Hội Nông dân xã Phạm Văn Cội đã tổ chức chuyến đi thực tế tham quan học tập mô hình "Kỹ thuật thụ phấn trên cây mãng cầu" tại Tỉnh Tây Ninh.

Trong thời gian qua, Huyện ủy huyện Củ Chi thường xuyên quan tâm, lãnh chỉ đạo cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội về ý nghĩa và tầm quan trọng của phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp. Trong đó, Hội Nông dân huyện tích cực phối hợp các ngành có liên quan, thực hiện tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân và Nhân dân tham gia phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn; thể hiện sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền đối với nông nghiệp, nông thôn và nông dân trong sự phát triển kinh tế - xã hội huyện.

Từ đó, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội từ huyện tới cơ sở, luôn xác định nội dung cụ thể, lộ trình thực hiện, có trọng tâm, trọng điểm về phát triển kinh tế tập thể, trong sự phát triển của địa phương.

Về công tác tuyên truyền thành lập các mô hình kinh tế tập thể

Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới đã khẳng định “Phát triển kinh tế tập thể là xu thế tất yếu trong bối cảnh hội nhập quốc tế, phù hợp với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Trong xu thế hội nhập kinh tế thế giới, khu vực, các tổ chức phải chủ động, tích cực tham gia vào nền kinh tế toàn cầu thúc đẩy cải cách kinh tế và thể chế trong nước là yêu cầu đặt ra cho các cá nhân, tổ chức; sự tăng cường năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, mở rộng thị trường xuất khẩu; cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Từ thách thức của sự hội nhập, đòi hỏi phải liên kết trong sản xuất và tiêu thụ hàng hóa; sự hình thành các mô hình kinh tế hợp tác như tổ hợp tác, hợp tác xã là một tất yếu.

Huyện ủy huyện Củ Chi luôn quan tâm chỉ đạo Hội Nông dân huyện phối hợp Ủy ban Nhân dân huyện và các ngành có liên quan, đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chủ trương, Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, công tác chỉ đạo xây dựng và phát triển kinh tế tập thể nhất là Luật Hợp tác xã, thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18/3/2002 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về “Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể”, nay là Nghị quyết số 20-NQ/ TW ngày 16/6/2022 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới, các văn bản hướng dẫn thi hành các chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế tập thể...

Trong đó, Hội Nông dân huyện phối hợp với các ban của Hội Nông dân Thành phố tổ chức các hoạt động, như hội nghị, tọa đàm trao đổi mô hình tổ hợp tác và hợp tác xã; đưa các nội dung phát triển kinh tế tập thể và chương trình công tác Hội và Phong trào nông dân vào các buổi sinh hoạt chi tổ hội tại các ấp, khu phố; biểu dương, khen thưởng, đề xuất khen thưởng, tôn vinh các gương nông dân sản xuất kinh doanh giỏi làm tiền đề cho cuộc vận động hội viên, nông dân tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã.

Ngoài ra, còn chỉ đạo Ban Thường vụ Hội Nông dân huyện phối hợp Ban Kinh tế Xã hội Hội Nông dân Thành phố, Liên minh Hợp tác xã Thành phố, Chi cục Phát triển nông thôn Thành phố, Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp Thành phố và Phòng Kinh tế huyện tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng cán bộ, hội viên nòng cốt để thành lập hợp tác xã; trang bị những kỹ năng, kiến thức, quy trình thành lập và tổ chức hoạt động của các mô hình liên kết hợp tác, tổ hợp tác và hợp tác xã cho hội viên nông dân.

Phát huy hiệu quả của các mô hình trình diễn, các Câu lạc bộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, khuyến nông, các tổ tiết kiệm vay vốn, tăng cường chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ; tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp; trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất kinh doanh; tư vấn nghiệp vụ và định hướng loại hình kinh tế tập thể, tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp.

Hội Nông dân huyện còn phối hợp các ngành như: Liên minh Hợp tác xã Thành phố phổ biến rộng rãi các tài liệu tuyên truyền hướng dẫn quy trình thành lập và tổ chức hoạt động của các mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp, giúp đỡ các cơ sở hội tham gia có hiệu quả vào công cuộc nâng chất các tiêu chí xây dựng nông thôn mới (THT, HTX) tại địa phương; phối hợp Trung tâm tư vấn và Hỗ trợ Nông nghiệp Thành phố tổ chức đưa nông dân thăm, học tập mô hình kính tế tập thể có hiệu quả ở các tỉnh như: Cần Thơ, Đồng Tháp, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Hà Nội...

Kết quả thực hiện tư vấn, hỗ trợ phát triển các mô hình kinh tế tập thể

 

Với đặc điểm là một huyện nông thôn mới của thành phố, số lượng các hợp tác xã nông nghiệp chiếm tỷ lệ lớn trên tổng số các hợp tác xã trên địa bàn huyện (39 hợp tác xã nông nghiệp với 696 thành viên và 763 lao động làm việc trên tổng số 51 hợp tác xã đang hoạt động, tương đương tỷ lệ 76%), hoạt động với nhiều mô hình cung ứng sản phẩm dịch vụ; ngành nghề kinh doanh đa dạng như: chăn nuôi, sản xuất kinh doanh rau an toàn, cung cấp dịch vụ nông nghiệp, các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn huyện đã chủ động mở rộng hoặc thành lập các chuỗi liên kết giữa các hợp tác xã nông nghiệp và hệ thống hợp tác xã thương mại, siêu thị để tiêu thụ sản phẩm cho thành viên.

Trong đó, các hợp tác xã nông nghiệp tập trung cung cấp các sản phẩm, dịch vụ đầu vào như: cây, con giống, vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, chăm sóc thú y, thức ăn chăn nuôi, chuyển giao khoa học - kỹ thuật nuôi trồng… bao tiêu đầu ra cho thành viên, hộ gia đình. Đặc biệt, nhiều hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn huyện đã tham gia vào thị trường xuất khẩu như Hợp tác xã Sinh Vật Cảnh Sài Gòn, Hợp tác xã Hoa Lan Huyền Thoại…

Ngoài ra, còn có các hợp tác xã nông nghiệp đã tổ chức tiêu thụ sản phẩm tại các hệ thống siêu thị, điển hình như Hợp tác xã Sản xuất rau an toàn Nhuận Đức, Hợp tác xã Hải Nông, Hợp tác xã bánh tráng Phú Hòa Đông, Hợp tác xã Sản xuất Thương mại Nông sản Nấm Việt…

Huyện ủy huyện Củ Chi thường xuyên quan tâm chỉ đạo Hội Nông dân huyện phối hợp Ủy ban Nhân dân huyện và các ngành có liên quan trong công tác củng cố, xây dựng và phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn huyện; tổ chức nhiều hội nghị giữa người sản xuất và các hợp tác xã, tổ hợp tác, đơn vị thương mại và các đơn vị trực tiếp tiêu thụ nông sản để liên kết hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho nông dân.

Chỉ đạo Hội Nông dân huyện thực hiện công trình “Mỗi huyện, quận xây dựng mới 01 mô hình hợp tác xã điểm về cung ứng vật tư, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để nhân rộng”. Kết quả từ năm 2018 – 2023, các ngành đã phối hợp vận động thành lập được 24 Hợp tác xã với 182 thành viên, thành lập mới 160 Tổ hợp tác với 2.956 thành viên, nâng tổng số 33 Hợp tác xã với 567 thành viên và 179 Tổ hợp tác với 3.148 thành viên1.

Giải pháp phát triển mô hình kinh tế tập thể trên địa bàn huyện

Phát triển các mô hình kinh tế tập thể là cốt lõi được quan tâm của Ban Chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể huyện, trong đó, Hội Nông dân huyện là thành viên tích cực. Sự  phát triển mô hình kinh tế tập thể là nhiệm vụ thường xuyên và phải tôn trọng nguyên tắt tự nguyện cùng có lợi để phát triển bền vững, không đặt nặng về phát triển số lượng, mà phải đảm bảo chất lượng trong hoạt động của các mô hình kinh tế hợp tác.

Huyện ủy huyện Củ Chi đã chỉ đạo Hội Nông dân huyện phối hợp Ủy ban Nhân dân huyện, các Sở ngành của Thành phố tổ chức tập huấn Luật Hợp tác xã năm 2012 và các văn bản có liên quan; thông qua buổi tập huấn nhằm giúp cho các thành viên nâng cao nhận thức về vị trí vai trò của kinh tế tập thể, về mô hình hợp tác xã kiểu mới, để nông dân tin tưởng tham gia và gắn bó với tổ hợp tác, hợp tác xã, từng bước nâng cao sự liên kết, hợp tác trong hội viên nông dân để sản xuất bền vững, giúp hội viên nông dân tiêu thụ sản phẩm với thị trường ổn định.

Định kỳ tháng, quý, 6 tháng, các ngành tham gia cùng Ban Chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể huyện đến làm việc, nắm tình hình hoạt động của các hợp tác xã, tổ hợp tác. Qua đó, kịp thời hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho các mô hình kinh tế trong quá trình hoạt động sản xuất và tiêu thụ hàng hóa; giải thể các hợp tác xã hoạt động không hiệu quả.

Đồng thời, chỉ đạo Hội Nông dân huyện phối hợp với Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới của huyện, các xã thực hiện tiêu chí 13 về tổ chức sản xuất, phải đảm bảo có hợp tác xã hoạt động theo đúng quy định của Luật Hợp tác xã năm 2012 và có mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực đảm bảo bền vững.

Hội Nông dân huyện, xã, thị trấn thực hiện thông tin tuyên truyền, nhất là trong các buổi làm việc, các hội nghị, biểu dương, khen thưởng đối với các mô hình kinh tế tập thể có kết quả kinh tế cao trong nông nghiệp.

Củ Chi là huyện ngoại thành, nằm về phía Tây Bắc Thành phố Hồ Chí Minh, có diện tích đất tự nhiên là 43.496 ha, diện tích đất nông nghiệp là 31.441ha, chiếm tỷ lệ 72,28% tổng diện tích đất tự nhiên. Về địa giới hành chính, huyện được chia thành 20 xã và 01 thị trấn với 178 ấp, khu phố. Dân số trên địa bàn huyện có 527.206 người, số hộ nông nghiệp 10.333 hộ, số lao động nông nghiệp trên địa bàn là 17.540 người.

Tỷ trọng cơ cấu ngành của huyện: công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chiếm tỷ lệ 74,6%, thương mại, dịch vụ chiếm tỷ lệ 16%, nông nghiệp chiếm tỷ lệ 9,4%. Trong đó, Hội Nông dân có 21 cơ sở Hội trực thuộc và 177 chi Hội ấp/khu phố với 20.150 hội viên nông dân./..

 

CM