Tọa đàm hướng tới mục tiêu nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp xuất khẩu dưới tác động của đại dịch COVID-19 cũng như hiểu được các vấn đề rủi ro pháp lý và phương thức giải quyết tranh chấp khi áp dụng chuyển đổi số.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, Phó Tổng thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam Châu Việt Bắc cho biết, dịch COVID-19 gây ra các tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội trên phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên, bối cảnh thách thức này đã góp phần thúc đẩy quá trình vận động chuyển đổi số trong doanh nghiệp. Từ đó, góp phần tạo thành những đột phá hướng đến nền sản xuất thông minh. Trong thời gian qua cộng đồng doanh nghiệp đã chủ động, tích cực tìm hướng đi mới, áp dụng chuyển đổi số trong vận hành để duy trì tối đa hoạt động sản xuất kinh doanh. Theo khảo sát thương mại điện tử (TMĐT) cho thấy, TMĐT xuyên biên giới trong năm 2021 đã tăng 25,7% so với năm 2020; các giao dịch mua bán hàng hóa xuất nhập khẩu được xác lập qua phương thức truyền thống cũng được dần thay thế bằng giao kết thông qua website, sàn TMĐT. Đáng chú ý, theo các khảo sát, các hợp đồng được ký kết với chữ ký điện tử đã tăng 17% so với những người không dùng chữ ký điện tử. Việc chuyển đối số kịp thời sẽ là giải pháp giúp cho doanh nghiệp duy trì hoạt động, giữ được nhịp độ kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh.
Tọa đàm được tổ chức trực tuyến. (Ảnh: L.V)
Theo ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Việt Nam (VECOM), chuyển đổi số, đưa hàng lên các sàn thương mại điện tử được xem là giải pháp sống còn của các doanh nghiệp hiện nay. Các doanh nghiệp đưa được hàng lên sàn thì doanh thu tăng so với các doanh nghiệp vẫn kinh doanh theo kiểu truyền thống. Trong thời gian tới, VECOM sẽ tiếp tục làm việc với các địa phương triển khai dự án hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, phấn đấu Hà Nội và TP Hồ Chí Minh chiếm 50%, các tỉnh thành còn lại đạt 50%.
TS Nguyễn Tuấn Hoa, trọng tài viên, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, cho rằng, để thực hiện chuyển đổi số thành công thì tư duy lãnh đạo của doanh nghiệp phải thay đổi cho phù hợp. Các doanh nghiệp cần có lãnh đạo đi tiên phong; liên kết được với các chuyên gia ngành; phát triển được hạt nhân của phương thức sản xuất mới, tích hợp các giải pháp công nghệ trong doanh nghiệp và điều hướng được dữ liệu.
Tại tọa đàm, ông Nguyễn Trung Nam, Giám đốc điều hành Công ty Luật TNHH Cộng sự Tinh tú, Trọng tài viên, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, Hòa giải viên Trung tâm Hòa giải Việt Nam đã trình bày về những bất cập có thể tiềm ẩn rủi ro trong hoạt động TMĐT với yếu tố số hóa. Các bất cập này thường là về hợp đồng điện tử không có giá trị pháp lý; xác định danh tính và thu thập chứng cứ khi có tranh chấp. Để hạn chế những rủi ro này, các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa sang nước ngoài cần phải tìm hiểu thông tin về TMĐT trong Hiệp định thương mại tự do; danh tính điện tử của các giao dịch; tiêu chuẩn của người mua hàng; quy định về thủ tục hải quan và thuế tại Việt Nam./.