Các hội, nhóm, Câu lạc bộ của trường đã xây dựng, bài trí “Bảng tin Liên chi đội” theo đúng chủ đề “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh”.
Đây là ngôi trường có bề dày truyền thống và thành tích giảng dạy, học tập trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Khi triển khai Không gian văn hóa Hồ Chí Minh, nhà trường đã lồng ghép vào công tác chuyên môn đồng thời sáng tạo thêm nhiều hoạt động thiết thực khác.
Thầy Phạm Thanh Yên, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Trần Đại Nghĩa cho biết: “Nhà trường yêu cầu các tổ chuyên môn, trong đó nhóm bộ môn Khoa học xã hội (Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, GDCD) là lực lượng nòng cốt trong việc triển khai các nội dung thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị. Các tổ chuyên môn tích hợp giới thiệu và lan tỏa các gương điển hình thông qua kế hoạch giảng dạy bộ môn của năm học. Việc tổ chức được triển khai dưới hình thức lồng ghép trong tiết học bộ môn, thao giảng chuyên đề hoặc báo cáo dự án học tập”.
Thời gian qua, Nhà trường đã tiến hành xây dựng phòng trưng bày, triển lãm không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại thư viện tiên tiến. Mục đích bố trí tại thư viện vì đây là nơi thu hút sự quan tâm của học sinh, nơi tập hợp, lưu giữ những sách quý, tài liệu, tranh ảnh, gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh; để hình ảnh của Bác luôn hiện diện gần gũi, đồng thời thư viện có không gian yên tĩnh để học sinh, giáo viên đọc sách và cùng nhau thảo luận, trao đổi.
Thầy Phạm Thanh Yên cho biết: “Các giáo viên khi sử dụng thư viện cho các tiết dạy của mình có thể lồng ghép các bài học có liên quan để cùng học sinh tìm hiểu, dẫn dắt tư duy và tư tưởng vào nội dung bài học. Việc tổ chức dạy học tại không gian thư viện để thay đổi không gian lớp học truyền thống, tạo hứng thú và đưa không gian văn hoá Hồ Chí Minh vào từng tiết giảng, vào từng bài học”.
Đoàn trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa cũng đã tổ chức các buổi sinh hoạt chính trị “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” tại thư viện trường. Chia sẻ về hoạt động này, cô Hồng Phúc, trợ lý thanh niên Trường cho biết: “Qua các buổi sinh hoạt này, các em học sinh sẽ dần hình thành trong mình nhận thức về “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh”, từ đó có tinh thần trách nhiệm trong việc góp phần lưu truyền giá trị văn hóa, tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như các phong trào thi đua khác của nhà trường”.
Để hưởng ứng việc triển khai xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh của nhà trường, các hội, nhóm, Câu lạc bộ của trường đã xây dựng, bài trí “Bảng tin Liên chi đội” theo đúng chủ đề “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh”. Các lớp xây dựng các bài viết, tiểu phẩm về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Có những câu chuyện về Bác Hồ rất đời thường, giản dị được các em xây dựng thành các vở kịch nhỏ để biểu diễn trước toàn trường và đã lan tỏa được thông điệp hết sức ý nghĩa, thiết thực đối với các bạn học sinh như về tình yêu thương, quý trọng thời gian, giữ lời hứa, về tinh thần ham học hỏi, lòng trung thực…
Cùng với các hoạt động trên, một trong những hoạt động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, và “Xây dựng và phát triển không gian văn hóa Hồ Chí Minh” được nhà trường hưởng ứng tích cực đó là việc “nêu gương điển hình thông qua sinh hoạt chi bộ” và “lồng ghép việc giảng dạy gắn với những câu chuyện, bài học thực tiễn” cho học sinh.
Không gian văn hóa Hồ Chí Minh đặt tại Thư viện nhà trường.
Thực hiện theo chủ đề học tập hằng năm, cấp ủy nhà trường xây dựng kế hoạch triển khai chi tiết, trong đó chú trọng đến bản đăng ký học tập rèn luyện hằng năm của đảng viên gắn với chủ đề và gắn với nhiệm vụ được phân công. Trên cơ sở nội dung đăng ký rèn luyện của đảng viên, cấp ủy chọn lọc một số nội dung học tập gắn với kết quả đạt được cụ thể trong việc thực hiện các nhiệm vụ về công tác đảng, công tác chuyên môn và phân công đảng viên tiêu biểu báo cáo cụ thể cách làm, cách triển khai và hiệu quả làm được của trong sinh hoạt chi bộ; đảng viên trong chi bộ cùng thảo luận và rút kết kinh nghiệm cho bản thân trong việc tu dưỡng và rèn luyện.
Cấp ủy cũng phân công các tổ đảng trong chi bộ sưu tầm và báo cáo một số gương điển hình với cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả được đăng trên các tạp chí của Đảng, trên các phương tiện truyền thông, trong đó đặc biệt lưu ý đối với những gương điển hình, tiêu biểu trong lĩnh vực giáo dục để giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao nhận thức chính trị và rèn luyện phẩm chất đạo đức nhà giáo cho đảng viên trong xu thế hội nhập và một số thách thức hiện nay trong việc thực hiện nhiệm vụ. Việc giới thiệu, báo cáo, thảo luận các gương điển hình tiêu biểu phải được chuẩn bị chu đáo về nội dung, có kế hoạch thực hiện cụ thể, gửi tài liệu kham khảo và định hướng nội dung thảo luận.
Việc vận dụng học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tại nhà trường luôn mang tính thiết thực, ý nghĩa, hiệu quả, không hình thức và tạo được niềm tin, ý thức tự giác và sự lan tỏa rộng rãi. Với chiến lược phát triển nhà trường theo định hướng “Tiệm cận giáo dục quốc tế trên nền tảng một trường công lập Việt Nam”, việc xây dựng và lan tỏa những giá trị, phẩm chất tốt đẹp của Bác Hồ sẽ góp phần định hình và trang bị cho các em học sinh trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa những giá trị văn hóa cốt lõi, bền vững trong hội nhập quốc tế và xây dựng nên cộng đồng văn hóa học thuật riêng của nhà trường.
Thầy Phạm Thanh Yên cho biết, “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” được triển khai tại Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa mới chỉ là giai đoạn đầu. Trong thời gian tới, nhà trường và các thầy cô sẽ tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp, phương pháp để các hoạt động giáo dục ngày càng phong phú hơn; các giáo viên tiếp tục triển khai thực hiện nhiệm vụ chuyên môn gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị và gắn với “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” thiết thực, cụ thể và sinh động hơn./..