Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: M.P)

 

Tại buổi làm việc, Đại diện Công Ty TNHH Dịch Vụ Tiếp Vận Toàn Cầu có nêu những khó khăn vướng mắc mà doanh nghiệp đang gặp phải như tỷ lệ kiểm tra 100% gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, kiến nghị cần giảm tỷ lệ kiểm tra; Khai chi tiết tên hàng, mã HS như quy định tại Thông tư 38/2015/TT-BTC, thông tư 39/2018/TT-BTC là chưa phù hợp đối với hoạt động quá cảnh, kiến nghị cần sửa đổi quy định này; Đối với các lô hàng thuộc diện kiểm dịch thực vật, doanh nghiệp phải đi xin tại Cục Bảo vệ thực vật, yêu cầu khải kê khai chi tiết tên shipper, tên consignee là không phù hợp; Lô hàng phải xin giấy phép của Bộ Công thương làm mất nhiều thời gian của doanh nghiệp. Về thời gian kiểm tra hồ sơ, kiểm tra hàng hóa kéo dài do doanh nghiệp chưa xin được giấy phép, kiểm tra chuyên ngành.

Chủ trì cuộc đối thoại, Phó Cục trưởng Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Hữu Nghiệp cho biết, việc Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa quá cảnh trong thời gian qua là đúng quy định.

Qua vụ việc này, Cục Hải quan Thành phố nhận thấy chưa có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quá cảnh với doanh nghiệp kinh doanh cảng và cơ quan hải quan cho nên đã xảy ra tình trạng chậm trễ trong việc kiểm tra thực tế hàng hóa. Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quá cảnh chưa kịp thời trao đổi những khó khăn vướng mắc với Chi cục hải quan để được hướng dẫn xử lý kịp thời.

Việc kiểm tra thực tế hàng hóa được thực hiện theo nguyên tắc quản lý rủi ro và dựa vào các thông tin liên quan đến hàng hóa vào thời điểm kiểm tra để lựa chọn phần hàng hóa cần kiểm tra theo tỷ lệ.

Hiện nay, việc xin giấy phép kiểm dịch đã có thể thực hiện đăng ký trên cổng công tin một cửa quốc gia, giấy phép vận chuyển hàng quá cảnh đối với hàng cấm nhập khẩu theo quy định của Việt Nam do Phòng quản lý xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương đặt tại Thành phố Hồ Chí Minh cấp phép. Do vậy, doanh nghiệp cần chủ động thực hiện các thủ tục này trước khi thực hiện thủ tục hải quan, để rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hải quan hàng quá cảnh.

Cục Hải quan ghi nhận ý kiến của doanh nghiệp về việc kiến nghị sửa đổi các chỉ tiêu khai báo quy định tại mẫu số 09 quy định tại Thông tư 38/2015/TT-BTC, Thông tư 39/2018/TT-BTC và sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền đề nghị sửa đổi quy định này sao cho thuận lợi hơn cho doanh nghiệp.

Với phương châm “Cộng đồng doanh nghiệp và cơ quan Hải quan là đối tác tin cậy, đồng hành cùng phát triển”, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh luôn lắng nghe, chia sẻ những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp thông qua những buổi đối thoại, trao đổi thông tin. Từ đó mang lại kết quả tích cực, giúp định hướng doanh nghiệp đến sự tự giác tuân thủ pháp luật hải quan, kịp thời nắm bắt, tiếp thu các ý kiến doanh nghiệp liên quan đến chính sách quản lý xuất nhập khẩu hàng hóa, kịp thời giải quyết các vướng mắc, khó khăn, kiến nghị lên các cấp để tháo gỡ các khó khăn vướng mắc liên quan về chính sách, thủ tục cho doanh nghiệp, nâng cao chất lượng dịch vụ công của cơ quan hải quan trong tiến trình cải cách và hội nhập.

Thời gian qua, đã có nhiều giải pháp tạo thuận lợi thương mại cho doanh nghiệp, đặc biệt là tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn sau đại dịch COVID-19. Trong đó, quá cảnh hàng hóa là một trong những hoạt động quản lý nhà nước về hải quan được đơn vị đặc biệt quan tâm, chú trọng.

Theo số liệu thống kê của Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực I, trong năm 2021 và 11 tháng đầu năm 2022, đơn vị đã thực hiện thủ tục hải quan 77.377 tờ khai với 174.274 container được thông quan với trung bình mỗi ngày khoảng 120-150 tờ khai hoàn thành thủ tục vận chuyển đi cho khoảng 250-300 container.

Từ ngày 01/01/2021 đến 30/11/2022, đã dừng đưa hàng qua khu vực giám sát để kiểm tra thực tế đối với 1991 lô hàng quá cảnh (tỷ lệ dừng khoảng 1,15% trên tổng số hàng hoá thực hiện quá cảnh) đã phát hiện tổng cộng 899 vụ việc vi phạm với Tổng trị giá hàng hoá vi phạm gần 110 tỷ đồng, tỷ lệ phát hiện vi phạm lên đến 52% trên tổng số các lô hàng dừng kiểm tra.

Đáng chú ý trong các vụ vi phạm có 08 vụ vi phạm liên quan đến hàng hoá giả mạo nhãn hiệu; 14 vụ liên quan đến hàng cấm hàng cần phải có Giấy phép khi quá cảnh; 06 vụ vi phạm liên quan đến kiểm dịch động thực vật khi quá  cảnh. Tổng số tiền phạt đã thu nộp ngân sách gần 3,5 tỷ đồng; tịch thu sung quỹ hàng hoá vi phạm trị giá 1,3 tỷ đồng và tiêu huỷ hàng hoá giả mạo nhãn hiệu gần 03 tỷ đồng./.

 

 

M.P