hiện CBAM trong thời gian tới sẽ có tác động gì đến doanh nghiệp Việt Nam và sự chuẩn bị để doanh nghiệp trong nước có thể thích ứng với cơ chế mới này, bên cạnh đó tận dung các lợi thế từ hiệp định EVFTA tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường châu Âu, tiếp tục thực hiện chuyển đổi xanh hướng đến sản xuất bền vững.

Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) là một chính sách thuộc Thỏa thuận xanh châu Âu, là chiến lược tăng trưởng mới của EU nhằm xây dựng một xã hội công bằng và thịnh vượng, thúc đẩy các ngành công nghiệp phát triển trên cơ sở một nền kinh tế sạch và bền vững. CBAM kỳ vọng sẽ giúp EU giảm phát thải carbon ít nhất 55% vào năm 2030 so với mức năm 1990. Cơ chế này xây dựng dựa trên sự minh bạch về thông tin, sẽ ảnh hưởng lớn không chỉ về phát thải khí nhà kính, biến đổi khí hậu, mà sẽ tác động trực tiếp tới chuỗi cung ứng hàng hóa của các doanh nghiệp. Từ ngày 01/10/2023, CBAM thực hiện áp dụng thí điểm cho giai đoạn chuyển tiếp và dự kiến sẽ thực hiện đầy đủ từ năm 2026.

Việc ban hành CBAM hiểu một cách đơn giản nhất là một chính sách thương mại về môi trường bao gồm các khoản thuế carbon đối với hàng hóa nhập khẩu vào thị trường các nước thuộc EU dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất tại nước sở tại.

Đại diện lãnh đạo Trung tâm Hội nhập quốc tế TP Hồ Chí Minh cho rằng, xi măng, sắt thép, nhôm, phân bón, Hydrogen và điện là những lĩnh vực đầu tiên chịu tác động của CBAM. Trong đó, tại Việt Nam, 4 lĩnh vực hiện có hàng hóa xuất khẩu đáng kể sang thị trường EU là: nhôm, thép, xi măng và phân bón. Đặc biệt, riêng các sản phẩm từ sắt thép chiếm gần 80% giá trị của 4 mặt hàng xuất khẩu này. Chính vì vậy, đây là một thách thức mới với các doanh nghiệp ở những ngành hàng này, nhất là với ngành thép. Nếu các doanh nghiệp sản xuất thép tại Việt Nam không lên kế hoạch giảm lượng khí thải carbon và nhanh chóng triển khai ngay từ bây giờ, sản phẩm xuất khẩu sẽ khó cạnh tranh và giữ được vị thế trên thị trường.

 

Quang cảnh Hội thảo.

“Việc chuyển đổi sản xuất xanh không chỉ có ý nghĩa quan trọng với bản thân mỗi doanh nghiệp mà còn tác động tới cả chuỗi cung ứng. Bởi vì, khi một đơn vị cung ứng giảm phát thải, các doanh nghiệp trong chuỗi hoạt động cũng sẽ đến gần hơn với mục tiêu về giảm phát thải và Net Zero. Khi có mạng lưới doanh nghiệp cùng nỗ lực giảm phát thải, trung hòa carbon gắn kết với nhau, các doanh nghiệp sẽ có thêm lợi thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế và mở ra được những cơ hội mới trong thách thức chung do thuế carbon.”- Đại diện lãnh đạo Trung tâm Hội nhập quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ.

Cùng quan điểm trên, ông Đỗ Hữu Hưng, Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho biết, tác động của CBAM đến sản lượng xuất khẩu của Việt Nam là điều chắc chắn, trước tiên là mặt hàng thép và xi măng do suất phát thải lớn. Tác động của CBAM đối với sản lượng xuất khẩu phụ thuộc vào một số yếu tố như độ co giãn của cầu hàng hóa, sự sẵn có của hàng hóa thay thế và mức độ mà doanh nghiệp sản xuất có thể chuyển chi phí thuế sang người tiêu dùng.

Đáng nói là, hiện tại chưa thể đánh giá việc EU có mở rộng nhóm mặt hàng áp dụng cơ chế CBAM hay không và có thể nhiều quốc gia tiếp cận theo hướng này và mở rộng sang nhiều mặt hàng khác. Do đó cơ chế điều chỉnh carbon cũng là xu hướng mà các doanh nghiệp cần tính đến từ đầu ngay trong quá trình xây dựng, hoạch định chiến lược sản xuất.

Đồng quan điểm, ông Huỳnh Minh Vũ, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Hội nhập quốc tế TP Hồ Chí Minh (CIIS) cho biết, EU là một trong những đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam. Đặc biệt, kể từ khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU có hiệu lực, kim ngạch thương mại hàng hoá giữa Việt Nam – EU đã tăng lên đáng kể.

EU hiện là thị trường xuất khẩu hàng hoá lớn thứ 3 của Việt Nam. Do đó, các chính sách liên quan đến nhập khẩu của EU đều ít nhiều tác động đến doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam. Đây là thách thức lớn đối với một số ngành hàng xuất khẩu nhưng đồng thời cũng là động lực để doanh nghiệp chủ động chuyển đổi xanh, hướng tới tiêu chuẩn phát triển bền vững.

Ông Đặng Bùi Khuê, Giám đốc đào tạo Bureau Veritas Việt Nam cho rằng, Việt Nam đã cam kết đạt Net - zero vào năm 2050 và đang đẩy mạnh chuyển dịch năng lượng hoá thạch sang năng lượng tái tạo, chuyển đổi công nghiệp xanh, nông nghiệp bền vững và kinh tế tuần hoàn. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp cần chủ động xây dựng hệ thống quản lý chất lượng, đổi mới quản lý và hoạt động sản xuất kinh doanh.

Theo ông Đặng Bùi Khuê, việc thị trường xuất khẩu áp dụng thuế cho hàng hoá phát thải carbon không chỉ thúc đẩy các doanh nghiệp trực tiếp xuất khẩu chuyển đổi xanh mà còn là động lực để các doanh nghiệp khác tham gia thị trường tín chỉ carbon. Theo đó, các doanh nghiệp có hoạt động giúp hấp thụ carbon được quy đổi thành tín chỉ carbon để mua bán, trao đổi. Hiện nay, giá 1 tín chỉ carbon (tương đương 1 tấn CO2) tại Việt Nam đang có giá khoảng 10 USD nhưng tại EU đã tương đương với 100 USD. Đây là một thị trường giao dịch nhiều tiềm năng và sẽ sôi động trong thời gian tới, tạo thêm giá trị gia tăng cho các doanh nghiệp, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh xanh, không phát thải./..

CM