Quảng cáo trên màn hình Led tại Vincom Phạm Ngọc Thạch. (Ảnh: https://quangcaovietnam.com.vn)
Thành phố Hồ Chí Minh đang trở thành địa chỉ vàng cho các doanh nghiệp triển khai chiến dịch truyền thông quảng bá thương hiệu, sản phẩm và dịch vụ của mình. Là một trong những phương thức truyền thông được nhiều doanh nghiệp tin tưởng; quảng cáo ngoài trời đang phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết, trở thành sự lựa chọn hàng đầu cho cho nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Thành phố Hồ Chí Minh sở hữu hệ quảng cáo ngoài trời với mật độ cao, các phương tiện giao thông công cộng có thể triển khai quảng cáo với tần suất di chuyển cao và số lượng xe hoạt động lớn, còn các vị trí quảng cáo cố định thì thường được đặt ở những khu vực có mật độ người dân di chuyển qua lại vô cùng đông đúc. Nhờ đó, người dân có thể nhanh chóng tiếp nhận thông tin quảng cáo của doanh nghiệp, từ đó tạo nên những ấn tượng khó phai sâu bên trong tâm trí họ.
Quảng cáo ngoài trời nói chung và quảng cáo tại Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng có thể tiếp cận với rất nhiều đối tượng khác nhau, từ người già, trẻ nhỏ, học sinh, sinh viên, người đi làm… Quảng cáo ngoài trời giúp tiếp cận được với phần lớn những người tham gia giao thông.
Thuận lợi và khó khăn trong lĩnh vực quảng cáo ngoài trời
Từ những lợi thế trên thì nhu cầu của các doanh nghiệp đối với quảng cáo ngoài trời tại Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay là rất lớn.
Cụ thể qua khảo sát 48 doanh nghiệp quảng cáo cho thấy: 100% doanh nghiệp có nhu cầu quảng cáo ngoài trời thì tỷ lệ không đáp ứng (78,8%) chiếm hơn 2/3 số doanh nghiệp được khảo sát. Chỉ có 21,2% đáp ứng nhu cầu quảng cáo ngoài trời, chiếm hơn 1/5 tổng số doanh nghiệp được khảo sát.
Theo Báo cáo của Sở Văn hoá - Thể thao (2022), Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương có số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực quảng cáo chiếm tỷ lệ cao và không ngừng tăng lên qua các năm. Năm 2019, số doanh nghiệp hoạt động trong ngành quảng cáo trên địa bàn Thành phố là 5.497 doanh nghiệp, trong đó có 5.368 doanh nghiệp ngoài nhà nước (97%) và 129 doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (3%). Ngoài ra, có 02 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quảng cáo có chi nhánh tại Thành phố thường xuyên có hồ sơ thông báo sản phẩn quảng cáo tại Sở Văn hóa và Thể thao. Đến năm 2020, Thành phố có hơn 6.084 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực quảng cáo. Về tình hình hoạt động văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài tại Thành phố: hiện nay có 03 văn phòng đại diện còn hoạt động.
Tính đến cuối năm 2022, Sở Giao thông Vận tải thống kê có 980 trụ, bảng quảng cáo nằm trong hành lang đường bộ. Sở Giao thông Vận tải quản lý 527 trụ quảng cáo (302 trụ trước năm 2012, 225 trụ sau năm 2012), các đơn vị khác quản lý 453 trụ. Trong 980 trụ, có 7 trụ quảng cáo không có pháp lý đề xuất tháo dỡ theo quy định, 8 trụ trên tuyến đường dẫn cao tốc hiện nay đang đề xuất tháo dỡ do vướng dự án sắp triển khai hoặc không đầy đủ các pháp lý quy định.
Các biển, bảng quảng cáo trong hành lang an toàn giao thông đường bộ tại Thành phố Hồ Chí Minh, Từ năm 2013 đến nay có 980 trụ, bảng quảng cáo.
Qua thực hiện thống kê, Sở Xây dựng (2022) ghi nhận tại các công viên được phân cấp quản lý hiện đang duy trì, tồn tại 54 trụ bảng, pano cổ động, quảng cáo được quản lý, khai thác bởi nhiều cơ quan, đơn vị quản lý.
Thành phố Hồ Chí Minh, tổng số có 54 trụ, bảng quảng cáo tại công viên trong đó: Công viên 23 tháng 9 có 15 trụ bảng, pano; Công viên Tao Đàn có 09 trụ bảng, pano; Công viên Lam Sơn có 04 bảng thông tin điện tử; Các công viên khác 26 trụ bảng, pano
Toàn Thành phố hiện có gần 10.000 bảng quảng cáo sử dụng công nghệ và hạ tầng viễn thông. Đặc biệt, trụ pano tuyên truyền kết hợp quảng cáo có 01 trụ; Trụ sơ đồ hướng dẫn vị trí đón xe buýt kết hợp quảng cáo có 10 trụ; Nhà chờ xe buýt kết hợp quảng cáo 55 nhà chờ…
Trong những năm qua, lĩnh vực quảng cáo nói chung và quảng cáo ngoài trời nói riêng đã có những đóng góp không nhỏ cho sự phát triển kinh tế của Thành phố.
Theo số liệu của Cục Thống kê Thành phố, mỗi năm ngành quảng cáo giải quyết việc làm cho hơn 4.000 lao động, tính đến năm 2020, thành phố có hơn 6.084 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực quảng cáo với hơn 54.000 lao động đóng góp khoảng 1,8% GRDP của Thành phố. Trong dự kiến đề án phát triển ngành quảng cáo, Thành phố đặt mục tiêu đến năm 2025, ngành này đóng góp 2,6% GRDP cho Thành phố, khoảng 32.000 tỷ.
Đóng góp cho ngân sách Thành phố: Từ năm 2015 cho đến nay, Sở Giao thông Vận tải thực hiện ký hợp đồng tạm thời duy trì các trụ hộp đèn cổ động chính trị và quảng cáo nằm trong phạm vi hành lang an toàn giao thông đường bộ, thời gian mỗi lần gia hạn, hợp đồng không quá 6 tháng. Đơn giá cho thuê tạm thời hiện nay đối với trụ bảng quảng cáo có diện tích ≤ 10 m2: 10.000.000 đồng/trụ/năm và đối với trụ bảng quảng cáo có diện tích > 10 m2: 15.000.000 đồng/trụ/năm; nguồn thu được nộp vào Quỹ bảo trì đường bộ, cụ thể cho 509 trụ với kinh phí cho thuê được nộp về tài khoản của Quỹ bảo trì đường bộ với số tiền là: 30.049.997.145 đồng.
Riêng đối với lĩnh vực quảng cáo trên xe buýt, năm 2016 tổ chức thí điểm quảng cáo trên 171 xe buýt thu gần 15 tỷ đồng; năm 2017 triển khai trên 492 xe thu được 54 tỷ đồng; năm 2018 thu 55 tỷ đồng; năm 2019 thu 51 tỷ đồng; năm 2020 thu: 28 tỷ đồng.
Bên cạnh những thuận lợi, còn tồn tại một số hạn chế trong quảng cáo ngoài trời tại Thành phố
Thành phố hiện có 4.734 km đường giao thông đường bộ, 952 km đường sông, số lượng cầu đường bộ là1.160 cầu. Với số lượng đường giao thông (đường bộ và đường thuỷ lớn), mật độ giao thông đông đúc, nhưng Thành phố chưa khai thác được lợi thế giao thông để phát triển quảng cáo ngoài trời, mặc dù nhu cầu quảng cáo ngoài trời hiện nay là rất lớn.
Hệ thống bảng, biển quảng cáo ngoài trời mang tính tự phát, chưa đồng bộ, gây nhếch nhác, mất mỹ quan đô thị; công tác quy hoạch quảng cáo ngoài trời trên địa bàn Thành phố chưa được thực hiện, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp trong việc tổ chức các hoạt động quảng cáo ngoài trời. Mặc dù Luật Quảng cáo (2012) đã có quy định cụ thể về việc quy hoạch quảng cáo ngoài trời, nhưng đến nay Thành phố vẫn chưa thể triển khai thực hiện.
Chưa xây dựng được nét đặc trưng trong văn hoá quảng cáo trên địa bàn Thành phố, nhằm tạo điểm nhấn và thu hút du lịch. Mặc dù Thành phố có rất nhiều tuyến đường mua bán, kinh doanh sầm uất, các vòng xoay, quảng trường đông đúc người tham gia lưu thông, vui chơi và sinh hoạt. Nhưng đến nay, Thành phố vẫn chưa có những tuyến đường đặc trưng, bắt mắt về bảng hiệu quảng cáo hay những vòng xoay, quảng trường quảng cáo sặc sỡ ánh đèn, không chỉ tạo điều kiện cho quảng cáo ngoài trời phát triển, mà còn tạo điểm nhấn, không gian văn hoá thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.
Công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực quảng cáo nói chung và quảng cáo ngoài trời nói riêng còn nhiều hạn chế, nhất là trong cơ chế phối hợp, quản lý chưa đồng bộ giữa các Sở, ngành và địa phương dẫn đến thiếu chặt chẽ và sâu sát trong công tác quản lý, đặc biệt là công tác hậu kiểm, dẫn đến còn xảy ra nhiều sai phạm trong hoạt động quảng cáo trên địa bàn Thành phố.
Tình trạng quảng cáo ngoài trời, viết, đặt biển hiệu, quảng cáo, không thực hiện đúng các quy định pháp luật (chưa được cấp phép, sử dụng tiếng nước ngoài, nội dung quảng cáo không đúng quy định…), gây sai lệch thông tin sản phẩm, gây khó khăn cho người đọc…
Việc lắp đặt biển hiệu, bảng quảng cáo không đồng bộ, gây mất mỹ quan đô thị; còn tình trạng bảng hiệu vi phạm quy định về kích thước, che chắn mặt tiền nhà, lấn chiếm không gian, vỉa hè, phần đường dành riêng cho người đi bộ làm ảnh hưởng đến công tác phòng cháy chữa cháy, trật tự, an toàn giao thông đô thị. Mà thực tế trong thời gian qua cả nước nói chung và Thành phố nói riêng đã xảy ra nhiều trường hợp người dân không thể thoát thân khi có hoả hoạn xảy ra, do bảng hiệu bịt kín mặt tiền nhà.
Mặc dù số lượng màn hình LED, LCD quảng cáo hiện nay là rất lớn (gần 10.000 bảng), nhưng công tác quản lý cấp phép và quản lý nội dung quảng cáo chưa chặt chẽ, nhất là việc quảng cáo bên trong các tòa nhà chung cư, cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại, tại các cửa hàng, cửa hiệu kinh doanh. Chưa khai thác hiệu quả Đề án quảng cáo trên thân xe buýt và các phương tiện giao thông công cộng; việc quảng cáo kết hợp cổ động chính trị… chưa được quản lý một cách căn cơ.
Công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động quảng cáo, nhất là quảng cáo ngoài trời mặc dù có thực hiện nhưng chưa quyết liệt, còn tình trạng doanh nghiệp vi phạm nhiều lần, không chấp hành các nội dung xử phạt; chưa có biện pháp cưỡng chế phù hợp; công tác cấp phép và quản lý hoạt động quảng cáo ngoài trời, nhất là đối với quảng cáo qua màn hình LED, LCD chưa được công khai, minh bạch.
Việc quản lý nguồn lực từ quảng cáo ngoài trời còn bỏ ngỏ, gây thất thoát, lãng phí nguồn thu ngân sách. Chưa khai thác tốt các điều kiện tự nhiên (hệ thống sông ngòi), điều kiện kinh tế - xã hội (hệ thống đường giao thông, cầu, nhà ga, phương tiện giao thông…) để phát huy tiềm năng phát triển quảng cáo ngoài trời. Qua đó, góp phần đóng góp vào nguồn thu ngân sách nhà nước.
Đội ngũ nhân lực làm công tác quảng cáo của Thành phố vừa thừa vừa thiếu, đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước trong lĩnh vực quảng cáo còn thiếu và yếu.
Giải pháp thu hút quảng cáo ngoài trời
Hiện tại, Thành phố Hồ Chí Minh có rất nhiều con đường kinh doanh sầm uất, nhiều giao lộ, vòng xoay, quảng trường, bờ sông, bến cảng… Thành phố cần quy hoạch và định hướng để có thể tạo điểm nhấn trong văn hoá quảng cáo không chỉ tạo điều kiện cho doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm mà qua đó thu hút và phát triển ngành du lịch của Thành phố.
Do đó, cần xây dựng chiến lược, chính sách phát triển ngành quảng cáo trên địa bàn Thành phố tầm nhìn trung và dài hạn (5 năm, 10 năm, 20 năm…) trong đó tập trung nghiên cứu, xây dựng các chính sách đặc thù phù hợp điều kiện kinh tế - xã hội, đời sống văn hoá của Thành phố để khai thác tối đa tiềm năng, thúc đẩy và phát triển ngành quảng cáo, nhất là quảng cáo ngoài trời; nghiên cứu, xây dựng các chính sách thu hút đầu tư trong và ngoài nước đối với ngành quảng cáo, tạo công ăn việc làm, đóng góp nhiều hơn vào GRDP Thành phố.
Thành phố cần đánh giá, tổng hợp đầy đủ các vướng mắc liên quan đến thể chế, chính sách, pháp luật; rà soát, kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, chồng chéo trong các quy định pháp luật về quảng cáo đối với Luật Quảng cáo, Luật Giao thông đường bộ, Luật Xây dựng, Luật Đất đai để hoạt động quảng cáo, nhất là quảng cáo ngoài trời được thực hiện một cách hiệu quả.
Nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, điều hành hoạt động quảng cáo trên địa bàn.Thống kê, rà soát và có giải pháp xử lý phù hợp đối với những công trình quảng cáo ngoài trời không đúng quy hoạch và quy định. Làm rõ trách nhiệm của các Sở, ngành, địa phương để xảy ra những công trình quảng cáo ngoài trời không đúng quy định nhằm chấn chỉnh, xử lý, không để tiếp tục tái diễn.
Song song đó, xây dựng và ban hành quy chế phối hợp giữa các các Sở, ngành và địa phương về quản lý, cấp phép, thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm trong hoạt động quảng cáo trên địa bàn Thành phố.
Xây dựng và phê duyệt đề án quản lý và sử dụng nguồn thu từ khai thác hoạt động quảng cáo ngoài trời, quảng cáo trên phương tiện giao thông, trạm dừng, nhà chờ của xe buýt trên địa bàn Thành phố; nghiên cứu tổ chức đấu giá quyền thuê địa điểm quảng cáo ngoài trời tại các khu vực đất công, đất giao thông… Khai thác tối đa tiềm năng, hiệu quả nguồn thu từ quảng cáo để phục vụ cho công tác duy tu, bảo dưỡng công trình giao thông, chỉnh trang đô thị.
Ban hành các giải pháp quản lý hiệu quả hoạt động quảng cáo trên các màn hình điện tử ở ngoài trời và bên trong các tòa nhà chung cư, cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại, siêu thị, các cửa hàng, cửa hiệu kinh doanh,…Cần có quy định, chính sách rõ ràng đối với việc xã hội hóa hoạt động quảng cáo thương mại kết hợp cổ động chính trị trên địa bàn Thành phố.
Tăng cường công tác tuyên truyền Luật Quảng cáo đến người dân và doanh nghiệp, vận động người dân thực hiện đúng các quy định về quảng cáo theo quy định, không dán thông tin quảng cáo trên các cột điện, hàng rào… gây mất mỹ quan đô thị; không để xảy ra các trường hợp biển hiệu bịt kín lối thoát hiểm nhà dân.
Có cơ chế tiếp xúc, lắng nghe các doanh nghiệp và Hiệp hội quảng cáo, từ đó có cơ chế hỗ trợ cho hoạt động quảng cáo trên địa bàn Thành phố, đặc biệt là quảng cáo ngoài trời, các hoạt động quảng cáo và các doanh nghiệp quảng cáo có đóng góp trang trí cho Thành phố luôn đẹp ban ngày và rực rỡ ban đêm.
Ngoài ra, Thành phố cần dự báo đánh giá về nhu cầu nguồn nhân lực của ngành, qua đó phối hợp với các Trường trong công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực quảng cáo và thực hiện hợp tác quốc tế trong lĩnh vực quảng cáo.
Rà soát, có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức phụ trách lĩnh vực quảng cáo từ Thành phố đến cơ sở; tổ chức các hoạt động nghiên cứu, học tập kinh nghiệm quản lý từ các thành phố tương đồng trong nước và quốc tế.
Quảng cáo nói chung và quảng cáo ngoài trời nói riêng là nhu cầu tất yếu của một xã hội phát triển. Những giải pháp trên tạo điều kiện xây dựng ngành quảng cáo không chỉ là ngành công nghiệp phát triển mà quảng cáo ngoài trời còn là biểu tượng văn hoá đặc trưng để phát triển du lịch Thành phố Hồ Chí Minh./.