Sự lãnh đạo, chỉ đạo từ Trung ương và sự đoàn kết một lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố là sức mạnh để thành phố đạt được những kết quả toàn diện trong những năm qua. 

 

Trong nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ TP Hồ Chí Minh 2020-2025, Thành phố vừa phải tập trung giải quyết các điểm nghẽn, vừa phải đương đầu ngay với những khó khăn, thách thức chưa từng có tiền lệ, đại dịch Covid-19 phát sinh và lan rộng tại nhiều quốc gia. Ngày 11/3/2020, Tổ chức y tế thế giới WHO đã tuyên bố, gọi Covid-19 là Đại dịch toàn cầu, với nhiều biến thể xảy ra nhanh và nguy hiểm chết người. Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ dịch bệnh Covid-19.

Giai đoạn 2020 –2021, Thành phố và cả nước đã gồng mình trải qua hai đợt dịch Covid-19, chịu ảnh hưởng nặng nề đến đời sống kinh tế - xã hội, tác động tiêu cực đến sức khỏe người dân, tạo ra những thách thức chưa từng có tiền lệ. Thành phố là cửa ngõ giao lưu hội nhập quốc tế, 62% là hoạt động thương mại, dịch vụ nên chịu tổn thất nặng nề nhất. Năm 2021, kinh tế thành phố rơi vào suy thoái, tăng trưởng âm 4,1%, cú sốc nặng nề trong gần 40 năm đổi mới. Nhưng với sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, sát sao của Trung ương, sự hỗ trợ của các địa phương, cùng với sự quyết tâm, dấn thân của cả hệ thống chính trị, đội ngũ y bác sỹ, cộng đồng doanh nghiệp, người dân … Thành phố đã vượt qua khó khăn, thách thức vô cùng lớn, chưa từng có tiền lệ của đại dịch Covid-19.

Bước sang năm 2022 đã dần phục hồi và lấy lại đà tăng trưởng, nhưng đến đầu năm 2023 lại tiếp tục đối mặt với những khó khăn, thách thức mới do tác động của tình hình thế giới và những vướng mắc, tồn đọng phức tạp kéo dài, các vụ án nghiêm trọng trên địa bàn thành phố, một số cán bộ lãnh đạo bị xử lý kỷ luật, xử lý hình sự đã tác động đa chiều đến tâm lý, tình cảm, quyết định của đội ngũ cán bộ tham mưu cũng như lãnh đạo đương chức; nhưng một lần nữa, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành sát sao của Trung ương, với ý chí quyết tâm của hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, thành phố đã vượt qua “cơn gió nghịch”, tăng trưởng năm 2023 đạt 5,81% và ước năm 2024 đạt 7,2%. Đặc biệt, tuyến đường sắt đô thị Metro số 01 (Bến Thành – Suối Tiên) lăn bánh, khai thác thương mại, mở ra kỳ vọng tương lai tươi sáng, thông suốt, vươn mình và tăng tốc, tự tin cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới.

Trên cơ sở Tổng kết Nghị quyết số 16 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 54 của Quốc hội, ngày 30/12/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 31 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với 6 giải pháp trọng yếu và là cơ sở chính trị quan trọng để Quốc Hội đã thông qua Nghị quyết số 98 với 44 cơ chế chính sách đặc thù trên 7 lĩnh vực: quản lý đầu tư, tài chính ngân sách, quản lý đô thị tài nguyên môi trường, thu hút nhà đầu tư chiến lược, khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo, tổ chức bộ máy chính quyền… được coi như bước đầu tháo gỡ thế chế trong giai đoạn mới hiện nay. Từ đó, đã đặt nền tảng, tiền đề quan trọng giúp Thành phố huy động các nguồn lực xã hội, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế để tiếp tục là hạt nhân, là cực tăng tưởng của cả nước, hướng tới phát triển ngang tầm với các đô thị lớn trên thế giới, có vị thế trong khu vực Đông Nam Á, Châu Á và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân ngày càng tốt hơn, hạnh phúc hơn - “vì cả nước, cùng cả nước”.

Đến nay, Thành phố đóng góp 19-20% vào tốc độ tăng trưởng chung, 16% quy mô kinh tế cả nước, 26-27% tổng thu NSNN và GRDP bình quâu đầu người gấp 1,7 lần cả nước. Cơ cấu kinh tế duy trì theo hướng tích cực, khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn nhất (trên 64%) và khu vực nông nghiệp chiếm tỷ trọng thấp, chỉ 0,5%. Là trung tâm tài chính, thương mại - dịch vụ, khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao của khu vực phía Nam và cả nước.

Thành phố luôn là một trong những địa phương dẫn đầu trong thu hút đầu tư nước ngoài. Trong đó, ưu tiên tập trung vào những lĩnh vực có công nghệ cao, tiên tiến, sản phẩm có giá trị gia tăng; đồng thời, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua việc tiếp cận và chuyển giao các công nghệ hiện đại của thế giới.

Cùng với nền kinh tế được duy trì tốc độ tăng trưởng cao, lĩnh vực văn hóa - xã hội đã có nhiều tiến bộ, ngày càng phong phú. Hoạt động văn hóa, nghệ thuật, du lịch có nhiều điểm sáng, là điểm đến hấp dẫn toàn cầu; đời sống vật chất, tinh thần người dân được nâng cao. Quốc phòng, an ninh và đối ngoại được tăng cường, củng cố, góp phần nâng cao vị thế và uy tín của đất nước và thành phố.

TP là địa phương có những nét văn hóa độc đáo, thu hút du khách trong và ngoài nước.

Giáo dục - đào tạo không ngừng phát triển, là địa phương đi đầu cả nước về phổ cập giáo dục, đến nay thành phố đã hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục bậc Trung học phổ thông, nâng cao mặt bằng dân trí, UNESCO đã công bố 64 thành phố của 35 quốc gia được công nhận là thành viên mạng lưới Thành phố học tập toàn cầu, trong đó có Thành phố Hồ Chí Minh ... Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân có nhiều tiến bộ, là trung tâm của cả nước về y tế và trong khu vực về nghiên cứu khoa học, ứng dụng kỹ thuật cao trong thăm khám, điều trị bệnh. Cùng với đó, công tác đền ơn đáp nghĩa, thực hiện chính sách đối với người có công với cách mạng, chăm lo cho người khuyết tật... luôn được thành phố quan tâm, thực hiện bằng những việc làm thiết thực. Các chính sách an sinh xã hội chăm lo cho hộ nghèo, hộ cận nghèo được thực hiện có hiệu quả…

Trong suốt hành trình xây dựng và phát triển, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thành phố luôn thể hiện bản lĩnh vượt qua, luôn có sự đóng góp xứng đáng cho sự phát triển của đất nước. Tài sản quan trọng mà Thành phố Hồ Chí Minh trước nay luôn có là truyền thống cách mạng kiên cường, thành phố anh hùng, sự năng động, sáng tạo, tinh thần dám nghĩ, dám làm của người dân, doanh nghiệp và chính quyền./..

 


An Nhiên (Lược ghi)