|
Ký kết bản ghi nhớ hợp tác tại sự kiện. Ảnh: L.Hoàng |
Ngày 29/8, tại TP Hồ Chí Minh, Ủy ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang tổ chức Hội nghị Xúc tiến thương mại tỉnh Tiền Giang năm 2023 và Tuần lễ giới thiệu các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của Tiền Giang.
Tiền Giang là tỉnh có lợi thế phát triển các sản phẩm nông sản có thể gây dựng thương hiệu và chỗ đứng trên thị trường trong nước và quốc tế. Tỉnh hiện có 3 lĩnh vực sản phẩm nông nghiệp chủ lực: Trồng trọt (cây hàng năm, cây ăn trái lâu năm), chăn nuôi và thủy sản. Với thế mạnh, tiềm năng riêng, tỉnh bước đầu nâng cao được khả năng cạnh tranh, dần đáp ứng được thị hiếu tiêu dùng trong và ngoài nước.
Từ khi triển khai chương trình OCOP đến nay, Tiền Giang đã có 207 sản phẩm đạt OCOP cấp tỉnh, trong đó có 95 sản phẩm 4 sao và 112 sản phẩm 3 sao; ngoài ra có 05 sản phẩm đang được tỉnh đề nghị 5 sao.
Sau khi được đánh giá, xếp hạng, nhiều sản phẩm OCOP tiêu biểu của tỉnh đã mở rộng được thị trường, được các đơn vị bán lẻ có hợp đồng tiêu thụ với số lượng lớn. Doanh thu tăng đáng kể và đang khẳng định được vị thế trên thị trường.
Chương trình OCOP đã đem lại hiệu quả tích cực, phát triển sản phẩm đặc trưng, truyền thống của tỉnh Tiền Giang và góp phần khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương thông qua định hình những sản phẩm chất lượng, đúng quy chuẩn, tăng khả năng cạnh tranh và đáp ứng nhu cầu thị trường trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Đồng thời, thiết thực thay đổi tập quán sản xuất, khơi dậy và phát huy tinh thần sáng tạo khởi nghiệp trong các tầng lớp nhân dân không chỉ trên lĩnh vực khôi phục và phát huy ngành nghề truyền thống làm giàu mà còn hướng người dân tiếp cận nền kinh tế thị trường, hàng hóa, mở mang sản xuất khu vực nông thôn. Một số sản phẩm OCOP của tỉnh đã có mặt tại nhiều cửa hàng tiện ích trong và ngoài tỉnh, các hệ thống siêu thị lớn, nhiều sản phẩm đã có doanh số bán hàng từ hàng trăm triệu đồng trở lên.
Tuy nhiên, Chương trình OCOP cũng còn những khó khăn, hạn chế nhất định. Sản phẩm chế biến còn ít, quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, trình độ quản trị sản xuất, kinh doanh của các hợp tác xã, doanh nghiệp, chủ cơ sở, kinh doanh còn thấp, thói quen phát triển thụ động, hiểu biết về sản phẩm, năng lực nghiên cứu và phát triển còn yếu dẫn đến năng suất, chất lượng, số lượng sản phẩm chưa cao. Dẫn đến sức cạnh tranh của sản phẩm còn hạn chế nên việc triển khai chương trình chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh, đặc biệt là việc quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP chưa được như mong muốn.
Giai đoạn từ 2021 - 2025, tỉnh tiếp tục phát huy những thành quả đạt được, triển khai có hiệu quả và đồng bộ chương trình OCOP từ tỉnh đến cơ sở. Đẩy mạnh công tác truyền thông, khuyến khích các tổ chức kinh tế, hộ sản xuất tích cực tham gia chương trình OCOP gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của tỉnh theo hướng sản xuất hàng hóa chất lượng, tăng giá trị gia tăng của sản phẩm và phát triển bền vững, đưa khu vực nông thôn tiến nhanh trên đà đô thị hóa. Tăng cường công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP của tỉnh một cách rộng rãi, nâng cao hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại đưa sản phẩm OCOP đến với thị trường, chiếm lĩnh thị trường trong nước và xuất khẩu. Đến năm 2025, phấn đấu ít nhất 200 sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên (trong đó có 05 - 07 điểm du lịch nông thôn), phấn đấu 10 sản phẩm OCOP đạt 5 sao; 100% sản phẩm OCOP được giới thiệu trên trang web chuyên OCOP của tỉnh. Ưu tiên phát triển các hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa, phấn đấu ít nhất có 40% chủ thể OCOP là hợp tác xã, 30% chủ thể là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đào tạo tập huấn cho 100% cán bộ quản lý chương trình, lãnh đạo các doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ hộ có đăng ký kinh doanh tham gia chương trình OCOP. Có ít nhất 70% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại (hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, sàn giao dịch thương mại điện tử...); phấn đấu phát triển 10 điểm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh.
Để đạt được mục tiêu trên, đưa chương trình OCOP phát triển theo chiều sâu, ngoài việc ban hành cơ chế, chính sách cụ thể cho Chương trình OCOP, tỉnh tiếp tục xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy, hệ thống tư vấn thực hiện OCOP; nâng cao chất lượng công tác đánh giá, phân hạng sản phẩm; đẩy mạnh các hoạt động chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ; đổi mới và đẩy mạnh công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm…
Ngoài ra, phải tập trung mở rộng chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ của tỉnh với các đối tác trong và ngoài nước ổn định, bền vững; tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sản xuất sản phẩm OCOP và nông, lâm, thủy sản của tỉnh có cơ hội tiếp cận hệ thống phân phối lớn, hiện đại tại các siêu thị, trung tâm thương mại, chuỗi cửa hàng tiện lợi và các kênh phân phối khác ở các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam và cả nước, nhất là các đô thị lớn và vùng kinh tế trọng điểm như: TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Nha Trang, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Bình Dương, Đồng Nai...; đồng thời giới thiệu, quảng bá các sản phẩm đặc trưng của tỉnh đến các khách hàng trong và ngoài nước, cũng như xúc tiến kêu gọi các dự án đầu tư vào tỉnh.
Hội nghị Xúc tiến thương mại tỉnh Tiền Giang năm 2023 tại TP Hồ Chí Minh có ý nghĩa rất quan trọng, nhằm tiếp tục hình thành và từng bước mở rộng chuỗi liên kết sản xuất-tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ của tỉnh Tiền Giang với các đối tác trong và ngoài nước theo hướng ổn định, bền vững.
Hội nghị giới thiệu, quảng bá sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP và dự án kêu gọi đầu tư trên địa bàn tỉnh. Tại hội nghị, một số cơ quan Thương vụ nước ngoài tại TP Hồ Chí Minh, hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài; đại diện siêu thị, nhà phân phối, doanh nghiệp, hợp tác xã... cũng chia sẻ kinh nghiệm tham gia chuỗi cung ứng sản xuất-tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trong và ngoài nước. Nhiều đơn vị chỉ ra rằng phát triển và tiêu thụ các sản phẩm OCOP không chỉ góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, truyền thống của các địa phương, mà còn là cơ hội để nâng cao thu nhập và nâng cao đời sống cho người dân nông thôn.
Hội nghị tiến hành ký kết bản ghi nhớ hợp tác (MOU) giữa Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang với Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh; Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang và Co.opmart TP Hồ Chí Minh, Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang với Tập đoàn Central Retails – Thái Lan về phát triển hệ thống siêu thị trên địa bàn tỉnh; giữa Doanh nghiệp Tiền Giang và Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh.
Tuần lễ giới thiệu các sản phẩm OCOP và sản phẩm đặc trưng của Tiền Giang tại TP Hồ Chí Minh diễn ra cùng thời điểm tổ chức Hội nghị Xúc tiến thương mại tỉnh Tiền Giang năm 2023 nhằm giới thiệu quảng bá sản phẩm OCOP và sản phẩm đặc trưng của tỉnh đến với khách tham quan và mua sắm tại TP Hồ Chí Minh. Tạo tiền đề hình thành chuỗi giá trị liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm, tạo kênh tiêu thụ các sản phẩm, hàng hóa ổn định, bền vững với đa dạng các chủng loại hàng hóa, chất lượng cao, giá thành hợp lý và có tính cạnh tranh. Tạo điều kiện hỗ trợ cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị cung ứng sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP và sản phẩm nông thủy sản, thực phẩm của tỉnh Tiền Giang có cơ hội quảng bá, giới thiệu sản phẩm và tìm kiếm đối tác kinh doanh, mở rộng thị trường.
Tuần lễ giới thiệu các sản phẩm OCOP và sản phẩm đặc trưng của Tiền Giang tại TP Hồ Chí Minh sẽ diễn ra trong 05 ngày (từ nay đến ngày 02/9/2023) tại Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư TP Hồ Chí Minh (ITPC), số 92 - 96 Nguyễn Huệ, quận 1, TP. Hồ Chí Minh./.